Tin Hiệp hội Ngân hàng

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII

Nhóm Phóng viên 27/03/2025 17:15

Ngày 27/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII. Hội nghị vinh dự có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Nội vụ, có: ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng; bà Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ.

Về phía Ngân hàng Nhà nước có: Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc; bà Nguyễn Khánh Chi, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các vụ/cục/đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

ptd-3.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Về phía Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - ngân hàng đăng cai tổ chức Hội nghị, có: ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc; cùng các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: ông Phạm Toàn Vượng, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội; ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; cùng các thành viên Hội đồng Hiệp hội.

Tham dự Hội nghị còn có các ông/bà là đại diện lãnh đạo Bộ Công an; các ông/bà là Ủy viên Hội đồng Hiệp hội, Ủy viên Ban Kiểm tra; đại diện lãnh đạo các tổ chức hội viên; đại diện lãnh đạo các ban/đơn vị của Cơ quan Thường trực, các Ủy ban, Câu lạc bộ trực thuộc của Hiệp hội Ngân hàng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đạt được trong năm 2024 và định hướng, kế hoạch hoạt động năm 2025 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Những kết quả này đã cho thấy sự quyết liệt của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên, phản ánh rõ vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng hệ thống ngân hàng của Hiệp hội.

Đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành Ngân hàng trên tất cả các mặt công tác

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Toàn Vượng cho biết, thực hiện quy định tại Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết của Hội đồng Hiệp hội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị Thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII để đánh giá toàn diện kết quả đạt được trong năm 2024; nhìn nhận, đánh giá thuận lợi, thách thức, định hướng trọng tâm trong hoạt động năm 2025.

Theo Chủ tịch Phạm Toàn Vượng, năm 2024 đã qua với nhiều thời cơ và thách thức đối với hoạt động ngân hàng nói chung và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói riêng. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của ngành và Hiệp hội, Hiệp hội đã tích cực tổ chức triển khai các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác đề ra, thực hiện một cách toàn diện và đóng góp tích cực vào thành công chung của ngành trên tất cả 12 nhiệm vụ trọng tâm đã được Hiệp hội Ngân hàng thông qua tại Nghị quyết số 260 ngày 22/5/2024 Hội nghị thường niên lần thứ IV nhiệm kỳ VII.

chu-tich.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Phạm Toàn Vượng phát biểu

Chủ tịch Phạm Toàn Vượng khẳng định: "Đạt được những kết quả trên là nhờ sự đóng góp tích cực và trách nhiệm của các tổ chức hội viên, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng Hiệp hội, tinh thần trách nhiệm cao của Cơ quan Thường trực và các đơn vị trực thuộc. Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng thường xuyên nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, của Bộ Nội vụ cũng như sự phối hợp của các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Các hoạt động của Hiệp hội thời gian qua đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của Hiệp hội Ngân hàng, qua đó nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ của các cấp, các ngành và các tổ chức hội viên".

Điểm lại những điểm nhấn về kết quả hoạt động năm 2024, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng đã tham gia có trách nhiệm, hiệu quả trong việc góp ý dự thảo, phản biện các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư nhất là những lĩnh vực liên quan đến hoạt động Ngân hàng, các văn bản góp ý đều tập hợp từ những ý kiến có trách nhiệm, tâm huyết, chất lượng từ các tổ chức hội viên, vì thế phần lớn ý kiến đều được ghi nhận, tiếp thu.

af2i9776.jpg
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng phát biểu

Cụ thể, Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ban, bộ góp ý kiến đối với 90 dự thảo/dự án các văn bản pháp luật, bao gồm 9 dự thảo/hồ sơ dự án Luật, 70 các văn bản hướng dẫn Luật các TCTD 2024, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023; Nghị định, Thông tư, và các văn bản khác…

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên. Trong năm 2024, HHNH đã gửi hơn 30 văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền như: Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Tài chính…) về những vướng mắc, bất cập nổi cộm của các tổ chức hội viên trong quá trình hoạt động.

Hiệp hội Ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp với các thành viên và các đơn vị chức năng của NHNN nghiên cứu xây dựng các quy ước trong hoạt động ngân hàng như: Bộ Quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam; Nền tảng chuyển mạch ký số V-HUB của Hiệp hội Ngân hàng; Sổ tay hạ tầng kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR; Quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý Tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận, giả mạo, lừa đảo.

Cùng với đó, Ủy ban chuyên môn (Ủy ban Chính sách và Ủy ban Công nghệ) duy trì hoạt động hiệu quả cùng các tổ chức trực thuộc (Câu lạc bộ Pháp chế; Chi hội thẻ, Câu lạc bộ AMC; Câu lạc bộ Fintech; và Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng) trong việc phối hợp đề xuất cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng và hỗ trợ giải quyết một số vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên sâu.

Trong năm qua, công tác truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng đã góp phần đắc lực vào việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như của Ngành, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ, các hoạt động của các Tổ chức hội viên cũng như của Cơ quan Thường trực. Hoạt động của Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và website của Hiệp hội từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng được nhiều bạn đọc quan tâm, tương tác tăng đáng kể.

Về công tác đào tạo, năm qua, Hiệp hội đã tổ chức 48 chương trình với khoảng 10.000 học viên tham gia. Các khóa đào tạo được tập trung vào các lĩnh vực như: Kiến thức pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản trị rủi ro và tuân thủ, chuyển đổi số, tài chính xanh...

af2i9700(1).jpg
Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB.

Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII Hiệp hội Ngân hàng, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khẳng định sự phát triển của toàn ngành không chỉ là những thành quả đạt được từ sự nỗ lực của một hội viên riêng lẻ mà là sự phối hợp chặt chẽ, hợp tác, đồng lòng của tất cả hội viên, đồng thời cam kết MB sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác, tích cực đóng góp ý kiến để cùng chung tay tháo gỡ các vướng mắc, xây dựng môi trường thuận lợi vì sự phát triển bền vững của toàn ngành Ngân hàng.

Từ những kết quả đạt được cùng những kế hoạch trong năm 2025, Tổng Giám đốc MB tin tưởng Hiệp hội Ngân hàng sẽ ngày càng phát triển, khẳng định vị thế, phát huy tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên và cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục dẫn dắt các tổ chức hội viên đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2025

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của Ngành và Nghị quyết của Hiệp hội Ngân hàng, tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong năm 2024, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, Hiệp hội Ngân hàng nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2025.

ae9i0481.jpg
Đoàn Chủ tịch Hội nghị

Theo đó, Hiệp hội sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như: tiếp tục tham gia góp ý cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, thông qua đó kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh ngân hàng; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hội viên trong quá trình hoạt động để kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ủy ban và các câu lạc bộ trực thuộc đồng thời thành lập Ủy ban Rủi ro thuộc Hội đồng Hiệp hội; tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hội viên.

Trong năm 2025, Hiệp hội xây dựng và trình Hội đồng Hiệp hội ban hành Sổ tay hướng dẫn tái cấu trúc nợ ngoài tòa; Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động thu hồi nợ; Quy trình/Sổ tay phối hợp hỗ trợ xử lý Tài khoản/Thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo; Sổ tay hạ tầng kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR. Tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các TCHV;

Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng để truyền thông kịp thời, chính xác, đầy đủ các hoạt động của ngành Ngân hàng, Hiệp hội và các tổ chức hội viên; phản ánh nhanh, kịp thời các hoạt động của Cơ quan Thường trực Hiệp hội, thực hiện công tác truyền thông về các sự kiện, hội thảo/tọa đàm do Hiệp hội tổ chức/phối hợp tổ chức...; tiếp tục triển khai Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng.

Đồng thời, nghiên cứu, rà soát nội dung Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng để chỉnh sửa cho phù hợp với Nghị định 126/2024/NĐ-CP ngày 8/10/2024 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; lập kế hoạch và triển khai, tổ chức thành công Hội nghị Thường niên năm 2025 và Đại hội Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2025-2030)....

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã lắng nghe các báo cáo: quyết toán thu chi tài chính năm 2024 và Kế hoạch tài chính năm 2025; kết quả thẩm định số liệu quyết toán tài chính năm 2024 và kế hoạch tài chính năm 2025 của Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng.

Quyết liệt trong bảo vệ quyền, lợi ích hội viên và tạo niềm tin cho cơ quan quản lý

Đánh giá cao nội dung các báo cáo, các hội viên đều ghi nhận Hiệp hội Ngân hàng đã có những thành công vượt bậc, nhiều nét đổi mới, sáng tạo, thể hiện sự toàn diện trong các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của các tổ chức hội viên và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng.

bidv.jpg
Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc BIDV phát biểu

Bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành chặt chẽ từ Hiệp hội Ngân hàng trong thời gian tới, đại diện một số tổ chức hội viên cũng đã đưa ra một số đề xuất nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội viên.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đề xuất một số nội dung trọng tâm trong năm 2025: Tăng cường chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển bền vững và tài chính xanh; Tập trung phối hợp góp ý đối với Thông tư 41/2016/TT-NHNN (sửa đổi) liên quan đến nâng cấp tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo Basel III; Đẩy mạnh trao đổi các nội dung liên quan đến bảo mật thanh toán, tăng cường an toàn giao dịch trên kênh số, bảo vệ người tiêu dùng trước những hình thức lừa đảo trực tuyến; Tiếp tục tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu và góp ý cho Dự thảo Luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu; Tổ chức các tọa đàm về thực thi quản trị dữ liệu theo Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bà Ninh Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đề xuất một số nội dung hỗ trợ các ngân hàng hội viên thời gian tới, như: Tăng cường hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, tăng cường vai trò phản biện chính sách, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.

Đối với các hỗ trợ chuyển đổi số, bà Lan Phương bày tỏ mong muốn, ngoài các quy trình ký số, thanh toán xuyên biên giới, nên có thêm hướng dẫn về ứng dụng AI, Big Data, Blockchain trong ngân hàng cho các tổ chức hội viên. Đồng thời, tổ chức thêm hội thảo chuyên sâu về công nghệ tài chính (Fintech) và quản lý rủi ro số hóa. Còn với vấn đề xử lý nợ xấu, nên có sự phối hợp với các cơ quan tư pháp tìm ra các giải pháp thực tiễn giúp ngân hàng thu hồi nợ hiệu quả.

shb-2.jpg
Bà Ninh Thị Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc SHB phát biểu

Đối với hoạt động phản biện chính sách, bà Lan Phương đề xuất tăng cường vai trò phản biện đối với việc sửa đổi các quy định pháp lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, đặc biệt là về thuế, giao dịch tài chính quốc tế và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Về công tác đào tạo, đại diện SHB kiến nghị tăng cường các khóa học về quản trị rủi ro ESG, tài chính xanh, chống rửa tiền theo tiêu chuẩn quốc tế....

ae9i0452.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc củng cố nền tảng vĩ mô, chuẩn bị cho chiến lược phát triển giai đoạn mới, ngành Ngân hàng tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc đã gợi mở một số nhiệm vụ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức thành viên có thể thực hiện trong năm 2025.

Cụ thể, tiếp tục làm tốt vai trò tham gia xây dựng chính sách. Thời gian tới, có rất nhiều chính sách đang hoàn thiện có tác động đến hoạt động của ngành Ngân hàng như: Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân, một số Nghị định về hướng dẫn Luật Giao dịch Điện tử, Nghị quyết về sàn giao dịch tiền ảo, Trung tâm tài chính...

Theo Phó Thống đốc, đây đều là những vấn đề mới và khó, cần sự đóng góp tích cực của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc đồng hành cùng cơ quan quản lý và các tổ chức hội viên. Thông qua việc tổ chức tập huấn, hội thảo, để hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức hội viên tiếp cận với những biến chuyển và thích ứng tốt cũng như có biện pháp xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy mảng đào tạo, đặc biệt, về ứng dụng AI trong ngành Ngân hàng. Theo Phó Thống đốc, các ngân hàng cần hết thức cẩn trọng, ứng xử một cách có trách nhiệm, nghiên cứu thấu đáo và đầy đủ, bởi AI cũng là sản phẩm do con người tạo ra.

Phó Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức hội viên Hiệp hội thích ứng nhanh với sự thay đổi, đặc biệt là các thay đổi về pháp lý. Cùng với đó, quản lý được các hoạt động an toàn, an ninh bảo mật và bảo đảm hoạt động liên tục; triển khai mạnh mẽ việc trao đổi với các cơ quan khác như Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao…

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hiệp hội Ngân hàng trong thời gian tới để cùng tìm kiếm các giải pháp nhằm đưa hoạt động ngân hàng ngày càng tốt lên, hiệu quả hơn nữa.

Đại diện Bộ Nội vụ tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng nhắn gửi 2 vấn đề Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, rà soát, xây dựng, tổ chức Hiệp hội ngân hàng theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời quản lý tốt các tổ chức có tư cách pháp nhân của Hiệp hội.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ VIII (2025 – 2030) theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ, trong đó cần lựa chọn những nhân sự có uy tín, tâm huyết, có trách nhiệm với Hiệp hội để bầu vào Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, các chức danh chủ chốt để tiếp tục dẫn dắt Hiệp hộp ngày càng phát triển và thực hiện tốt các chương trình, nhiệm vụ của Hiệp hội. Đồng thời nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Điều lệ theo quy định tại Nghị định số 126/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Tiếp thu các chỉ đạo của Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Toàn Vượng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng trân trọng tiếp thu những ý kiến chỉ đạo cũng như những gợi mở thời gian tới của Phó Thống đốc và Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Hiệp hội Ngân hàng sẽ lĩnh hội đầy đủ các chỉ đạo, gợi mở, thường xuyên làm việc với cơ quan quản lý và các tổ chức hội viên để làm tốt hơn nữa vai trò là cầu nối của các tổ chức hội viên trong thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như thực hiện chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng.

Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của ngành và Nghị quyết của Hiệp hội Ngân hàng; tập trung tối đa vào các hoạt động nhằm khắc phục khó khăn, chủ động triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức thành công đại hội Hiệp hội Ngân hàng nhiệm kỳ VIII (2025-2030).

“Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 và cả nhiệm kỳ, khối lượng công việc cần triển khai trong thời gian tới là rất lớn. Ngay sau Hội nghị này, căn cứ nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu tại báo cáo, đặc biệt, tiếp thu chỉ đạo của Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cùng ý kiến tham gia của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng nhanh chóng rút ra những bài học kinh nghiệm thực tế trong thời gian qua, khẩn trương quán triệt xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể đến từng tổ chức hội viên cũng như Cơ quan Thường trực Hiệp hội. Với sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ ở mức cao nhất, hoàn thành xuất sắc, toàn diện các mục tiêu đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng, cũng như thúc đẩy nền kinh tế - xã hội đất nước”, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Phạm Toàn Vượng cam kết.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết Hội nghị Thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thường niên lần thứ V, nhiệm kỳ VII
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO