(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) vừa có Công văn số 186/HHNH-PLNV góp ý dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Để góp phần xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử sát với thực tế và phù hợp với hoạt động của các TCTD, tại công văn trên, HHNH đã có nhiều kiến nghị vào những nội dung cụ thể.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Cần bổ sung thêm nhiều nội dụng về danh tính số
Với quy định về Thành phần của danh tính số (Điều 3), HHNH đề nghị làm rõ: "Cơ quan, tổ chức cấp mã định danh? Các tổ chức nào có quyền sử dụng mã định danh này trong hệ thống của mình?". Bên cạnh đó, HHNH cũng đề nghị xem xét không đưa số điện thoại di động và thư điện tử vào khoản 2, Điều 3 quy định về "Dữ liệu số" vì các yếu tố này dễ thay đổi.
Đối với quy định về Giá trị sử dụng của danh tính số (Điều 5). Tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị định quy định: “Danh tính số có mức độ bảo đảm từ mức 3 trở lên có giá trị sử dụng trong các giao dịch yêu cầu căn cước công dân”. Tuy nhiên, theo HHNH, hiện nay pháp luật chưa có quy định về giao dịch yêu cầu căn cước công dân, các giao dịch hiện nay vẫn sử dụng cả hộ chiếu và chứng minh nhân dân. Ngoài ra, không phải tất cả các cá nhân đều có căn cước công dân. "Đề nghị xem xét bổ sung vào dự thảo: hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật”, HHNH kiến nghị.
Tại Điều 6 (Yêu cầu mức độ bảo đảm danh tính số trong giao dịch…), HHNH đề xuất lược bỏ quy định: Giao dịch điện tử và hoạt động trên môi trường mạng yêu cầu mức độ bảo đảm danh tính số từ mức độ 3 trở lên bao gồm: “Dịch vụ công của cơ quan nhà nước cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và xã hội”. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, cá nhân thực hiện giao dịch thanh toán dịch vụ công không cần thiết phải đảm bảo danh tính số ở mức độ 3. Ví dụ: Khách hàng thực hiện giao dịch nộp thuế trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại trang dichvucong.gov.vn chỉ cần điền mã hồ sơ là dãy ký tự định danh khoản thuế mà khách hàng phải nộp do Tổng cục Thuế quy định.
HHNH cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa cụm từ “thông tin cá nhân” - tại khoản 1, Điều 13 - thành “dữ liệu cá nhân” để thống nhất với dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân mà Bộ Công an đang lấy ý kiến.
Đối với quy định về tạm dừng, thu hồi danh tính số (Điều 16). HHNH đề nghị, xem xét bỏ quy định thu hồi danh tính số (tại điểm b, khoản 2, Điều 16) đối với trường hợp tổ chức do chủ thể danh tính số là đại diện theo pháp luật giải thể hoặc phá sản.
Cũng tại Điều 16, HHNH đề nghị bổ sung quy định: "Lưu trữ các thông tin liên quan đến danh tính số và các giao dịch tối thiểu 5 năm là áp dụng với danh tính của tất cả các mức độ"; thay vì quy định “Lưu trữ các thông tin liên quan đến danh tính số và các giao dịch tối thiểu 05 năm kể từ ngày thu hồi danh tính số” như tại khoản 3, Điều 16 dự thảo.
Để "Định danh điện tử" cho phù hợp với thực tiễn
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại dự thảo Nghị định là các quy định về "định danh điện tử", cũng được HHNH góp ý rất chi tiết về các quy định liên quan tại Điều 7, Điều 11, Điều 19....
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 7 về tiếp nhận, xác minh dữ liệu số, có quy định 4 mức gồm: a) Mức 1: Tiếp nhận dữ liệu số do cá nhân đăng ký cung cấp; b) Mức 2: Như mức 1 đồng thời kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp tính phù hợp của thông tin cá nhân do cá nhân đăng ký cung cấp dựa trên bản sao các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp; c) Mức 3: Như mức 2 đồng thời đối chiếu dữ liệu số thông qua kiểm tra trực tiếp thẻ căn cước công dân hoặc kết nối điện tử với thẻ căn cước công dân hoặc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; d) Mức 4: Như mức 3 đồng thời xác nhận dữ liệu số phản ánh đúng cá nhân đăng ký thông qua việc cá nhận đó xuất hiện trực tiếp hoặc trực tuyến theo thời gian thực.
Với các quy định như trên, HHNH đề nghị làm rõ: "Việc kiểm tra trực tiếp giấy tờ định danh sẽ thực hiện theo cách thức nào để phân biệt với Mức 4 là cá nhân phải đến trực tiếp; Cách thức/tiêu chuẩn thực hiện Kiểm tra trực tuyến và Kiểm tra trực tiếp. Đối với các dịch vụ điện tử do ngân hàng cung cấp, quy định này không thực sự phù hợp".
Hay tại khoản 1, Điều 11 về Cung cấp và sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử, HHNH cho rằng, việc quy định cá nhân, tổ chức phải thực hiện duy nhất bằng việc ký hợp đồng với 1 tổ chức cung cấp dịch vụ định danh đối với tất cả các giao dịch điện tử sẽ tạo thủ tục hành chính, phức tạp và tăng chi phí xã hội. Do đó, HHNH đề nghị sửa theo hướng do các bên thỏa thuận.
Về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử (Điều 19), HHNH cho rằng, tại điểm đ Khoản 1 Điều 19 dự thảo Nghị định quy định: “Giấy xác nhận ký quỹ của một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam. Giấy xác nhận này bao gồm, nhưng không giới hạn, điều khoản cam kết thanh toán vô điều kiện và không hủy ngang cho Bên nhận ký quỹ...” là không phù hợp và trái với quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, HHNH đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi nội dung trên phù hợp với Nghị định 21/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, với quy định về nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử (Điều 24), HHNH đề xuất xem xét bổ sung quy định về Nền tảng trao đổi định danh và xác thức điện tử hoạt động liên tục 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần để Tổ chức cung cấp dịch vụ có thể bảo đảm kênh tiếp nhận thông tin và việc sử dụng dịch vụ của chủ thể danh tính số là liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần như quy định tại Điều 26 Dự thảo Nghị định vì các bên tham gia đều phải kết nối qua Nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử.
Đồng thời, xem xét mở rộng phạm vi áp dụng cho các yêu cầu mức độ bảo đảm danh tính số dưới mức 3. Các giao dịch điện tử và hoạt động trên môi trường mạng không thuộc Khoản 1, Điều 6 dự thảo Nghị định có thể tự thỏa thuận, lựa chọn mức độ bảo đảm danh tính số, theo đó các bên có thể tự thỏa thuận, lựa chọn mức 1 hoặc 2. Tuy nhiên quy định tại Khoản 2 này sẽ gây ra hạn chế đối với các bên lựa chọn mức 1 hoặc 2 được kết nối, sử dụng danh tính số với Tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử.
Làm rõ trách nhiệm của Tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử
Theo đó, HHNH đề nghị bổ sung, làm rõ trách nhiệm của đơn vị trong trường hợp thu hồi/tạm dừng định danh số của chủ thể định danh số; Trách nhiệm của giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử với bên sử dụng danh tính số, đặc biệt trong trường hợp có lỗi trong quá trình định danh và xác thực dẫn đến tổn thất cho chủ thể danh tính số/bên sử dụng danh tính số.
Tại điểm e Khoản 3 Điều 26 quy định trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử là “Nộp phí, lệ phí (nếu có) theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên cả nội dung tại dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định không có quy định người sử dụng sẽ nộp phí, lệ phí (nếu có) như thế nào khi sử dụng các dịch vụ do các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh, xác thực điện tử thực hiện, do đó, HHNH đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, bổ sung quy định về nội dung này.
HHNH cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử phải đền bù do lỗi của Tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và phải dùng đến số tiền ký quỹ của ngân hàng để các ngân hàng thống nhất thực hiện, xử lý.
Đối với trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (Điều 29), HHNH đề nghị làm rõ các quy định về việc “tạm đình chỉ” giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử tại khoản 3.
Để thúc đẩy giao dịch điện tử, HHNH cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định tại dự thảo Nghị định về việc các tổ chức lưu trữ tập trung các khách hàng đã được định danh ở mức 4 đã kết nối thông qua cổng cơ sở dữ liệu quốc gia thì không phải định danh lại.
Do đây là dự thảo lần đầu ban hành quy định về việc định danh điện tử trên môi trường mạng, vì vậy, để thống nhất cách hiểu và áp dụng trên thực tiễn, HHNH cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung Điều 2 các khái niệm giải thích về các thuật ngữ “giao dịch trên môi trường mạng”, “giao dịch điện tử và hoạt động trên môi trường mạng”, “dữ liệu số”, “dịch vụ định danh và xác thực điện tử”, “cơ quan, tổ chức tự thực hiện định danh và xác thực điện tử” và các thuật ngữ khác “Mức độ bảo đảm danh tính số”, “Trực tuyến theo thời gian thực” (điểm d, khoản 1 Điều 7), “Thiết bị số” (tại khoản 3 Điều 9), “Giao dịch trọn vòng đời” (Khoản 1 Điều 13)…