Hóa giải nỗi lo nợ xấu trong mùa dịch COVID-19

Ngô Hải| 23/06/2021 13:44
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau 4 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 42/2017/QH14 (NQ42) về triển khai thí điểm cơ chế xử lý nợ xấu đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, kết quả đạt được rất tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, "bóng ma" nợ xấu đang ám ảnh quay trở lại.

Tọa đàm “Nợ xấu trong dịch COVID-19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức ngày 23/6

Số liệu thống kê được đưa ra trong buổi Tọa đàm “Nợ xấu trong dịch COVID-19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức ngày 23/6 cho thấy, tới nay, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/4/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu (66% số nợ) xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bảng (21%) bán cho VAMC (25)%. Trong đó, khách hàng tự nguyện trả nợ 150 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi thời điểm trước NQ42 có hiệu lực.

"Làn gió mạnh" trong công tác xử lý nợ xấu…

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm,TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sau khi có hiệu lực, NQ42 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Đồng thời, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các TCTD trong quá trình thực hiện NQ42.

NQ42 cũng cho khách hàng thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm trả nợ của mình. Khi có NQ42, thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu đã có chuyển biến, nhiều khách hàng trước đây chây ì, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý, thì sau đó đã hợp tác với các TCTD, bàn giao tài sản để các TCTD xử lý phát mại và thu hồi nợ… Bên cạnh đó, các TCTD được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay/bên bảo đảm đã tạo áp lực rất lớn buộc bên vay/bên bảo đảm phải có trách nhiệm trong việc trả nợ và phải hợp tác với các TCTD trong quá trình xử lý nợ nếu không muốn mất tài sản.

"Nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các TCTD thời gian qua, các TCTD đã xử lý được khối lượng khá lớn nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của các TCTD, đồng thời góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu

Phát biểu tại tọa đàm, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, nợ xấu từng rất trầm trọng đối với hệ thống TCTD, tuy nhiên, kể từ khi NQ42 ra đời, với hành lang pháp lý rõ ràng cùng với sự cố gắng của Ngân hàng Nhà nước và các TCTD, công tác xử lý nợ xấu đã có những kết quả tích cực. "Trong cuộc gặp gỡ với báo giới, các ngân hàng đều thông báo thành tựu về giải quyết nợ xấu, với những nỗ lực đã giảm xuống 3% và hiện nay là còn 2%. Những nỗ lực này đã góp phần làm lành mạnh cho sức khoẻ của các TCTD, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển", nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Tài, Phó Tổng Giám đốc SHB chia sẻ về thực tế triển khai xử lý nợ xấu tại SHB

Từ thực tế triển khai xử lý nợ xấu tại ngân hàng, ông Nguyễn Huy Tài, Phó Tổng Giám đốc SHB cho rằng, NQ42 như "làn gió mạnh” thổi vào quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo hành lang pháp lý, là cơ sở để các TCTD đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, rút ngắn thời gian xử lý nợ, tiết giảm chi phí. "NQ42 đã làm thay đổi ý thức trả nợ của khách hàng/bên bảo đảm, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay trả. NQ42 không chỉ là mối quan tâm của ngành ngân hàng mà còn là mối quan tâm của toàn dân".

… nhưng "nỗi lo" nợ xấu từ dịch COVID-19 lại ùa về

Dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Dịch bệnh đã tác động trực diện đến cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp trong hơn 1 năm qua.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, đại dịch COVID-19 đã tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng. Tỷ trọng vay mượn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh vốn cao, nay không hoạt động được dẫn đến tình cảnh lay lắt sinh tồn.

"Đặc biệt, cơn bão COVID-19 lần thứ tư cho thấy virus nợ xấu đã hoàn tất việc "thâm nhập" vào cơ thể doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế có nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí hoàn toàn tay trắng", nhà báo Lê Xuân Sơn nhấn mạnh. "Cuộc chiến chống COVID-19 xác định sẽ phải kéo dài nhiều năm, vì vậy vấn đề nợ xấu là cực kỳ quan trọng, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, TCTD và nền kinh tế nói chung".

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, diễn biến dịch bệnh COVID - 19 phức tạp trở lại trong vài tháng gần đây đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. "Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng", TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ tại tọa đàm.

Bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro của Techcombank phát biểu

Đại diện của Techcombank, bà Nguyễn Thu Lan, Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro của Techcombank cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ tháng 2/2020 tới nay đã khiến ngân hàng phải thay đổi nhiều chính sách để phù hợp. Cụ thể, với các khách hàng bị ảnh hưởng thu nhập do COVID-19, ngân hàng hỗ trợ tối đa qua các giải pháp miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ, giãn nợ; với các khách hàng thực sự không có khả năng trả nợ, chây ì tồn đọng đã lâu năm ngân hàng tiếp tục áp dụng NQ42 để xử lý tài sản thu hồi nợ.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Bày tỏ lời cảm ơn tới ngành Ngân hàng đã vào cuộc triển khai NQ42 một cách cụ thể, giải quyết bức xúc, giảm nợ, lùi thời điểm thu nợ, giảm thuế, phí, rất chính đáng, được quần chúng, doanh nghiệp ủng hộ, tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng Chính phủ cần tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. "Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới. Cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển", ông Bùi Danh Liên kiến nghị.

Còn ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cho biết, dưới tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch đang bên bờ vực phá sản. Tại Khánh Hòa, do ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Với những khó khăn doanh nghiệp trong ngành đang gặp phải, ông Hoàng Văn Vinh đề xuất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho các doanh nghiệp thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN là khoanh nợ và giảm nợ, giảm lãi suất.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, nên VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu. Cụ thể, tốc độ xử lý nợ xấu và mua nợ xấu chậm hơn, thậm chí có những khoản nợ bán đấu giá thành công rồi nhưng do tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 đã khiến người đấu giá thành công xin gia hạn thời hạn trả tiền cho khoản đấu giá thành công...

Cần khoanh nợ và kéo dài thời hạn NQ42

NQ42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết cục máu đông tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính 2011-2013. Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo NQ42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất đến 1-3%.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC phát biểu tại buổi tọa đàm

Tuy nhiên, sau 4 năm đi vào thực tế, NQ42 đang dần đến thời điểm kết thúc thí điểm (15/8/2022), vậy nên, ông Đoàn Văn Thắng kiến nghị, nên tiếp tục nâng tầm NQ42 sau khi kết thúc thí điểm. Đồng thời, sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, với khuôn khổ pháp luật và các công cụ thị trường được hoàn thiện, để hoạt động mua bán nợ được diễn ra thông suốt.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu kiến nghị tại tọa đàm

Góp ý về giải pháp nâng cao hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu tại ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI kiến nghị, cần tiếp tục kéo dài hiệu lực NQ42. Tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào hệ thống toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn. “Cần quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn. Giờ không làm ngay thì lại không kịp”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phát biểu tại buổi tọa đàm

Đồng tình với việc luật hóa NQ42, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiến nghị, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa NQ 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Trên cơ sở thực tế áp dụng chính sách tại NQ42 và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg đến hết năm 2020, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống các TCTD và chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như đã nêu tại Quyết định 986/QĐ-TTg. Theo đó, các TCTD tiếp tục rà soát chính sách, quy trình về tín dụng, tăng cường kiểm soát rủi ro (nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-9) nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai.

“Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, NQ42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế - một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kéo dài hiệu lực NQ42. Trên thực tế, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD, do vậy, việc Luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ.

“Trong trường hợp đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cũng được áp dụng như chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên hiện nay”, TS. Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hóa giải nỗi lo nợ xấu trong mùa dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO