(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 ra đời, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các TCTD. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh những khó khăn và vướng mắc, làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD. Do vậy, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, góp phần xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

7 khó khăn, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu

Theo phản ánh của các TCTD, trong quá trình triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, đa phần các khó khăn, vướng mắc các TCTD đang gặp phải liên quan đến khâu xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ), có thể kể đến như: Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm (TSBĐ) và xử lý tài sản bảo đảm; thu giữ tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; chuyển nhượng TSBĐ là dự án bất động sản và khoản nợ xấu có TSBĐ của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác; các TCTD được bán các khoản nợ xấu TSBĐ đang được kê biên cho tổ chức mua, bán, xử lý nợ xấu, doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự; chuyển nhượng TSBĐ và thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ….

Thứ nhất, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBD và xử lý TSBĐ. Các TCTD cho biết, mặc dù Tòa án đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn về việc áp dụng thủ tục rút gọn nhưng việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Tòa án gặp nhiều khó khăn, như: Thực hiện quy định về xác nhận công nợ, tài liệu về nơi cư trú của người bị kiện… Bên cạnh đó, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Như vậy, trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường, nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, Nghị quyết số 42 chỉ quy định áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBÐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBÐ của khoản nợ xấu của TCTD…, mà chưa quy định được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng của các TCTD với khách hàng vay. Trong trường hợp thuận lợi, ra được bản án/quyết định theo thủ tục rút gọn mà khách hàng (bên phải thi hành án) không hợp tác thì TCTD phải chuyển hồ sơ sang cơ quan Thi hành án để buộc khách hàng phải bàn giao tài sản. Trình tự thủ tục thi hành án cũng tương đối phức tạp, kéo dài, đặc biệt là khách hàng có tài sản duy nhất thì việc xử lý sẽ như thế nào? vì chưa có hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Vì các vướng mắc trên, dẫn đến hầu hết các trường hợp TCTD khởi kiện yêu cầu giao tài sản, quyền xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu không giải quyết được theo thủ tục rút gọn theo quy định của Nghị quyết 42. Thực tế, đến nay các cơ quan Tòa án chưa giải quyết vụ việc nào theo thủ tục rút gọn và thường đề nghị các TCTD khởi kiện theo thủ tục thông thường để giải quyết.

Thứ hai, thu giữ TSBĐ. Dù Nghị quyết 42 cho phép TCTD được quyền thu giữ TSBĐ để xử lý nợ xấu nhưng trên thực tế, phương thức thu giữ TSBĐ để xử lý nợ xấu chỉ thành công khi khách hàng hợp tác, hoặc trong một số trường hợp nhất định như khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp, TSBĐ là đất trống…, còn khi khách hàng không hợp tác bàn giao TSBĐ, chống đối khi tiến hành thu giữ, TCTD vẫn phải khởi kiện khách hàng ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để được quyền xử lý TSBĐ thông qua thi hành án, do Nghị quyết 42 không quy định cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế, yêu cầu/buộc người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản phải bàn giao tài sản như cơ quan thi hành án.

Nghị quyết 42 có quy định các TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ đi kèm với điều kiện trong hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ TSBĐ. Tuy nhiên, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực đều không quy định trực tiếp nội dung này (vì tại thời điểm hợp đồng được ký kết thì Nghị định 163/2006/NĐ-CP không quy định nội dung này). Do vậy, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ TSBĐ theo quy định trên, các TCTD phải đàm phán với bên vay điều chỉnh lại hợp đồng nhưng khách hàng thường không hợp tác (không ký). Vì vậy, các TCTD rất khó để thực hiện việc thu giữ TSBĐ theo Điều 7 Nghị quyết 42.

Thứ ba, mua, bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Các khó khăn, vướng mắc liên quan đến: Việc đăng ký chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đối với TSBĐ là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là TSBĐ của khoản nợ xấu hầu hết không thể thực hiện được do trong quá trình thu giữ tài sản, phần lớn các chủ tài sản đều chống đối, không hợp tác, không ký biên bản bàn giao tài sản...; ngay cả trong trường hợp, TSBĐ đã được thu giữ thành công, TCTD lập Biên bản thu giữ TSBĐ có sự chứng kiến và ký biên bản của đại diện UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ TSBĐ theo đúng quy định tại Khoản 5 Điều 7 của Nghị quyết 42, thì cũng không được một số Văn phòng đăng ký đất đai chấp nhận Biên bản thu giữ TSBĐ vì theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thành phần hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có Văn bản bàn giao tài sản của chủ tài sản…

Ngoài ra, thị trường mua bán nợ chưa phát triển, chưa có sàn giao dịch tập trung nên việc nhà đầu tư tiếp cận và trao đổi thông tin về các khoản nợ xấu còn hạn chế. Thời gian bán nợ cho VAMC theo hình thức trái phiếu đặc biệt là 5 năm, đây là một vấn đề khó khăn khi áp lực trích lập dự phòng hàng năm khá lớn. Đặc biệt, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh của một số ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nên việc trích lập dự phòng hàng năm 20% đối với mệnh giá trái phiếu đặc biệt chưa được thu hồi như hiện nay cũng làm tăng áp lực tài chính cho các ngân hàng, đặc biệt là NHTM cổ phần quy mô nhỏ.

Thứ tư, chuyển nhượng TSBĐ là dự án bất động sản và khoản nợ xấu có TSBĐ của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác. Theo các TCTD, xử lý tài sản là dự án bất động sản của các TCTD sau khi bán đấu giá thành công vẫn còn hạn chế, do theo quy định tại Luật kinh doanh Bất động sản thì việc chuyển nhượng dự án bất động sản phải được chấp thuận của UBND cấp tỉnh/Thủ tướng Chính phủ do vậy khi chuyển nhượng dự án mất nhiều thời gian; Bên cạnh đó, ngoài việc tuân thủ theo quy định của pháp luật về xử lý TSBĐ còn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư. Điều này dẫn đến thực trạng là sau khi ngân hàng đưa TSBĐ là dự án bất động sản ra bán đấu giá công khai và xác định được người trúng đấu giá nhưng lại không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho người nhận chuyển nhượng, lý do là người nhận chuyển nhượng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, năng lực theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ năm, bán các khoản nợ xấu TSBĐ đang được kê biên cho tổ chức mua, bán, xử lý nợ xấu, doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ. Hiện nay, mua bán nợ xấu chủ yếu diễn ra giữa TCTD và 2 đơn vị mua nợ chính là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Thực tế cho thấy, thiếu thị trường thứ cấp và phái sinh đối với các khoản nợ; việc thẩm định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá áp dụng theo Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam (được áp dụng chung cho thẩm định giá các loại tài sản) nên khi định giá các khoản nợ thì các tổ chức thẩm định giá lại vận dụng rất khác nhau, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.

Thứ sáu, hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự. Theo các TCTD, các thủ tục, quy trình về hoàn trả TSBĐ của các vụ án cho các TCTD hiện chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, sự phối hợp cơ quan thi hành án, công an… về hoàn trả TSBĐ của các vụ án cho các TCTD có khoản nợ xấu chưa chặt chẽ. Do đó, công việc này kéo dài thời gian, các TCTD chậm nhận được tài sản để chủ động bán hay phát mại, xử lý, thu hồi vốn của các khoản nợ xấu.

Ngoài ra, Điều 14 Nghị quyết 42 có quy định: “Sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án…”. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích cụ thể, thế nào là “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” và hướng dẫn trình tự, thủ tục thời hạn hoàn trả là trong giai đoạn nào của vụ án. Do đó, việc có hay không hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là TSBĐ của khoản nợ xấu sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của mỗi cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ bảy, chuyển nhượng TSBĐ và thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ. Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42 thì số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ của các TCTD trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm. Tuy nhiên, thực tế đối với các TSBĐ là bất động sản, khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBĐ (sau khi đấu giá thành công), cơ quan thuế vẫn yêu cầu TCTD hoặc bên nhận chuyển nhượng tài sản phải nộp thay thuế thu nhập cá nhân của bên bảo đảm mới thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, sang tên trước bạ. Việc phải nộp các khoản thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm đã làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD, nhiều trường hợp số tiền bán TSBĐ không đủ thu hồi nợ cho TCTD nhưng vẫn phải nộp thuế, gây khó khăn cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Điều này không phù hợp với quy định tại Nghị quyết 42, hạn chế các TCTD trong công tác xử lý nợ xấu.

Ngoài 7 khó khăn, vướng mắc lớn trên, các TCTD cho biết, trong quá trình triển khai xử lý nợ xấu, các TCTD vẫn gặp khó khăn vướng mắc liên quan đến các vấn đề khác như: Việc chỉ đạo của chính quyền một số địa phương còn chậm; công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự tại một số địa phương chưa thực sự hiệu quả; cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ; chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, khó khăn trong việc thẩm định giá đối với một số tài sản đặc thù…

Đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền

Trước những khó khăn vướng mắc các TCTD đang gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) đề nghị các cấp, các ngành có các giải pháp cụ thể trong giai đoạn trước mắt, cũng như lâu dài để tháo gỡ khó khăn cho các TCTD hội viên.

Đối với các giải pháp trước mắt, HHNH có những đề xuất kiến nghị: Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát, chỉ đạo Tòa án các cấp đẩy mạnh việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại điều 8 Nghị quyết số 42/2017/QH14 để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ xấu, tiết kiệm thời gian chi phí cho cả khách hàng và Ngân hàng; Bộ Công an cần có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa các giai đoạn xử lý thu giữ tài sản, có biện pháp kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của cán bộ ngân hàng tham gia thu giữ tài sản bảo đảm, bảo đảm việc thu giữ diễn ra thuận lợi, phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục thời điểm/thời hạn hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ theo quy định tại Nghị quyết 42.

Với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Ngân  hàng Việt Nam kiến nghị, hai Bộ chỉ đạo Cơ quan thuế, cơ quan đăng ký đất đai hỗ trợ ngân hàng trong việc xử lý TSBĐ, đăng ký biến động, đăng bộ sang tên đối với TSBĐ xử lý nợ xấu…; trường hợp TSBĐ sau khi xử lý không đủ thanh toán nợ cho ngân hàng thì ngân hàng/bên mua trúng đấu giá vẫn không phải đóng thuế TNCN/Thuế chuyển quyền sử dụng đất, đơn giản hoá thủ tục rút gọn để quá trình tố tụng được đẩy nhanh… Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ sau khi trừ đi các chi phí xử lý TSBĐ thì ngân hàng được quyền ưu tiên thu nợ trước để áp dụng đúng theo tinh thần, quy định của Nghị Quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán.

Với NHNN, HHNH đề nghị NHNN kiến nghị các bộ, ngành ban hành các hướng dẫn cụ thể, đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong triển khai Nghị quyết 42, hỗ trợ TCTD thực hiện hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và nguồn lực tài chính của các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua nợ nói riêng. Do đó, đề xuất NHNN xem xét có các hướng dẫn cụ thể về việc mua, bán nợ trả chậm, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ.

Đối với giải pháp lâu dài, HHNH đề nghị cần có các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu giai đoạn trước đây được ban hành rải rác trong nhiều văn bản Luật, trong các Nghị định, Thông tư của nhiều bộ, ngành khác nhau, dẫn đến việc áp dụng thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, làm giảm hiệu quả xử lý nợ xấu của các TCTD. Nghị quyết 42 đã tập hợp một số quy định, chính sách liên quan đến xử lý nợ xấu và TSBĐ của nợ xấu, quy định cụ thể và rõ hơn để các TCTD, các cơ quan Nhà nước có liên quan dễ dàng áp dụng, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu.

Sau gần 4 năm áp dụng Nghị quyết 42, rất nhiều khoản nợ xấu của các TCTD đã được xử lý thu hồi thành công, đặc biệt thông qua thủ tục thu giữ TSBĐ, làm giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu nói chung của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai Nghị quyết 42 còn rất nhiều vướng mắc, bất cập như đã nêu ở trên trong khi các chính sách quy định tại Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD. Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các TCTD, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.

“Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản Luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”, HHNH Việt Nam kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO