Hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững

Phương Chi| 30/10/2020 14:15
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cả mua lẫn bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang trong lấy ý kiến rộng rãi để chuẩn bị thẩm định và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn TCTD mua và bán TPDN.

Đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng

Tại Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN (Dự thảo Thông tư) mà NHNN đang lấy ý kiến có đưa ra nguyên tắc: “TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm liền kề trước năm mua TPDN, trừ trường hợp mua TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; TCTD không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại TCTD mua và tại TCTD khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định phê duyệt mua”. Theo NHNN, quy định này nhằm hạn chế các TCTD không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn thực hiện mua bán TPDN, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, quy định “TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành” kế thừa quy định tại Thông tư 15, vì: khoản 2 Điều 5 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định doanh nghiệp được phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp.

Thực tế, thời gian qua đã phát sinh việc TCTD mua TPDN phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ. Theo đó, trường hợp một đợt phát hành TPDN với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cơ cấu lại khoản nợ, thì TCTD cũng không được mua TPDN.

Quy định “TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác” nhằm hạn chế TCTD không được mua trái phiếu phát hành để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Theo NHNN, qua công tác kiểm tra hoạt động của TCTD đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động nhưng thực tế huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác, để các doanh nghiệp này thực hiện dự án hoặc tiếp tục thực hiện góp vốn, mua cổ phần... Do đó, TCTD khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án...

Tại Dự thảo Thông tư cũng quy định “TCTD mua TPDN với mục đích nắm giữ đến ngày đáo hạn, khi chuyển đổi mục đích nắm giữ trái phiếu và thực hiện bán TPDN này cho TCTD khác thì trong vòng 12 tháng không mua lại các TPDN đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN đã bán, trừ trường hợp bán TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật”. Cơ quan soạn thảo cho biết, quy định này nhằm quản lý hoạt động mua, bán TPDN giữa các TCTD thống nhất với việc quản lý hoạt động mua, bán nợ của các TCTD và các quy định của pháp luật liên quan, tránh trường hợp các TCTD bán TPDN cho TCTD khác vào cuối năm và mua lại vào đầu năm sau để tìm cách không tuân thủ quy định của NHNN về kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Theo các chuyên gia, việc siết chặt việc mua bán TPDN là cần thiết và là một đòi hỏi bắt buộc, không chỉ là đối với ngân hàng mà với tất cả các chủ thể trong nền kinh tế cũng phải cẩn trọng. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý rằng, Dự thảo Thông tư mà NHNN đang lấy ý kiến đã đưa ra những quy định hợp lý và không hề làm khó doanh nghiệp, điều này cũng góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, tránh những rủi ro về nợ xấu. Các quy định đưa ra tại Dự thảo Thông tư một mặt hỗ trợ thị trường TPDN phát triển bền vững, mặt khác nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị và trách nhiệm của TCTD khi tham gia vào thị trường TPDN, nhằm lành mạnh hóa hoạt động của TCTD, phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán 2019, Luật doanh nghiệp năm 2020, Luật TCTD và các văn bản pháp luật có liên quan. 

Tuân thủ quy định pháp luật trong mua bán trái phiếu doanh nghiệp

Còn theo Điều 107 Luật các Tổ chức tín dụng1 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) được phép thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư. Đồng thời, tại Điều 72 quy định TCTD có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Theo đó, thỏa thuận về việc cam kết mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của TCTD là quyền của TCTD và TCTD phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Thực tế, thời gian qua, NHNN từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý quy định đối với hoạt động TCTD mua TPDN (ban hành Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 20/5/2016 và Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018), theo hướng kiểm soát chặt chẽ hoạt động này tương tự như hình thức cấp tín dụng của TCTD thông qua khoản vay.

Cuối năm 2019, qua công tác giám sát, NHNN đã ban hành văn bản cảnh báo, chỉ đạo, yêu cầu TCTD kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng nói chung và đầu tư TPDN nói riêng, trong đó có yêu cầu TCTD: Rà soát, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc phát hành TPDN, giao dịch, phân phối và cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN; việc bảo lãnh, cam kết mua lại TPDN để đảm bảo các hoạt động của TCTD thực hiện theo đúng quy định pháp luật;  Niêm yết, công khai đầy đủ thông tin liên quan trong trường hợp TCTD thực hiện hoạt động phân phối và cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN (tư vấn, lưu ký…).

Hiện nay, các TCTD cung ứng nhiều sản phẩm tài chính để đa dạng hóa sự lựa chọn đến khách hàng. Khi khách hàng lựa chọn sản phẩm của TCTD thì cần tìm hiểu kỹ thông tin và quyết định lựa chọn trên cơ sở đánh giá rủi ro và cam kết của TCTD theo đúng quy định pháp luật.

Về phía các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trước thời điểm Nghị định 81/2020/NĐ-CP ngày 09/7/2020 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp) có hiệu lực với những quy định chặt chẽ hơn, từ đó tạo nguồn cung lớn trên thị trường, thu hút các nhà đầu tư nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống các TCTD khá tốt, tín dụng tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Mới đây, trả lời báo chí tại Họp báo quý III/2020, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, về TPDN, nhất là doanh nghiệp bất động sản, NHNN vẫn đang theo sát hoạt động mua trái phiếu của các ngân hàng. NHNN đang tính dư nợ mua TPDN vào dư nợ tăng trưởng tín dụng chung của tổ chức tín dụng - đây cũng là một sự kiểm soát của NHNN đối với lĩnh vực này. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của NHNN thường xuyên theo dõi báo cáo của tổ chức tín dụng, nếu tổ chức nào có tỷ lệ tập trung cao vào lĩnh vực rủi ro, trong đó có trái phiếu, sẽ ngay lập tức bị cảnh báo.

Để tăng cường quản lý, kiểm soát rủi ro đối với hoạt động đầu tư TPDN, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng (bao gồm cả đầu tư TPDN của TCTD) vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro (bất động sản, chứng khoán…). Bên cạnh đó, NHNN sẽ tăng cường kiểm tra, làm việc với TCTD liên quan đến hoạt động đầu tư TPDN để phát hiện và ngăn ngừa rủi ro, đồng thời đưa nội dung thanh tra, kiểm tra về hoạt động đầu tư TPDN của các NHTM là một trong những nội dung trọng tâm trong kế hoạch thanh tra thời gian tới; phối hợp với bộ, ngành liên quan thực hiện kiểm tra việc phát hành TPDN tại một số doanh nghiệp.

[1] Điều 107. Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại 1. Dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn ngân hàng, tài chính; các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn.2. Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư. 3. Mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.4. Dịch vụ môi giới tiền tệ. 5. Lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

[2]  Điều 7. Quyền tự chủ hoạt động: 1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO