(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) Thụy Sỹ là tổ chức nghề nghiệp hàng đầu cho khu vực ngân hàng và dịch vụ tài chính tại Thụy Sỹ, đại diện cho hơn 300 tổ chức thành viên và khoảng 12.000 thành viên cá nhân trong các lĩnh vực tài chính, bao gồm ngân hàng, chứng khoán và kiểm toán.
|
Hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ trong môi trường kinh tế chính trị đầy thách thức
Lĩnh vực ngân hàng đóng góp một phần quan trọng vào sự thành công của trung tâm kinh tế tài chính Thụy Sỹ. Với vị thế của một nền kinh tế dẫn dầu, Thụy Sỹ tiếp tục là quốc gia tin cậy hỗ trợ quản lý tài sản cho các cá nhân, tổ chức trên toàn cầu, 85% khách hàng hài lòng với sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng như độ tin cậy đạt tới 95% (theo khảo sát của HHNH Thụy Sỹ).
Hệ thống các ngân hàng Thụy Sỹ đang hoạt động trong môi trường đầy biến động, nhiều thách thức, ảnh hưởng bởi rất nhiều nhân tố. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ đã áp dụng lãi suất âm từ hai năm về trước. Đầu năm 2018, tiền gửi ngân hàng với tổng trị giá 270 tỷ Franc Thụy Sỹ (CHF) đã phải chịu lãi suất âm, gây ra sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận toàn ngành. Để bù đắp phần nào áp lực về tỷ suất lợi nhuận, các ngân hàng Thụy Sỹ buộc phải tăng khối lượng cho vay.
Bên cạnh chi phí quản lý tăng, lãi suất duy trì ở mức âm trong khoảng thời gian dài, hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ còn chịu ảnh hưởng từ những bất ổn về chính trị, pháp luật, những căng thẳng về thương mại quốc tế và sự kiện Brexit. Hơn nữa, việc suy giảm lợi nhuận liên tục và xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính đang thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các ngân hàng trong thời gian qua. Hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ đã nỗ lực giải quyết mọi vấn đề, bước đầu đã có những thành công trong quá trình phát triển trong môi trường kinh tế trong nước và thế giới ngày càng biến động.
HHNH Thụy Sỹ nỗ lực thúc đẩy toàn diện môi trường kinh doanh
Thành lập năm 1912 với 159 tổ chức tài chính và 316 thành viên, mục tiêu của hiệp hội là bảo đảm duy trì và thúc đẩy những điều kiện tốt nhất về khung pháp lý cho trung tâm tài chính Thụy Sỹ cả trong và ngoài nước, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh nhằm phát huy tối đa năng lực các tổ chức tài chính hoạt động trong hiệp hội.
Cơ cấu thành phần của HHNH Thụy Sỹ bao gồm 8 nhóm ngân hàng, 285 tổ chức thành viên và 12.000 thành viên cá nhân, chia thành các ủy ban hoạt động, ủy ban định hướng chiến lược,…
Trong bối cảnh hoạt động của hệ thống ngân hàng Thụy Sỹ hiện nay, Chủ tịch HHNH Thụy Sỹ, ông Herbert J.Scheidt khẳng định, HHNH Thụy Sỹ sẽ nỗ lực thúc đẩy toàn diện môi trường kinh doanh, cho phép các tổ chức tài chính cơ hội đổi mới và phát triển bền vững. Nỗ lực tập trung giải quyết những vấn đề đang tồn tại của HHNH Thụy Sỹ thể hiện nổi bật trên các nội dung sau:
Tái cấu trúc định hướng số hóa ngân hàng
Các công nghệ kỹ thuật số mới, một mặt đang thay đổi quy trình kinh doanh và tạo ra những công việc mới trong lĩnh vực ngân hàng. Mặt khác, các công ty Fintech đang tham gia vào thị trường tài chính tiền tệ cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh. Điều đó khiến các ngân hàng phải tối ưu những mô hình kinh doanh, tận dụng các cơ hội để đổi mới. Đồng thời, ngân hàng và công ty Fintech cũng phải hợp tác với nhau để trao đổi kinh nghiệm và khai thác tiềm năng trong lĩnh vực này.
|
Với lợi thế về tiềm lực tài chính mạnh mẽ, HHNH Thụy Sỹ đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng và công ty Fintech tại Thụy Sỹ áp dụng những tiến bộ công nghệ và hợp nhất phát triển để trở thành trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu về blockchain và các nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác. Trong bảng xếp hạng thành phố có năng lực mạnh về Fintech của Thụy Sỹ thì Zurich và Geneva xếp vị trí thứ 2 và 3. Năm 2018, có khoảng 220 công ty Fintech hoạt động tại Thụy Sỹ. Quy mô trung bình của các công ty Fintech cũng tăng mạnh trong năm 2018 cả về mức vốn hóa và nguồn nhân lực. Xu hướng hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng là điều tất yếu. Các công ty khởi nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ, những giải pháp kinh doanh mới cho các ngân hàng để cùng phát triển và triển khai thực tiễn những kế hoạch tiềm năng. Mặt khác, ngân hàng có kiến thức cần thiết về quy định và quản lý tài sản và dữ liệu, do có kinh nghiệm trong các lĩnh vực này, họ có mức độ tin cậy cao và có chuyên môn trong việc thu hút khách hàng. Chính vì vậy, sự hợp tác hiệu quả giữa các công ty Fintech và ngân hàng sẽ giúp cả hai bên cùng có lợi từ những điểm mạnh của riêng mình.
Việc số hóa các quy trình kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng cần chú ý đến vấn đề an ninh mạng, rủi ro về tội phạm mạng đang gia tăng. Vi phạm an ninh mạng gây nên những tổn thất nghiêm trọng về tài chính cũng như ảnh hưởng xấu đến danh tiếng các ngân hàng, làm suy giảm niềm tin của người dân về các tổ chức tài chính. HHNH Thụy Sỹ đã phối hợp với ban cố vấn Hội đồng Liên bang trong nỗ lực đánh giá vấn đề, thảo luận để đưa ra các khuyến nghị khác nhau về an ninh mạng. Tháng 7/2018, Hội đồng Liên bang đã đưa ra quyết định cơ bản để thành lập một trung tâm chuyên xử lý rủi ro an ninh mạng. Hơn nữa, các chuyên gia HHNH Thụy Sỹ nhấn mạnh các lĩnh vực mà các tổ chức kinh tế, tài chính Thụy Sỹ cần phải tập trung giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp tư nhân và chính phủ trong cuộc chiến chống tội phạm mạng. Một trong những đề xuất, giải pháp cho vấn đề an ninh mạng được đưa ra, đó là nâng cao nhận thức người dùng và đào tạo chuyên môn sâu cho các chuyên gia mạng.
Cải cách quy định, điều lệ chặt chẽ hơn
Nhằm giữ vững vị thế số 1 thế giới về trung tâm kinh tế tài chính toàn cầu, HHNH Thụy Sỹ cùng các cơ quan liên quan đã có những khuyến nghị cho các ngân hàng mở rộng hơn thị trường ra ngoài thế giới. Muốn thực hiện được điều đó, các cơ quan chức năng đã phối hợp với nhau để chuẩn hóa những văn bản luật định phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể vận hành nền thị trường tài chính hiệu quả hơn.
Thứ nhất, Luật Dịch vụ Tài chính (FinSA), Luật Tổ chức Tài chính (FinIA) được thông qua vào tháng 6/2018. Với hai luật này, các nhà đầu tư trong và ngoài Thụy Sỹ sẽ được đảm bảo đầy đủ quyền lợi cũng như trách nhiệm phải thi hành. Theo FinSA, toàn bộ mối quan hệ giữa các nhà cung cấp dịch vụ tài chính với khách hàng tại nơi giao dịch được điều chỉnh theo một luật duy nhất. Thông qua các yêu cầu về hồ sơ, trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, những yêu cầu về ủy thác và thẩm định chặt chẽ,... mọi giao dịch của khách hàng sẽ được đảm bảo an toàn và thông tin được bảo mật tuyệt đối. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khách hàng cùng với các bên liên quan có thể yêu cầu cung cấp thông tin và các thành viên cũng sẽ tăng cường điều tra và giải quyết vấn đề. Tất cả tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính sẽ liên kết với ít nhất 1 văn phòng thanh tra để đảm bảo hoạt động giải quyết xử lý vấn đề phát sinh diễn ra nhanh chóng. Hơn nữa, FinIA sẽ sửa đổi bổ sung để hoàn thiện mọi lỗ hổng luật pháp trong quá trình kiểm tra, giám sát các nhà quản lý tài sản độc lập (IMAs). Với FinSA và FinIA, Thụy Sỹ đã và đang triển khai những quyết định cần thiết tương tự như Ủy ban EU.
|
Thứ hai, hoàn thiện và triển khai Hiệp định Basel III. Vào tháng 12/2017, Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel (BCBS) đã hoàn thiện Hiệp định Basel III (Basel III): Hoàn thiện các cải cách sau khủng hoảng. Yếu tố chính bao gồm trong Basel III là những chuẩn mực mới để đáp ứng yêu cầu về vốn. Thêm vào đó sẽ đưa vào triển khai mô hình thẩm định rủi ro tài sản chung thay thế cho những mô hình nội bộ của các ngân hàng.
Những đổi mới, khắc phục các vấn đề cũ của Basel II đã được hoàn thiện trong Basel III bao gồm những thay đổi quan trọng đối với các phương pháp được sử dụng để tính toán yêu cầu vốn tối thiểu đối với rủi ro tín dụng và hoạt động. Một trong những thay đổi tiêu chuẩn cơ bản của Hiệp định Basel III là giảm đòn bẩy thừa từ ngành ngân hàng. Theo Basel III, vốn cấp 1 phải có ít nhất 3% tổng tài sản không có rủi ro. Bên cạnh đó, các quy tắc mới sẽ được đưa ra để giải quyết vấn đề về rủi ro tập trung, loại rủi ro mà ngân hàng tập trung vốn cho vay quá nhiều đối với một số khách hàng, cho vay quá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành, lĩnh vực kinh tế; hoặc trong cùng một vùng địa lý nhất định; hoặc cùng một loại hình cho vay có rủi ro cao. Do đó, các ngân hàng sẽ được phép sử dụng các mô hình để xác định mức độ rủi ro riêng dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ.
Thứ ba, HHNH Thụy Sỹ đã thực hiện đánh giá những chỉ số khác nhau, kết quả cho thấy Thụy Sỹ vẫn nằm trong top các nước có năng lực cạnh tranh cao, nhưng chi phí phát sinh từ nhiều những quy định, thể chế đã phần nào gia tăng áp lực lên các ngân hàng. Các công ty Fintech đang cung cấp những giải pháp tiềm năng cho việc tiết kiệm chi phí, cụ thể là giải pháp regtech (viết tắt từ regulatory technology) giúp cho các công ty Fintech đáp ứng được các quy định về tuân thủ tài chính. Một trong những ưu tiên hàng đầu của regtech là tự động hóa và số hóa các quy định về “Phòng chống rửa tiền” (Anti-Money Laundering) để giảm thu nhập bất hợp pháp. Bên cạnh đó là quy định về thủ tục “Nhận biết khách hàng” (Know Your Customer), nhằm xác định và xác minh thông tin khách hàng của các tổ chức tài chính để chống lừa đảo, các ngân hàng phải áp dụng các quy trình sinh trắc học để nhận diện khách hàng; sử dụng các rô - bốt ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tư vấn trực tiếp cho khách hàng, liên tục cập nhật thông tin tới ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác để kiểm soát và phát hiện nhanh chóng hành vi tội phạm.
Ngoài ra, với những góp ý của HHNH Thụy Sỹ về tăng cường khả năng cạnh tranh trong diễn đàn chính sách thị trường tài chính vào tháng 5/2018, Hội đồng Liên bang đã xem xét, đánh giá và đưa ra phương hướng nhằm cải thiện các khung pháp lý cho thị trường lao động, môi trường thể chế và giáo dục, tập trung vào các biện pháp đặc thù của thị trường tài chính như bãi bỏ thuế tem, cải cách thuế khấu trừ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường EU.
|
Một số lĩnh vực trọng tâm trong hoạt động của HHNH Thụy Sỹ trong thời gian tới
(i) Mở rộng phạm vi tầm ảnh hưởng, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục định hướng hoạt động tập trung vào những thị trường mục tiêu mới khu vực EU thông qua những đàm phán, hiệp định song phương; xem xét và cắt giảm thuế tem (Cơ quan tài chính thu thuế bằng cách bán tem thuế in sẵn, có giá trị như tiền cho các cơ sở sản xuất và yêu cầu họ phải dán tem vào từng sản phẩm hàng hoá đưa ra tiêu thụ), cải cách hoạt động thu thuế hiệu quả hơn để tăng cường tính hấp dẫn của thị trường vốn;
(ii) Tăng cường khả năng cạnh tranh của các thành viên hiệp hội thông qua việc đảm bảo nghiêm túc những quy định, nguyên tắc hoạt động mới, áp dụng chuẩn Basel III trong toàn bộ hệ thống ngân hàng và thúc đẩy hoạt động cho vay thế chấp, cần phân bổ nguồn vốn tín dụng một cách hiệu quả cũng như cắt giảm những quy định, điều kiện chồng chéo;
(iii) Định hình hoạt động hệ thống các ngân hàng đảm bảo hai yếu tố bền vững (sản phẩm tài chính mới: trái phiếu xanh,…) và số hóa hệ thống vận hành (ứng dụng nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, blockchain,..).
Tài liệu tham khảo:
- Swiss Bankers Association, Banking Barometer 2018
- https://www.swissbanking.org/en /bankers-association/about-us