(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra trình độ học vấn có mối tương quan mạnh mẽ đến rào cản tiếp cận tài chính của cá nhân.
Ngày nhận bài: 27/10/2019 - Ngày biên tập: 4/11/2019 - Ngày duyệt đăng: 22/11/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 23/2019.
Tóm tắt: Trong bài viết, tác giả sử dụng số liệu của Global Findex năm 2017 để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc sở hữu tài khoản và sử dụng dịch vụ tài chính ở cấp độ cá nhân. Kết quả cho thấy, các yếu tố tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn và thu nhập đều ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của cá nhân. Trong đó yếu tố thu nhập có tác động đến cả ba tiêu chí là sở hữu tài khoản, sử dụng dịch vụ tiết kiệm và vay vốn từ các tổ chức tài chính theo hướng những người nghèo là nhóm người bị hạn chế tiếp cận tài chính toàn diện nhất. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra trình độ học vấn có mối tương quan mạnh mẽ đến rào cản tiếp cận tài chính của cá nhân.
Từ khóa: tài chính toàn diện, mô hình Binary Logistic, Global Findex
Financial inclusion in Vietnam from individuals’ financial accessibility perspective
Abstract: In this article, the author uses Global Findex 2017 data to analyze the factors affecting access to financial services. The results show that factors such as age, gender, education level and income level all have significant effect on individuals’ access to formal financial services. Particularly, income level influences all three indicators, including account ownership and the usage of deposit saving and loans from financial institutions in the way that the poorest people are excluded from formal financial systems the most. Research results also indicate that education level is strongly correlated with the barrier to financial services.
Key words: financial inclusion, Binary Logistic model, Global Findex
1. Đặt vấn đề
Một hệ thống tài chính hoạt động tốt có nhiệm vụ cung cấp các sản phẩm tiết kiệm, thanh toán, tín dụng và quản lý rủi ro cho những khách hàng có nhu cầu. Trong khi đó, một hệ thống tài chính toàn diện sẽ cho phép tiếp cận rộng rãi hơn các dịch vụ tài chính phù hợp và có khả năng giúp ích cho người nghèo cũng như các nhóm khó khăn khác trong xã hội. Chẳng hạn, việc tiếp cận sản phẩm tiết kiệm và tín dụng chính thức có thể tạo điều kiện cho nhóm người này đầu tư vào các hoạt động như giáo dục hoặc khởi nghiệp. Trái lại, khi bị hạn chế tiếp cận dịch vụ ngân hàng chính thức, các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ buộc phải dựa vào khoản tiết kiệm hoặc thu nhập ít ỏi của mình, thậm chí phải sử dụng dịch vụ tài chính không chính thức đầy rủi ro để đầu tư. Điều này có thể góp phần gia tăng sự bất bình đẳng thu nhập liên tục và làm tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Khái niệm tài chính toàn diện có thể được khái quát là việc các dịch vụ tài chính chính thức (tài khoản ngân hàng, tiết kiệm và tín dụng) được cung cấp tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện, chi phí hợp lý và phù hợp với nhu cầu.
Để đo lường tài chính toàn diện, dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng nhìn chung trong các nghiên cứu trước đây đều đề cập đến hai tiêu chí chính là mức độ thâm nhập của hệ thống ngân hàng (được đo lường bằng số lượng tài khoản ngân hàng) và mức độ sử dụng hệ thống ngân hàng gồm hai dịch vụ chủ yếu là tiết kiệm và tín dụng (Sarma, 2012; Gortsos, 2016; Hoàng Công Gia Khánh & cộng sự, 2018). Trong đó, nhiều nghiên cứu sử dụng dữ liệu cấp độ cá nhân và hộ gia đình để đánh giá tài chính toàn diện của một nước hoặc so sánh giữa các nhóm nước với nhau.
Allen & cộng sự (2012) sử dụng số liệu khảo sát của 124.000 cá nhân ở 123 quốc gia để xem xét mối quan hệ giữa các đặc điểm cá nhân với tài chính toàn diện thể hiện ở ba tiêu chí sử dụng tài khoản: khả năng sở hữu tài khoản ngân hàng, xác suất sử dụng tài khoản để tiết kiệm và khả năng sử dụng tài khoản thường xuyên. Kết quả cho thấy, khả năng sở hữu và sử dụng một tài khoản cao hơn ở những người giàu, sống ở thành thị, có học thức, có việc làm và có gia đình. Demirgüc-Kunt và Klapper (2013) lại tập trung vào mối quan hệ giữa việc sở hữu, sử dụng dịch vụ tài chính chính thức và yếu tố thu nhập trong nghiên cứu của mình với dữ liệu của 148 nước từ Global Findex 2011. Sử dụng mô hình hồi quy probit, các tác giả thấy rằng người trưởng thành trong nhóm thu nhập cao nhất có khả năng tiếp cận tài chính cao hơn một cách đáng kể so với các nhóm khác, tuy nhiên ở các quốc gia có thu nhập cao thì sự chênh lệch này rất nhỏ.
Clamara & cộng sự (2014) đưa ra một cách tiếp cận định lượng đối với các yếu tố quyết định tài chính toàn diện ở Peru dựa trên dữ liệu vi mô từ các cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy các nhóm dễ bị tổn thương hơn (phụ nữ, cá nhân sống ở nông thôn và thanh niên) là những nhóm gặp khó khăn lớn nhất trong việc tiếp cận hệ thống tài chính chính thức. Cũng xem xét các yếu tố quyết định tài chính toàn diện và các rào cản đối với tiếp cận tài chính, Desalegn và Yemataw (2017) tìm thấy bằng chứng cho thấy các nhóm có trình độ học vấn cao hơn, hiểu biết về tài chính, tuổi tác lớn hơn, sống ở khu vực thành thị có liên quan đến mức độ tài chính toàn diện cao hơn ở Ethiopia.
Ở Việt Nam hiện nay, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2019, gần một nửa dân số đang sở hữu tài khoản ngân hàng. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy các biện pháp thúc đẩy tài chính toàn diện của hệ thống tài chính đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, con số trên cũng đồng nghĩa khoảng 50% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính chính thức và có thể vẫn phải lựa chọn sử dụng các nguồn tài chính khác nhiều rủi ro hơn. Như vậy, việc xác định đặc điểm kinh tế xã hội của các nhóm dễ bị loại trừ tài chính sẽ giúp ích cho công tác xây dựng chính sách chú trọng vào những đối tượng ưu tiên, dễ bị tổn thương này, đúng với mục tiêu của tài chính toàn diện. Với ý nghĩa thực tiễn như vậy, tác giả tập trung xem xét các nhân tố tác động đến việc tiếp cận các dịch vụ chính thức của ngân hàng (tài khoản ngân hàng, tiết kiệm, tín dụng) của các cá nhân cũng như phân tích những rào cản khiến việc sử dụng các dịch vụ tài chính trở nên khó khăn.
2. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu
2.1. Mô tả dữ liệu
Để thực hiện nghiên cứu, tác giả sử dụng số liệu khảo sát từ Cơ sở dữ liệu toàn cầu về tài chính (Global Findex) năm 2017 của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 4/2018. Dữ liệu này cung cấp thông tin về các nỗ lực triển khai tài chính toàn diện của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, dữ liệu này là kết quả của khảo sát hơn 1000 người trưởng thành về việc sở hữu tài khoản và sử dụng các loại dịch vụ tài chính ngân hàng như tiết kiệm, tín dụng, thanh toán trên thiết bị di động…
Các chỉ tiêu được lựa chọn liên quan đến việc sở hữu tài khoản và sử dụng hai sản phẩm chính của ngân hàng là tiết kiệm và cho vay trong mối quan hệ với các yếu tố nhân khẩu học (giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn và thu nhập). Trong số các mục tiêu của tài chính toàn diện, bước đầu tiên là tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận với tài khoản tài chính và được đo lường bằng số lượng tài khoản được mở tại các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, việc mở tài khoản và sử dụng tài khoản là hai vấn đề khác nhau và thực tế cho thấy bước tiếp theo các nước cần thực hiện để thúc đẩy tài chính toàn diện là làm thế nào để việc sử dụng tài khoản thường xuyên và hiệu quả hơn.
Ba câu hỏi được sử dụng trong khảo sát để thu thập số liệu tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức bao gồm:
1. Anh/chị, một mình hoặc cùng với người khác, hiện có tài khoản tại ngân hàng hoặc một loại tổ chức tài chính chính thức khác không?
2. Trong 12 tháng qua, anh/chị có tiết kiệm bằng cách sử dụng tài khoản tại ngân hàng hoặc một loại tổ chức tài chính chính thức khác không?
3. Trong 12 tháng qua, anh/chị có vay tiền từ ngân hàng hoặc một loại tổ chức tài chính chính thức khác không?
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Để phân tích các nhân tố tác động đến khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức của các cá nhân, tác giả sử dụng mô hình hồi quy Binary Logistics với dạng tổng quát như sau:
|
Trong đó:
- Biến Y: là biến phụ thuộc, đo lường việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của cá nhân. Biến Y chỉ nhận 2 giá trị: Y = 1 (ghi nhận khi cá nhân trả lời “Có” đối với ba câu hỏi đã nêu ở phần mô tả dữ liệu) và Y = 0 (ghi nhận khi cá nhân trả lời “Không”).
- Biến X: là biến độc lập, m là số biến độc lập được sử dụng. Trong mô hình này, tác giả tập trung vào yếu tố nhân khẩu học của các cá nhân được khảo sát, bao gồm: giới tính, tuổi, trình độ học vấn và thu nhập.
Cụ thể, với yếu tố giới tính, tác giả sử dụng biến giả nhận giá trị là 1 (khi cá nhân trả lời là Nam) và 0 (khi cá nhân trả lời là Nữ). Đối với yếu tố tuổi tác, tác giả sử dụng đồng thời biến Tuổi và biến Bình phương tuổi để kiểm soát mối quan hệ phi tuyến của tuổi tác đến khả năng tiếp cận tài chính. Yếu tố trình độ học vấn được chia làm ba cấp độ: đại học và trên đại học; trung học; dưới trung học. Yếu tố thu nhập được phân thành 5 nhóm: nhóm thu nhập cao nhất, nhóm thu nhập trung bình cao, nhóm thu nhập trung bình, nhóm thu nhập trung bình thấp, và nhóm thu nhập thấp nhất.
Nếu gọi P là xác suất để một biến cố xảy ra (ví dụ: cá nhân có tài khoản ngân hàng), thì 1-P là xác suất để biến cố không xảy ra (ví dụ: cá nhân không có tài khoản ngân hàng). Khi đó, phương trình hồi quy (1) được viết lại như sau:
|
Tóm tắt thông tin các biến sử dụng trong mô hình hồi quy như sau:
Bảng 1. Tóm tắt các biến trong mô hình hồi quy Binary Logistics
|
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Các nhân tố tác động đến việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của cá nhân
Bảng 2 trình bày kết quả hồi quy các yếu tố ảnh hưởng đến việc sở hữu tài khoản và sử dụng hai dịch vụ chính của các tổ chức tài chính hiện nay là tiết kiệm và cho vay.
Bảng 2. Các yếu tố tác động đến việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của cá nhân
Nguồn. Tính toán của tác giả |
Ghi chú: *, **, ***: có ý nghĩa thống kê tương ứng ở mức 10%, 5% và 1%. Giá trị trong ngoặc là sai số chuẩn.
Độ tuổi có tác động đến việc sở hữu tài khoản và sử dụng dịch vụ vay vốn của các cá nhân, tuy nhiên yếu tố tuổi tác tồn tại mối quan hệ phi tuyến với biến phụ thuộc và điều này thể hiện rõ qua việc tác động ngược chiều của biến Tuổi và biến Tuổi2. Có thể giải thích ảnh hưởng của tuổi tác như sau: khi độ tuổi tăng lên thì xác suất cá nhân tiếp cận dịch vụ tài chính cũng tăng theo nhưng khi đạt một độ tuổi nhất định thì xác suất này lại giảm xuống. Như vậy người lớn tuổi sẽ có xu hướng hạn chế tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức hơn so với người trẻ tuổi. Điều này có thể được lý giải do “tâm lý người già”, người lớn tuổi thường lo lắng và nghi ngại trong việc tìm hiểu cũng như sử dụng dịch vụ tại ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ vay vốn bởi các điều kiện, giấy tờ kèm theo.
Kết quả nghiên cứu không tìm ra mối quan hệ đáng kể giữa giới tính với việc tiếp cận tài chính của cá nhân, mặc dù có thể thấy nam giới sử dụng ít dịch vụ tiết kiệm từ các tổ chức tài chính hơn so với nữ giới. Điều này hàm ý rằng các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác nên có các biện pháp thu hút nhóm khách hàng nữ đối với các sản phẩm tiết kiệm hiện nay tại tổ chức của mình.
Yếu tố trình độ học vấn có mối tương quan dương với việc sở hữu tài khoản và sử dụng dịch vụ tiết kiệm với giá trị hệ số hồi quy lớn và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% ở cả biến đại học và biến trung học. Điều này cũng đồng nghĩa với trình độ học vấn càng thấp thì khả năng bị loại trừ tài chính của cá nhân sẽ càng cao.
Cuối cùng, mối quan hệ giữa yếu tố thu nhập với việc sở hữu tài khoản và sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức chủ yếu thể hiện thông qua nhóm thu nhập cao và nhóm thu nhập trung bình thấp ở cả ba tiêu chí. Theo đó, đối với tiêu chí sở hữu tài khoản và sử dụng dịch vụ tiết kiệm, cả hai biến đều có tác động cùng chiều. Tuy nhiên giá trị hệ số hồi quy của biến TN_CAO lớn hơn biến TN_TBTHAP, điều này ngụ ý rằng những người có thu nhập cao hơn thì xác suất tiếp cận dịch vụ tài chính sẽ lớn hơn so với những người có thu nhập thấp. Một điều đáng chú ý khác là tác động ngược chiều của nhóm các biến thu nhập đối với việc sử dụng dịch vụ tín dụng. Đồng thời nhóm thu nhập trung bình thấp có xác suất sử dụng dịch vụ vay vốn của các tổ chức tài chính cao hơn so với nhóm những người giàu nhất.
3.2. Các rào cản tiếp cận tài chính của cá nhân
Bên cạnh các yếu tố nhân khẩu học, có nhiều nguyên nhân khác khiến việc thúc đẩy tài chính toàn diện đối với cá nhân và hộ gia đình gặp khó khăn.
Hình 1. Các lý do cá nhân không mở tài khoản tại tổ chức tài chính
Nguồn: Cơ sở dữ liệu toàn cầu về tài chính năm 2017 |
Hình 1 cho thấy các lý do chính ngăn cản cá nhân mở một tài khoản tại các tổ chức tài chính, bao gồm các nguyên nhân mang tính chủ quan (không có đủ tiền, không có nhu cầu, người thân trong gia đình đã có tài khoản) và các nguyên nhân khách quan bắt nguồn từ đặc điểm, tính chất của hệ thống tài chính (địa bàn quá xa, chi phí quá đắt, thiếu tin tưởng và yêu cầu quá nhiều giấy tờ). Kết quả cho thấy lý do chủ yếu ảnh hưởng đến việc sở hữu tài khoản đến từ yếu tố chủ quan. Cụ thể, hai rào cản lớn nhất được xác định là bởi cá nhân không có nhu cầu hoặc họ không có đủ tiền để sử dụng dịch vụ tài chính tại một tổ chức chính thức (chiếm gần 60%). Cả hai lý do này có thể xuất phát từ những kiến thức về các dịch vụ tài chính của người dân còn hạn chế bởi số liệu từ nghiên cứu cho thấy trong số những người không có tài khoản ngân hàng vì 2 lý do trên thì hơn 90% có trình độ từ trung học trở xuống.
Hình 2. Trình độ học vấn các cá nhân không có tài khoản ngân hàng do không có nhu cầu
Nguồn: Cơ sở dữ liệu toàn cầu về tài chính năm 2017 |
Hình 3. Trình độ học vấn các cá nhân không có tài khoản ngân hàng do không có đủ tiền
Nguồn: Cơ sở dữ liệu toàn cầu về tài chính năm 2017 |
4. Kết luận và khuyến nghị
Nhìn chung, các yếu tố tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn và thu nhập đều ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của cá nhân. Trong đó yếu tố thu nhập có tác động đến cả ba tiêu chí là sở hữu tài khoản, sử dụng dịch vụ tiết kiệm và vay vốn từ các tổ chức tài chính theo hướng những người nghèo là nhóm người bị hạn chế tiếp cận tài chính toàn diện nhất. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy trình độ học vấn có mối tương quan mạnh mẽ đến rào cản tiếp cận tài chính của cá nhân.
Từ những phân tích trên, để thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam hiện nay, tác giả cho rằng một số vấn đề sau cần được ưu tiên giải quyết:
Thứ nhất, ảnh hưởng ngược chiều của nhóm các biến thu nhập đối với việc sử dụng dịch vụ tín dụng chính thức ngụ ý rằng những người nghèo là nhóm có xác suất sử dụng dịch vụ vay vốn của các tổ chức tài chính cao nhất. Do vậy hơn lúc nào hết, hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô cần được phát huy với vai trò là không chỉ là cầu nối giúp nhóm người này tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức mà còn là đòn bẩy thúc đẩy họ tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo. Để làm được điều này, bên cạnh các nỗ lực riêng của các tổ chức tài chính vi mô trong việc thiết kế sản phẩm trên quan điểm “khách hàng là trung tâm” nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng như thời hạn vay và gửi tiết kiệm linh hoạt theo dòng thu nhập của họ (tuần, tháng, mùa vụ…), Chính phủ cũng cần có chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính vi mô về nguồn vốn vay và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động tài chính vi mô hiện nay.
Thứ hai, xác định nhóm đối tượng ưu tiên để xây dựng và triển khai chương trình giáo dục tài chính cá nhân phù hợp. Mặc dù theo quan điểm của tài chính toàn diện, đối tượng mục tiêu của giáo dục tài chính là toàn dân nhưng theo tác giả, để phổ cập kiến thức tài chính cá nhân cho tất cả mọi người cần phải có lộ trình, bởi giải pháp cũng như các nội dung giáo dục tài chính phải được xây dựng phù hợp với mỗi nhóm đối tượng khác nhau. Từ kết quả mô hình nghiên cứu, tác giả cho rằng nên ưu tiên xây dựng chương trình giáo dục tài chính cá nhân cho thế hệ thanh thiếu niên ở các cấp học phổ thông (cấp 1, cấp 2, cấp 3), tiếp đó là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (nhóm người nghèo).
Các nguyên nhân khách quan ngăn cản cá nhân tiếp cận tài chính cho thấy những bất cập của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam hiện nay như: mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng phân bố không đều, chi phí dịch vụ còn cao, quy trình mở tài khoản còn phức tạp. Vì vậy, một trong những giải pháp tháo gỡ là các ngân hàng thương mại và tổ chức tài khác phải tiếp cận và áp dụng các công nghệ tài chính (Fintech) trong hoạt động của mình nhằm giảm chi phí cũng như mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho nhiều đối tượng khách hàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Allen, F., Demirgüc-Kunt, A., Klapper, L., Peria, M. (2012), The Foundations of Financial Inclusion: Understanding Ownership and Use of Formal Accounts, World Bank Policy Research Paper 6290, World Bank.
- Clamara, N., Peña, X., Tuesta, D. (2014), Factors that Matter for Financial Inclusion: Evidence from Peru, 14/09 Working Paper, BBVA Research.
- Demirgüc-Kunt, A., Klapper, L. (2013), Measuring Financial Inclusion: Explaining Variation in Use of Financial Services Across and Within Countries, Brookings Papers on Economic Activity, 279-340.
- Desalegn, G., Yemataw, G. (2017), “Financial Inclusion in Ethiopia: Using LSMS (Ethiopia Socioeconomic Survey) Data”, Ethiopian Journal of Economics, Vol. XXVI (2), 31-58.
- Hoàng Công Gia Khánh và các cộng sự (2018), Báo cáo thường niên thị trường tài chính năm 2017, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Leeladhar (2005), Taking banking services to the common man - financial inclusion, Commemorative lecture at the Fedbank Hormis Memorial Foundation, Ernakulam.
- Sameer Kochhar, Chandrashekhar, Chakrabarty, K.C. (2009), Speeding Financial Inclusion, SKOCH Development Foundation.