Tin Hiệp hội Ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

PV08/03/2023 20:36

Ngày 8/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tham dự buổi Tọa đàm có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Nguyễn Duy Tiến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội; ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN; bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN; ông Lê Văn Kiên, Vụ phó Vụ Thanh toán, NHNN; bà Nguyễn Thu Hà, Phó Vụ Trưởng Vụ I, Tổng Cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Đức Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; cùng các đại diện của: Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, đại diện Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài (BWG) và các tổ chức tín dụng (TCTD) là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng… 

toan-canh.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Minh Ngọc

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, Luật Các TCTD đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các TCTD. Quá trình thực thi luật đã giúp nâng cao năng lực quản trị điều hành của TCTD, cảnh báo, can thiệp sớm nhằm hạn chế rủi ro, vi phạm trong hoạt động của các TCTD…. Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành, triển khai Luật Các TCTD được ban hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, ổn định cho hoạt động ngân hàng.

ttk-nguyen-quoc-hung.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng. Ảnh: Minh Ngọc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, Luật Các TCTD đã phát sinh một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa phù hợp.

''Việc sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các TCTD phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng, nâng cao chất lượng hoạt động; tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số; đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH 14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, việc Luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó, tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài'', ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các TCTD tập trung trao đổi, thảo luận vào một số nội dung hiện vướng mắc như: quy định liên quan tổ chức quản trị, điều hành của TCTD (người đại diện theo pháp luật; về HĐQT, HĐTV; về thành viên HĐQT độc lập; về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu của cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn; hoạt động L/C…); quy định liên quan đến hoạt động và hạn chế bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; về nghiệp vụ đại lý; hoạt động ngân hàng điện tử; về nắm giữ bất động sản…); quy định liên quan đến cơ cấu lại TCTD yếu kém; quy định liên quan xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu.

ong-don-vu-phap-che.jpg
Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN . Ảnh: Minh Ngọc

Chia sẻ về Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi). NHNN đã khẩn trương thực hiện xây dựng dự án Luật đảm bảo chất lượng, tiến độ để trình Chính phủ.

Trên cơ sở ý kiến tổng hợp của các cơ quan, tổ chức,… ông Tạ Quang Đôn cho biết, NHNN đã gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tổng hợp, tiếp thu và nghiên cứu ý kiến tham gia của các cơ quan, tổ chức để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Dự thảo Luật TCTD sửa đổi được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành và sửa đổi một số nhóm nội dung chính như: giấy phép, quản trị điều hành; các nội dung về hoạt động của ngân hàng; quy định về bảo đảm an toàn; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể ngân hàng; quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo; quy định về chuyển tiếp, thi hành…

Góp ý, kiến nghị xem xét sửa đổi nhiều nội dung 

Trao đổi tại Tọa đàm, đại diện VPBank đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về tổ chức quản trị, điều hành của TCTD. Theo đó, VPBank cho rằng, hiện nay việc tổ chức, quản trị, điều hành các TCTD phải đồng thời áp dụng cả Luật Các TCTD, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán (đối với công ty đại chúng). Điều này dẫn tới sự chồng chéo trong quy định pháp luật khi áp dụng, gây lúng túng cho các TCTD, có tình trạng một vấn đề quy định tại Luật Các TCTD “vừa thừa, vừa thiếu”, tạo ra các quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật.

Bên cạnh đó, đại diện VPBank kiến nghị NHNN bổ sung cơ chế, làm rõ trách nhiệm của thành viên Ban kiểm soát từ ngày thành viên nộp đơn từ chức cho tới ngày được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Cụ thể, trong khoảng thời gian này thì thành viên Ban kiểm soát không phải chịu trách nhiệm về các quyết định, nghị quyết của Ban kiểm soát mà thành viên đó không tham gia biểu quyết, thông qua.

Ngoài ra, kiến nghị NHNN xem xét việc mở rộng đối tượng người có liên quan phải phù hợp với thực tế, bảo đảm khả năng thực hiện; xem xét lại quy định về giao dịch giữa TCTD với người có liên quan của TCTD, quy định về trình tự thủ tục chưa hợp lý, đặc biệt là hợp đồng/giao dịch giữa TCTD với người có liên quan khi phát sinh giao dich thường xuyên như giao dịch tài khoản, thẻ, tiền gửi...; rà soát, làm rõ các qui định về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức tín dụng....

Góp ý về các nội dung xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm, đại diện Techcombank cho rằng, cần phải quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho TCTD trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Cụ thể, bổ sung quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong việc xác nhận TCTD đã thực hiện việc niêm yết thông báo thu giữ tài sản bảo đảm tại trụ sở UBND cấp xã; trách nhiệm chính quyền địa phương trong việc cử đại diện có mặt theo yêu cầu của TCTD để chứng kiến việc thu giữ tài sản bảo đảm và xác nhận biên bản thu giữ tài sản bảo đảm; trách nhiệm của cơ quan công an trong việc đảm bảo an ninh trật tư cho TCTD trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

Liên quan đến xử lý nợ xấu, đại diện Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) cho biết, Điều 188 của dự thảo Luật quy định tổ chức mua bán xử lý nợ xấu sẽ được mua khoản nợ xấu đã hạch toán trong và ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD (trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài). Quy định này sẽ làm hạn chế đối tượng được bán nợ cho VAMC. Theo đó, đối tượng được bán nợ cho VAMC chỉ bao gồm các TCTD (trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài). Do đó, đại diện VAMC đề nghị được mở rộng đối tượng bán nợ cho VAMC.

Hơn nữa, theo Quyết định 986 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025 sẽ phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu. Theo dự thảo Luật, việc loại trừ VAMC được mua nợ xấu của TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài cũng làm hạn chế quyền của VAMC, trong khi các tổ chức mua bán nợ khác vẫn có được quyền này.

“Chúng tôi muốn thêm quyền này của VAMC để tạo sự bình đẳng cho VAMC các TCTD khác”, đại diện VAMC đề nghị.

Liên quan đến vấn đề tài sản bảo đảm, đại diện BIDV cho biết, theo thực tế thị trường hiện nay có nhu cầu và cần thiết phải có đại lý quản lý tài sản bảo đảm là các TCTD. Tuy nhiên, dự thảo đã lược bỏ, vì vậy đề nghị giữ nguyên và để tạo hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu thực tế và quy định rõ về “đại lý quản lý tài sản bảo đảm” của TCTD (khái niệm, nội dung, các trường hợp được nhận làm đại lý…).

Về hoạt động kinh doanh khác của các NHTM, đại diện BIDV đề nghị Ban soạn thảo xem xét giữ nguyên nội dung cho phép NHTM được tiếp tục thực hiện hoạt động “Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư” như quy định tại Luật Các TCTD hiện hành.

Ngoài ra, đại diện BIDV cũng đưa ra kiến nghị về nội dung hoạt động được phép của TCTD; Hoạt động ngân hàng điện tử; Hoạt động góp vốn, mua cổ phần; Hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đối với các quy định liên quan đến hoạt động của nhóm công ty tài chính, đại diện Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) đề xuất, đối với các khoản cho vay tiêu dùng có giá trị nhỏ của công ty tài chính chỉ cần yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về khả năng tài chính của khách hàng, thay vì cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính.

EVNFinance cũng đề xuất Ban soạn thảo có hướng dẫn mở hơn về nguyên tắc thực hiện ủy thác, nhận ủy thác của công ty tài chính, thay vì quy định như dự thảo.

Đại diện Nhóm công tác ngân hàng nước ngoài (BWG) cho biết, theo kinh nghiệm xây dựng luật ở một số nước, các quy định mang tính nguyên tắc/khung trong một bộ luật thường được bảo vệ bằng cụm từ sau: "mọi quy định dưới luật hướng dẫn thi hành trái với tinh thần của điều khoản này sẽ mặc nhiên vô hiệu".

Đối với quy định về bao thanh toán, đại diện BWG đề nghị xem xét bổ sung hoạt động "bao thanh toán không truy đòi (bên thụ hưởng)", không phân loại vào hoạt động cấp tín dụng (tương tự cách phân loại với sản phẩm thư tín dụng (L/C) là dịch vụ thanh toán).

"Hiện tại, dự thảo Luật đang ghi nhận loại hình "bao thanh toán đối với bên mua". Về bản chất chính là bao thanh toán không truy đòi bên thụ hưởng (bên bán). Việc gọi tên theo đúng đặc tính sản phẩm sẽ giải quyết được vấn đề hòa nhập với thực tiễn quốc tế", đại diện nhóm BWG bày tỏ.

Phát biểu tại Tọa đàm, diện Ngân hàng ANZ đề nghị sửa đổi quy định không cho phép cấp tín dụng cho thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Vì quy định này, ANZ không được chấp nhận bảo lãnh đối ứng của ngân hàng mẹ trong khi đây là hoạt động thông thường trong hoạt động quốc tế.

Về quy định kiểm toán độc lập đối với hệ thống kiểm soát nội bộ, đại diện ANZ cho biết, ngân hàng muốn tuân thủ cũng không được vì không có đơn vị kiểm toán độc lập nào cung cấp dịch vụ. Do đó, đại diện ANZ đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này trong dự thảo Luật.

Sẽ xem xét tiếp thu các kiến nghị

Phát biểu tại Tọa đàm, đại diện: Vụ Pháp chế, Vụ Thanh toán, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cục Công nghệ thông tin (NHNN) cho biết, sẽ ghi nhận các ý kiến góp ý tại tọa đàm và sẽ cân nhắc, xem xét trong quá trình sửa đổi các nội dung của Dự thảo Luật. Chẳng hạn các nội dung về ngân hàng điện tử sẽ phối hợp với Ban soạn thảo Luật Giao dịch điện tử thống nhất các nội dụng sửa đổi để khi ban hành có sự thống nhất. Hay vấn đề về thư tín dụng L/C, sẽ rà soát lại và quy định cụ thể nhằm làm rõ phần nào là cấp tín dụng, phần nào là dịch vụ thanh toán để có cơ sở pháp lý hướng dẫn sau này.

ong-hai-cuc-dang-ky-qg-gia-dich-bd.jpg
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đề nghị quy định triệt để nhiều vấn đề nhằm tránh phát sinh vướng mắc khi thực thi. Ví dụ, dự thảo Luật quy định cho phép cá nhân, tổ chức không phải là TCTD nhận chuyển giao khoản nợ. "Vậy nhận xong thì các quy định riêng có về hoạt động ngân hàng như lãi suất có được áp dụng cho họ không?", ông Nguyễn Hồng Hải đặt vấn đề.

Hoặc quy định cho phép TCTD thu giữ tài sản trong 3 năm mà TCTD chưa chuyển nhượng được thì xử lý ra sao?. Nếu sau 3 năm, TCTD muốn đăng ký biến động thì có được hay không? Ông Nguyễn Hồng Hải cho rằng: nên quy định TCTD có quyền bán tài sản mà không cần đăng ký biến động chủ sở hữu.

Trong khi đó, đại diện Cục Đăng ký dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, nên quy định bên mua TSBĐ phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính vì rất khó để yêu cầu bên chủ tài sản hợp tác đóng phí, lệ phí. Về quy định cho phép TCTD nhận tài sản bảo đảm khi xử lý nợ, vị đại diện này cho biết, Luật Đất đai không hạn chế việc này trừ một số trường hợp cấm nhận chuyển nhượng như: đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng….

Về vấn đề L/C, đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề nghị, dự thảo Luật cần phân định rõ nghiệp vụ L/C khi nào là cấp tín dụng, khi nào là dịch vụ thanh toán khác để các TCTD và cơ quan liên quan có cơ sở áp dụng, tránh vướng mắc về thuế sau này.

Kết luận tại Toạ đàm, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh việc cần phải nhìn nhận vấn đề một cách trực diện hơn và xây dựng luật làm sao để phù hợp với thực tiễn, dựa trên nguyên tắc bình đẳng. Đặc biệt, khi luật được ban hành cần phải tổ chức triển khai thực hiện được, tránh trường hợp thiếu văn bản hướng dẫn khiến các TCTD lúng túng. Mặt khác, cần phải nghiên cứu kỹ các luật liên quan, đặc biệt trong vấn đề xử lý nợ xấu. Ngoài ra, từ ý kiến của các tổ chức quốc tế, cần rà soát lại thông lệ quốc tế để tìm ra giải pháp phù hợp.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, những ý kiến được các cơ quan quản lý và các TCTD đưa ra trong Toạ đàm rất có giá trị, chỉ ra khá đầy đủ những vướng mắc, khó khăn.

"Hiệp hội Ngân hàng sẽ tổng hợp lại các ý kiến báo cáo với Thống đốc NHNN và tiếp tục làm việc với tổ soạn thảo. Luật Các TCTD (sửa đổi) gắn liền với quyền lợi, lợi ích của các tổ chức hội viên trong quá trình hoạt động, vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng sẽ còn rất nhiều buổi làm việc phía trước để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc", Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Ngân hàng góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO