Hiệu quả chính sách tiền tệ giai đoạn 2008 -2018 và những bài học kinh nghiệm

Nguyễn Đức Lệnh| 04/02/2019 07:20
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày nhận bài: 7/1/2019 - Ngày biên tập: 15/1/2019 - Ngày duyệt đăng: 15/1/2019

Tóm tắt: 10 năm, giai đoạn 2008-2018 nền kinh tế đất nước đạt được những kết quả quan trọng và đặc biệt ấn tượng, nhất là khi nhìn lại những diễn biến và những khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu vào năm 2008. Những khó khăn kinh tế vĩ mô, khó khăn từ các thị trường và đặc biệt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp – không chỉ đòi hỏi chú trọng về quản lý, quản trị nền kinh tế, về ban hành và điều chỉnh các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mà còn là thước đo, là định lượng đánh giá hiệu quả của CSTT trong giai đoạn vừa qua.

Từ khóa: chính sách tiền tệ, khó khăn, kinh tế

Efficiency of monetary policy in 2008 – 2018 period and experience lessons

Abstract: In 2008 – 2018 period, our economy has gained important and impressive results, especially when looking back the progress and difficulties as impact from 2008 global financial – economic crisis. Macro economic difficulties, snag from different markets and especially production activities required the proactive initiatives in the management and control of the economy, the issuance and adjustment of policies, especially monetary policy from the State Bank, however these difficulties also were the measurement, an quantitative evaluation of the efficiency of monetary policy in the past period.

Key words: monetary policy, difficulty, economy

Hiệu quả chính sách tiền tệ 10 năm – giai đoạn 2008-2018

10 năm qua, đặt trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô và khó khăn từ các thị trường, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trách nhiệm và vai trò của chính sách tiền tệ là rất lớn, mang tính quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra qua từng năm. Trong đó, mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng (những năm trước đây) và hỗ trợ tăng trưởng (những năm sau này) là những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Điều này phản ánh trên 3 phương diện chính sau:

Ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một trong kết quả quan trọng và ấn tượng nhất. Đồng thời cũng  là mục tiêu hàng đầu của CSTT trong suốt 10 năm qua, cụ thể:

Thứ nhất, chống lạm phát và giữ ổn định tiền đồng. Với các chính sách lãi suất, tỷ giá phù hợp, linh hoạt kết hợp các công cụ khác có liên quan, CSTT trong 10 năm qua, đặc biệt  5 năm trở lại đây đã phát huy và có tác động tích cực đến thị trường tiền tệ, đến việc kìm giữ lạm phát và ổn định tiền đồng. Đặc biệt việc áp dụng chính sách lãi suất nửa thị trường(1) đã phát huy tác dụng và phản ánh sự hiệu quả trong thực hiện mục tiêu: “ổn định kinh tế  vĩ  mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”. Đây là hiệu quả nổi bật và phản ánh “nghệ thuật” sử dụng và điều hành chính sách trước yêu cầu phải thực hiện nhiệm vụ kép thời gian qua.

Thứ hai, chính sách tỷ giá và quản lý thị trường vàng hiệu quả. Sự biến động của giá vàng do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến vàng trở thành kênh trú ẩn và đầu tư, đầu cơ trong suốt những năm đầu của giai đoạn 2008-2018, ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và giá trị tiền đồng. Trong giai đoạn 2008-2012 mỗi khi vàng biến động, đều dẫn đến sự biến động của tỷ giá và cặp vàng – ngoại tệ tác động ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối, đến ổn định kinh tế vĩ mô thông qua mối liên hệ tỷ giá – lãi suất - lạm phát. Tuy nhiên, khi chính sách về quản lý thị trường vàng (bằng Nghị định  24 của Chính phủ) và cơ chế điều hành tỷ giá theo tỷ giá trung tâm, thị trường ngoại hối đã diễn biến tích cực theo định hướng điều hành. Kết quả quan trọng này, phản ánh bằng sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ và chống đô la hóa, vàng hóa có hiệu quả. Yếu tố tâm lý, đầu cơ (là các yếu tố thường xuất hiện trong nền kinh tế thị trường) đã giảm thiểu và hạn chế rất nhiều. Đồng thời dự trữ ngoại hối tăng, các hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, tạo khả năng điều hành, điều tiết cũng như dư địa chính sách cho Chính phủ, cho NHTW rất lớn. Đây cũng là điểm nhấn về hiệu quả chính sách trong giai đoạn này.

Thứ ba, thị trường tiền tệ ổn định. Đây là yếu tố quan trọng vừa hỗ trợ, vừa là kết quả của việc ổn định kinh tế vĩ mô. Sự ổn định của thị trường tiền tệ góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, các yếu tố thị trường: lãi suất, tỷ giá và giá vàng diễn biến tích cực trong thời gian qua và luôn trong định hướng điều hành của NHNN, của Chính phủ. Sự ổn định này, đồng thời cũng là yếu tố thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa là nền tảng để ổn định kinh tế vĩ mô.

Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kinh tế đất nước tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn 10 năm qua trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn thách thức từ yếu tố khách quan, từ thị trường thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Song kết quả và những thành tựu đạt được giai đoạn này đã khẳng định hiệu quả của các chính sách kinh tế, sự điều hành nền kinh tế của Chính phủ và đặc biệt là hiệu quả CSTT của NHNN góp phần quan trọng trong việc duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển sản xuất.

1. Thực hiện chính sách lãi suất hợp lý: Thông qua việc hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất, áp dụng trần lãi suất… tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng, mở rộng và phát triển. Kết quả này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng giai đoạn vừa qua.

2. Thực hiện chính sách tín dụng phù hợp: Nhằm định hướng và tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển và lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn; tín dụng ngành và các chương trình tín dụng chính sách; tín dụng nhà ở xã hội. Đánh giá các chương trình này, đến nay đều phát huy hiệu quả và phản ánh chủ trương trúng, đúng và phù hợp của chính sách. Trong đó, việc áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với 5 nhóm ngành: xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ việc giảm chi phí lãi suất nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khăn khi khủng hoảng xảy ra và lạm phát cao.

Bên cạnh đó, việc áp dụng lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% không chỉ nhằm từng bước thực hiện mục tiêu chống đô la hóa và góp phần thực hiện hiệu quả CSTT mà còn hỗ trợ cho lĩnh vực xuất nhập khẩu tăng trưởng và phát triển nhờ các chính sách ngoại hối (tín dụng ngoại tệ; lãi suất, tỷ giá, mua bán ngoại tệ….) hợp lý để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.

3. Thực hiện các chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thông qua 3 hoạt động chính sau:

Thứ nhất, cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng là yếu tố để “truyền dẫn”, đảm bảo CSTT được thực hiện hiệu quả trên thực tế.

Thứ hai, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất các dịch vụ ngân hàng, vốn cho tăng trưởng qua các chương trình hành động 1355 về cải cách và đổi mới mô hình giao dịch, lấy khách hàng làm trung tâm trong phát triển và cung ứng dịch vụ ngân hàng.

Thứ ba, yêu cầu các TCTD phát triển dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí quản lý, chi phí hoạt động trên cơ sở đó giảm chi phí đầu vào – là cơ sở để giảm lãi suất cho vay bền vững.

Ổn định và thúc đẩy hoạt động ngân hàng phát triển. Giai đoạn vừa qua, do tác động của khủng hoảng, các thị trường và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn đã tác động trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, nhất là tín dụng, làm phát sinh nợ xấu; nợ xấu tăng cao và hiệu quả kinh doanh thấp. Mặt khác, những hạn chế nội tại từ hệ thống ngân hàng cũng là khó khăn lớn. Tất cả các yếu tố đó đòi hỏi thực hiện cơ cấu lại các TCTD. Trong quá trình này, cơ chế chính sách của NHNN giữ vai trò quan trọng góp phần vào sự ổn định, tăng trưởng và phát triển của hoạt động ngân hàng, các TCTD giai đoạn 2008-2018. Bên cạnh đó, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, của tăng trưởng kinh tế - là môi trường thuận lợi để các TCTD xử lý nợ xấu, tăng trưởng tín dụng và các hoạt động dịch vụ, để ổn định và phát triển.

Mặt khác cơ chế chính sách của NHNN cũng định hướng cho các TCTD hoạt động đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Đồng thời đảm bảo cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả và tăng trưởng bền vững. Sau 10 năm, hoạt động của các TCTD đã và đang có những chuyển biến tích cực trong tăng trưởng và phát triển; nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh và chất lượng quản trị điều hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí đầu ra. Tăng thu nhập từ dịch vụ, hạn chế rủi ro từ hoạt động tín dụng. Đây là kết quả quan trọng và mang đậm dấu ấn cơ chế chính sách của NHNN trong giai đoạn vừa qua (2).

Ba bài học kinh nghiệm cho phát triển giai đoạn tới

Bài học thứ nhất là tính phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội đất nước, bám sát mục tiêu và tôn trọng nguyên tắc thị trường của CSTT. Đây là bài học lớn đối với công tác xây dựng, ban hành và điều hành chính sách của NHNN.  Sự thành công của CSTT của NHNN là sự hợp lý, sự phù hợp và tôn trọng nguyên tắc thị trường trong quá trình thực hiện mục tiêu kép: ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước đây và ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây.

Có thể nói về bản chất các yếu tố lãi suất, tỷ giá, giá vàng là các yếu tố thị trường, các yếu tố giá cả. Vì vậy, về mặt thị trường giá cả luôn biến động, gắn với quan hệ cung – cầu của thị trường và tác động bởi các quy luật kinh tế khách quan. Song NHNN trong suốt thời gian qua đã vận dụng và điều hành các yếu tố này theo định hướng đã đề ra để đạt được các mục tiêu của CSTT, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, với những kết quả quan trọng như đã phân tích ở phần trên.

Bài học thứ hai là sự tôn trọng kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các quy định của NHNN, của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Đây cũng là bài học có giá trị không chỉ đảm bảo cho cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng của NHNN được thực hiện có hiệu quả mà còn đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn và hiệu quả. Trong đó, việc thực hiện các quy định, các chỉ tiêu mang tính định hướng cần phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ mới đảm bảo chính sách phát huy nhanh, hiệu lực và có hiệu quả, minh bạch và công bằng, nhất là các quy định về lãi suất, tỷ giá, tín dụng.

Hiệu quả của chính sách phụ thuộc rất lớn vào tính tuân thủ và tôn trọng triệt để kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành. Bài học này còn nguyên giá trị không chỉ đối với CSTT, tín dụng và ngân hàng mà còn đối với các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng. Trong đó việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ và đúng quy định luôn là giải pháp bền vững trong tăng trưởng và phát triển của hệ thống ngân hàng, của các TCTD, bảo đảm an ninh an toàn trong hoạt động ngân hàng, phòng ngừa rủi ro hiệu quả cho mỗi TCTD và cho toàn hệ thống.

Bài học thứ ba là cách thức tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách. Việc này đòi hỏi công tác tổ chức triển khai thực hiện của các cơ quan, các đơn vị thuộc NHTW và các TCTD phải tổ chức tốt, trách nhiệm mới đảm bảo cơ chế chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả. Trong đó, nội hàm của bài học này gồm: công tác chỉ đạo triển khai thực hiện; công tác theo dõi, nắm bắt, đánh giá kết quả và những khó khăn vướng mắc, tồn tại hạn chế của cơ chế chính sách, nắm bắt phản hồi, phản biện từ TCTD, từ doanh nghiệp…. từ đó tiếp tục phát huy tác động của chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, hợp lý.

Chú thích:

(1) Chỉ áp dụng trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng; lãi suất tiền gửi trên 6t áp dụng lãi suất thỏa thuận và chỉ áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với 05 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay trung dài hạn áp dụng lãi suất thỏa thuận.

(2) Nợ xấu được kiểm soát và hiện ở mức dưới 3%; kết quả kinh doanh đạt khá; quy mô vốn, tổng tài sản và các hoạt động chính: huy động vốn, cho vay vốn và thanh toán… đều mở rộng và duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chính sách tiền tệ giai đoạn 2008 -2018 và những bài học kinh nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO