Cần quy định rõ hơn một số hoạt động như cấp tín dụng; làm rõ về hoạt động ngân hàng đầu tư; nghiên cứu, đánh giá tác động của việc mở rộng giới hạn cấp tín dụng; rà soát, hoàn thiện các quy định về nợ xấu và xử lý nợ xấu... là một số nội dung đã được đưa ra tại phiên họp cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều ngày 20/9.
Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây.
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là dự án luật khó, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, có tác động lớn đến nhiều đối tượng và cả kinh tế vĩ mô của đất nước, do đó, việc rà soát, tiếp thu, chỉnh lý đã được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật từ sau kỳ họp thứ 5 đến nay đã được các cơ quan thực hiện nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ, tổ chức nhiều cuộc làm việc, hội thảo với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức tín dụng là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật. Qua đó, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối cơ bản.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật mang tính chuyên môn cao và rất khó, do đó, cần cho ý kiến thật kỹ lưỡng để các nội dung của dự thảo Luật bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ các quan điểm, yêu cầu và chính sách lớn đặt ra khi sửa Luật để xem dự thảo Luật đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Sau khi Luật được thông qua, hệ thống các tổ chức tín dụng có lành mạnh hơn, năng lực chống chịu với các cú sốc bên trong và bên ngoài có tốt hơn không?
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần bổ sung các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và an ninh, an toàn hệ thống; tăng cường trách nhiệm của người quản lý, người điều hành, cổ đông của tổ chức tín dụng; phát hiện và xử lý từ sớm, từ xa các dấu hiệu bất ổn hệ thống. Cùng với đó, quy định rõ hơn một số hoạt động như cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, không qua tài khoản, chiết khấu; làm rõ về hoạt động ngân hàng đầu tư; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc mở rộng quy định người có liên quan, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng; bổ sung, hoàn thiện các quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo; luật hoá các quy định đã thực hiện ổn định và được kiểm nghiệm trong thực tiễn đối với hoạt động của ngân hàng chính sách; nghiên cứu bổ sung quy định về tập đoàn tài chính…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, phối hợp tích cực của Ủy ban Kinh tế và Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Các tài liệu, báo cáo tại phiên họp được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng và cầu thị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, rà soát để bảo đảm ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp và tại Thông báo kết luận số 2287/TV-UBTVQH ngày 16/5/2023 được tiếp thu đầy đủ, giải trình thuyết phục, bảo đảm chất lượng dự án Luật trước khi trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần rà soát kỹ lưỡng, thận trọng, đánh giá tác động đầy đủ, nhất là các chính sách mới và bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hoàn thiện một chương quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo để bảo đảm minh bạch, hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng. Nghiên cứu luật hóa tối đa các quy định về dự thu, về lãi, doanh thu, chi phí, lợi nhuận, trích lập các quỹ để đảm bảo phản ánh đúng thực trạng tài chính của các tổ chức tín dụng.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng để quy định khả thi, kiểm soát rủi ro nhưng bảo đảm quyết định nhanh, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tốc độ thông tin trong thời đại kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh mẽ, khắc phục bất cập trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian qua. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về nợ xấu và xử lý nợ xấu; các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm.