Hiệu quả quản lý hoạt động hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

ThS Trần Trọng Triết| 10/07/2021 07:36
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh An Giang sau 27 năm hình thành và phát triển, đã khẳng định là một mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả và ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo.

 

Hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình QTDND

Nhằm tạo lập một hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ, tạo điều kiện cho hệ thống QTDND hoạt động an toàn và bền vững hơn. Trong quá trình thực hiện củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, công tác quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những năm qua đối với hoạt động của hệ thống QTDND được tập trung vào một số nội dung chính là:

(1) Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ  pháp lý cho phù hợp với thực tế hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình hệ thống QTDND hoàn thiện và phát triển: Ngoài Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định về quỹ tín dụng nhân dân; Thông tư số 32/2015/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; Thông tư số 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ; Chỉ thị 06/CT-NHNN về thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14; Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 21/2019/TT-NHNN… Những văn bản quy phạm pháp luật này bổ sung nhiều nội dung mới theo hướng chặt chẽ hơn, cơ cấu lại hoạt động của QTDND theo đúng mục tiêu hoạt động là TCTD là HTX, tăng cường công tác quản trị điều hành cũng như công tác giám sát và rà soát nội dung hoạt động nhằm hạn chế rủi ro, an toàn hệ thống.

(2) Tập trung hoàn thiện mô hình QTDND: Như chúng ta đã biết, QTDND là một loại hình tổ chức tín dụng hợp tác hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động; năng lực quản lý, điều hành, kiểm soát và trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; khả năng tài chính và quy mô hoạt động còn rất hạn chế; hoạt động chủ yếu trên địa bàn nông thôn nên thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Vì vậy, nếu không có những giải pháp phù hợp thì khó có thể đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển vững chắc.

(3) Xây dựng định hướng chiến lược phát triển hệ thống QTDND: Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: Quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội khóa XIII về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 142 của Quốc hội; Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Quyết định số 800/QĐ-TTg  ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Quyết định số 1726/QĐ-TTg  ngày 5/9/2016 của Thủ tướng chính phủ về nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, quan điểm phát triển hệ thống QTDND và Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, quan điểm về củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là:

Thứ nhất, tập trung rà soát, củng cố, chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống QTDND hiện nay nhằm đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh và hiệu quả trước khi thực hiện việc tăng cường mở rộng phát triển hệ thống QTDND.

 Thứ hai, việc tổ chức, hoạt động và thành lập QTDND phải đảm bảo bản chất của mô hình kinh tế tập thể với mục tiêu tương trợ giữa các thành viên trên cơ sở liên kết trong cùng địa bàn xã, phường, thị trấn hoặc liên kết theo ngành nghề sản xuất. Việc cấp phép thành lập mới chỉ được xem xét khi đảm bảo đồng thời việc đã rà soát, chấn chỉnh toàn bộ hệ thống QTDND và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo đúng bản chất của mô hình QTDND.

Thứ ba, rà soát, đánh giá lại điều kiện, nhu cầu cần thiết khách quan, khả năng tồn tại, đảm bảo an toàn đối với các QTDND trong từng địa phương, địa bàn để tiếp tục sắp xếp lại các QTDND, số lượng QTDND tại từng tỉnh, thành phố bằng các hình thức tổ chức lại hợp lý, đảm bảo sự ổn định an toàn hệ thống.

 Thứ tư, xây dựng cơ chế quản lý hệ thống QTDND theo quy mô, căn cứ vào quy mô để quy định về bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và cơ sở vật chất, công nghệ thông tin.

 Thứ năm, hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tăng cường gắn kết trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên của QTDND, liên kết giữa các QTDND với Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX), Hiệp hội QTDND, Quỹ Bảo toàn để phát triển hệ thống QTDND; tăng cường các hoạt động hỗ trợ khi có rủi ro thanh khoản, tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động giữa các QTDND.

Thứ sáu, tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống QTDND thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro; xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, QTDND yếu kém, không làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống QTDND nói riêng và an toàn hệ thống các TCTD nói chung. Xây dựng mới, tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để nâng cao kỹ năng giám sát an toàn đối với từng QTDND và cả hệ thống; tăng cường vai trò của NHHTX, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) trong việc kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kịp thời đối với các QTDND theo quy định của Luật TCTD đã được sửa đổi, bổ sung.

Hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh An Giang

An Giang  là một trong 14 tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện triển khai thí điểm thành lập QTDND (Quyết định số 390/QĐ-TTg). Đến nay, hệ thống gồm 24 QTDND đang hoạt động tại 144 xã, phường, thị trấn/156 xã, phường, thị trấn hiện có của tỉnh. Qua 27 năm thành lập và hoạt động trên địa bàn đã trải qua không ít khó khăn, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt, là sự quan tâm, chỉ đạo của NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, hoạt động QTDND từng bước được củng cố, hoàn thiện và phát triển đáng kể, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Sau quá trình tập trung nỗ lực triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại NH HTX và các QTDND theo Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg  ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ  đối với việc thực hiện cơ cấu lại QTDND trên địa bàn, bước đầu đã có tác động đến nhận thức về công tác củng cố, chấn chỉnh, hoàn thiện và phát triển đối với hoạt động QTDND, điển hình như cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đã nhận thức tốt hơn về vai trò thiết thực của QTDND trong việc góp phần phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với quá trình củng cố, cơ cấu lại và thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo chỉ đạo. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thường xuyên hoạt động đối với QTDND trên địa bàn của NHNN chi nhánh tỉnh đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cũng như hiệu quả hoạt động, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và tính đặc thù của loại hình TCTD hợp tác; tạo thuận lợi cho các QTDND nội dung hoạt động cung cấp sản phẩm dịch vụ tín dụng, thanh toán; giúp người dân xóa bỏ định kiến tiêu cực do sự đổ vỡ của các HTX tín dụng trước đây và ngày càng tin tưởng hơn vào hoạt động của QTDND. Riêng đối với QTDND không ngừng nỗ lực để phát triển thành viên, chú trọng huy động nguồn vốn nhàn rỗi của thành viên và dân cư, qua đó, cung ứng vốn kịp thời, tạo điều kiện để thành viên phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu đầu tư, khai thác tiềm năng kinh tế ở địa phương, huy động được lực lượng lao động lúc nông nhàn vào việc khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống bản địa và kinh doanh dịch vụ nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” thực hiện có hiệu quả chính sách xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, được đông đảo Nhân dân ngày càng tin tưởng và tham gia tích cực, cụ thể: Kết quả triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của QTDND trên địa bàn: Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các QTDND xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng thời kết hợp công tác vận động, tuyên truyền nên số lượng thành viên gia nhập của các QTDND không ngừng tăng lên. Tính đến thời điểm 31/3/2021, số lượng thành viên lên đến 115.724 thành viên so với cuối năm 2016 giảm 26.109 thành viên. Đặc biệt, có Quỹ đã thu hút thành viên trên 70% số hộ dân cư trên địa bàn xã.

Về tổng nguồn vốn hoạt động: Đến thời điểm ngày 31/3/2021 là hơn 3.660 tỷ đồng, so với cuối năm 2016 tăng 219,198 tỷ đồng, tăng 6,37%. Bình quân mỗi QTDND có nguồn vốn hoạt động là 152,530 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 329,426 tỷ đồng, chiếm 9,00%/tổng nguồn vốn hoạt động, riêng vốn điều lệ là 144,826 tỷ đồng, tăng 26,57% so với năm 2016; vốn huy động tiền gửi tiết kiệm hơn 3.157 tỷ đồng, tăng 171,223 tỷ đồng, tăng 5,74% so với thời điểm cuối năm 2016, bình quân tiền gửi mỗi QTDND là hơn 131 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ có chiến lược tốt nên nhiều QTDND đã thu hút được đông đảo khách hàng gửi tiền như QTDND: Mỹ Phước, Mỹ Hòa, Mỹ Bình, Núi Sập.

Về hoạt động tín dụng: Nhờ nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm tăng, ổn định đã giúp các QTDND chủ động trong cho vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống của thành viên. Tính đến thời điểm ngày 31/3/2021 tổng dư nợ cho vay đạt hơn 2.928 tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2016 tăng 107,157 tỷ đồng, tăng 3,80%. Bình quân dư nợ mỗi QTDND là 122,033 tỷ đồng và dư nợ 41,01 triệu đồng/thành viên. Cơ cấu tín dụng được điều chỉnh tương đối phù hợp so với mục tiêu hoạt động và đối tượng sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, cụ thể sản xuất nông nghiệp và thủy sản chiếm 85% so với tổng dư nợ; tương tự phát triển ngành nghề, kinh doanh, dịch vụ và lĩnh vực tiêu dùng, sinh hoạt chỉ chiếm 15% so với tổng dư nợ. Thực tế cho thấy, có nhiều hộ gia đình nhờ vay vốn sản xuất, kinh doanh mà từ chỗ nghèo khó đã thoát nghèo, thậm chí còn khá giả, có tiền cho con ăn học.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng cũng được các QTDND quan tâm, kiểm soát chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay nên nợ xấu của các QTDND luôn được duy trì ở mức thấp, chỉ chiếm 0,81%.

Về kết quả kinh doanh: Trong thời gian qua, các QTDND hoạt động đều có lãi, đến 31/3/2021 lãi đạt 4.768 triệu đồng, bình quân khoảng 198 triệu đồng/quỹ.

Ngoài ra, các QTDND trên địa bàn tỉnh cũng hết sức chú trọng đến chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dễ dàng tiếp cận được vốn vay, đặc biệt QTDND còn tham gia thực hiện nghiệp vụ cung ứng chuyển tiền điện tử nên đã giúp bà con nơi đây tiết kiệm được thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn khi gửi tiền cho con ăn học ở xa hoặc thanh toán tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… cho các nhà cung cấp ngoài địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trụ sở làm việc của các QTDND cũng được xây dựng khang trang, có kho tiền, trang bị két sắt, máy đếm tiền, máy kiểm tra tiền giả, phương tiện phòng cháy, chữa cháy đảm bảo an toàn; lắp đặt máy vi tính, máy Fax, kết nối Internet, nối mạng với Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Bình Định, Trung tâm Thông tin tín dung Quốc gia Việt Nam (CIC). Đặc biệt các Quỹ đều đã được cài đặt phần mềm đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động.

Để hoạt động của các QTDND trên địa bàn tiếp tục phát huy hiệu quả, đóng góp nhiều hơn nữa vào chiến lược xóa đói, giảm nghèo và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn, thì ngoài việc duy trì thường xuyên sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, NHNN chi nhánh tỉnh, cũng như tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra để sớm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những mặt tồn tại, yếu kém, sai phạm, bản thân các QTDND phải không ngừng củng cố nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm tra, kiểm toán nội bộ và ý thức chấp hành pháp luật. Đặc biệt, cán bộ QTDND cần phải nỗ lực học tập nâng cao nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, đổi mới phong cách làm việc chuyên nghiệp, đồng thời kết hợp với địa phương tuyên truyền vai trò, vị trí quan trọng đối với mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng hướng tới thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Những vấn đề đặt ra và giải pháp thực hiện

Trên đây là những kết quả quan trọng mà NHNN chi nhánh tỉnh, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý nhà nước đối với QTDND đã thực hiện trong năm qua. Có thể nói , với những kết quả thu được hết sức có ý nghĩa trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động QTDND, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân các QTDND, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn đã căn bản hoàn thành công tác củng cố, chấn chỉnh và tạo lập những cơ sở nền tảng rất quan trọng cho giai đoạn hoàn thiện và phát triển trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nói trên, hiện nay hệ thống QTDND cũng đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức như sau:

(i) Hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng khác ngày càng hướng tới thị trường khu vực nông nghiệp - nông thôn; do đó các QTDND sẽ phải đương đầu với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn; trong khi đó hầu như đại bộ phận các QTDND đều chưa xây dựng được kế hoạch hay chiến lược tổng thể, đặc biệt là chiến lược phát triển thị trường.

(ii) Nhu cầu về vốn trung hạn, dài hạn ở khu vực nông nghiệp - nông thôn ngày càng lớn trong khi khả năng nguồn vốn này của các QTDND rất hạn chế. Vì vậy, các QTDND sẽ gặp phải rất nhiều hạn chế trong hoạt động.

(iii) Khả năng thu hút, đào tạo nâng cao trình độ và duy trì đội ngũ cán bộ, nhân viên có năng lực nghiệp vụ QTDND thành thạo còn rất hạn chế; vì vậy khả năng duy trì sự phát triển tăng trưởng bền vững của các QTDND sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có những chiến lược và bước đi thích hợp.

Để tạo điều kiện cho hệ thống QTDND khắc phục vượt qua những khó khăn thử thách nói trên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các QTDND trong năm 2021 sẽ tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng nội dung, giải pháp và tiến độ tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 của QTDND được phê duyệt;

Thứ hai, chủ động xây dựng, triển khai và điều chỉnh chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với diễn biến của thị trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; Tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của mô hình HTX, tập trung thực hiện mục tiêu hỗ trợ vốn và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho các thành viên; tiến tới chỉ huy động và cho vay đối với thành viên; Tiếp tục điều chỉnh địa bàn hoạt động của các QTDND theo hướng giới hạn hoạt động trên địa bàn một xã, phường, thị trấn. QTDND chỉ được hoạt động liên xã là các xã liên kề với xã nơi QTDND đặt trụ sở chính thuộc phạm vi trong cùng một quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã được NHNN phê duyệt; tại các xã, phường, thị trấn khác được hình thành do thay đổi địa giới hành chính của các xã, phường, thị trấn đã được NHNN phê duyệt nhưng vẫn trong phạm vi cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh. QTDND ngành nghề hoạt động trên địa bàn theo hướng dẫn của NHNN;

Thứ ba, thu hút thành viên mới đi kèm với nâng cao chất lượng, tính liên kết giữa các thành viên QTDND thông qua việc góp vốn xác lập tư cách thành viên và tăng tỷ lệ nhận tiền gửi từ thành viên. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của loại hình TCTD là HTX. Chủ động khai thác các nguồn vốn ủy thác cho vay; Đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng như dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ, tư vấn tài chính, nhận ủy thác và làm đại lý liên quan đến quản lý tài sản theo quy định của pháp luật; Tuân thủ đúng các quy định về an toàn trong hoạt động, các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng;

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy chế nội bộ về hoạt động cho vay, quản lý tiền vay, đảm bảo việc sử dụng tiền vay đúng mục đích; tăng cường thiết chế kiểm soát hoạt động tín dụng theo nguyên tắc phân định và bảo đảm tính độc lập giữa bộ phận thẩm định và bộ phận xét duyệt cho vay; Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, chủ động quản lý và kiểm soát nợ xấu; tăng cường quản lý rủi ro để giảm chi phí dự phòng rủi ro;

Thứ năm, hoàn thiện cơ chế, quy định nội bộ, tạo điều kiện cho thành viên tham gia quản lý và giám sát hoạt động của QTDND và đảm bảo QTDND tuân thủ quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động, kế toán, kiểm toán và chế độ báo cáo; Nâng cao chất lượng tài sản, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, kiểm soát tốt chi phí quản lý để giúp cân bằng thu chi trên nguyên tắc hoạt động của QTDND phải bù đắp chi phí và có tích lũy để phát triển;  Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý tài chính, hạch toán, kế toán của QTDND và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật;

Thứ sáu, tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và tinh gọn bộ máy quản lý, nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND, rà soát đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc QTDND phù hợp với quy mô hoạt động của các QTDND; Có các biện pháp tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm, hoạt động của QTDND, lợi ích của việc tham gia QTDND và chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với QTDND đến cộng đồng dân cư để thu hút thêm các thành viên mới;

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống QTDND để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa rủi ro; tăng cường số lượng, tần suất các cuộc thanh tra, kết hợp kiểm tra đột xuất hoạt động của QTDND trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý yếu kém, các sai phạm, rủi ro đạo đức của QTDND; đảm bảo QTDND hoạt động đúng bản chất, đặc thù, tính liên kết, hỗ trợ giữa các thành viên QTDND và giữa các QTDND thành viên trong hệ thống thông qua NHHTX;  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tổ chức và hoạt động đối với QTDND, phát triển HTX, nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý, giám sát hệ thống QTDND thống nhất, kết nối các QTDND với NHNN chi nhánh tỉnh phục vụ hiệu quả công tác giám sát vi mô và vĩ mô đối với hệ thống và kịp thời kiểm soát, xử lý rủi ro, yếu kém đối với từng QTDND;

Thứ tám, mở rộng độ bao phủ các điểm cung ứng dịch vụ của QTDND ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính;  Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn.Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.

Thứ chín, tiếp tục triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật của DID, Canada, Dự án “Hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống liên kết các QTDND” của Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) nhằm từng bước hiện đại hoá các hoạt động nghiệp vụ và mở rộng, đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ của QTDND để phục vụ ngày càng tốt hơn cho thành viên, trong đó tập trung triển khai cấu phần tin học hoá trong Dự án thí điểm hiện đại hoá hoạt động của hệ thống QTDND./.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật các Tổ chức tín dụng 2010 và Luật các TCTD sửa đổi bổ sung 2017;

2. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP, ngày 14/11/2019 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và Ngân hàng.

3. Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23 tháng 01 năm 2014 Quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND;

4. Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 03 năm 2015 Quy định về QTDND;

5. Thông tư số 31/2012/TT-NHNN quy định về Ngân hàng hợp tác xã;

6. Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

7. Báo cáo hoạt động QTDND trên địa bàn của NHNN chi nhánh tỉnh An Giang.

(1) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả quản lý hoạt động hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO