Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đã lên con tàu Pháp mang tên L'Admiral Latouche Trévill làm phụ bếp với hoài bão to lớn là xuất dương tìm đường cứu nước.
Trên hành trình tìm đường cứu nước (1911-1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến các nước tư bản tiên tiến nhất là Pháp, Mỹ, Anh và các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ… Tại những nơi này, Người đã nghiên cứu những cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhất thời cận đại và nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa phương Tây “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[1]. Người đưa ra kết luận “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”[2].
Năm 1917, tại thủ đô Paris của nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên gặp gỡ với những người Việt Nam ở Pháp có tư tưởng yêu nước như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường. Năm 1918, Người đến đảo Réunion thăm vị vua yêu nước Thành Thái đang bị thực dân Pháp an trí tại đây. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, vua Thành Thái đã nói: “Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”[3].
Đúng như nhận định của vua Thành Thái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quí tin tưởng và trở thành một trong những lãnh đạo chủ chốt của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đại diện Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, ký tên Nguyễn Ái Quốc (tức là người thanh niên yêu nước họ Nguyễn), gồm 8 điểm và được viết bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles vào ngày 18/6/1919, đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia Đảng Xã hội Pháp. Trong các cuộc họp chi bộ, Người thường xuyên tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân và kêu gọi các đồng chí của mình giúp đỡ cách mạng ở thuộc địa.
Tháng 7/1920, Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin đã tác động to lớn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Người nhớ lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng chúng ta”…”[4].
Tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII tổ chức tại thành phố Tours vào tháng 12/1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủng hộ Quốc tế III, tổ chức đứng về nhân dân thuộc địa. Người nhấn mạnh: “Quốc tế III rất chú ý đến giải quyết vấn đề giải phóng thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[5]. Từ đó, Người trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế.
Vào tháng 6/1922, Albert Sarraut, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp. Albert Sarraut lúc thì thì đe dọa, lúc lại ra vẻ ôn tồn khuyên Người từ bỏ hoạt động chống ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Albert Sarraut nói rằng hắn thích những thanh niên có chí khí như Người và hắn sẵn sàng giúp đỡ Người sống sung túc trên đất Pháp. Nhưng lúc đó, Người đã trả lời: “Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… Kính Ngài ở lại, tôi xin phép về”[6].
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), sau khi đặt chân đến đất nước của V.I. Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định sâu sắc, toàn diện về Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”[7]. Bởi vậy, Người nhấn mạnh: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới hạnh phúc”[8].
Cũng trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin…”[9]. Đảng cách mạng đó được Người sáng lập ngày 3/2/1930. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ đó, đúng như đáng giá của Người: “Đảng ta đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”[10].
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến thối nát trên đất nước ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”[11]. Do đó, Người khẳng định: “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”[12].
Ngày 21/1/1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, các nhà báo nước ngoài đã hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý do và ý định của Người khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước. Người đã trả lời ngắn gọn rằng. “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”[13].
Trong một buổi nói chuyện với đồng bào (30/5/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[14].
2 tháng trước khi qua đời, trả lời báo Granma (Cuba), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”[15]. Trong Di chúc, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9/9/1969) nhấn mạnh: “Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Với tấm lòng yêu nước nồng nàn. Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước… Hoài bão lớn nhất của Hồ Chủ tịch là Tổ quốc được giải phóng, nhân dân được hạnh phúc… Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và Nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.
Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 268
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270
[3] Báo Cứu Quốc, số 748, ra ngày 6/11/1947.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127
[5] Hồng Hà, “Thời thanh niên của Bác Hồ”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2011, tr. 94
[6] T. Lan, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 26
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 280
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 401
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 629
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 160
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 187
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 272
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 674