Văn hóa

Hoàng thành Thăng LongThắng địa Đế đô giữa lòng Hà Nội

Minh Ngọc 11/02/2024 11:38

Di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) là một phần quan trọng còn lại của Cấm thành và Hoàng thành của Kinh đô Thăng Long - kinh đô lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt, được xây dựng từ năm 1010 và tồn tại đến năm 1789. Đây là trung tâm quyền lực của các vị vua từ triều đại Lý (1010-1225), Trần (1225-1400), Lê sơ (1427-1527), Mạc (1527-1597) và Lê Trung hưng (1597-1789).

hoans-copy.jpg

Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, những ký ức vàng son về Kinh đô Thăng Long chỉ còn lưu lại trong sử sách, tất cả dấu tích vật chất đều đã bị phá hủy, không còn tồn tại trên mặt đất. Từ năm 2002 cho đến nay, các cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích này đã tìm thấy dưới lòng đất nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác và hàng triệu di vật. Đây là những bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long hơn 1.000 năm về trước.

Được xây dựng và tôn tạo bởi nhiều triều đại, khu di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội mang trong mình nhiều giá trị văn hóa đa dạng và đặc thù, là nơi hội tụ, giao thoa với các nền văn hóa lớn ở châu Á.

Thắng địa Đế đô và cuộc thiên đô vĩ đại

Thăng Long – Hà Nội là vùng đất có vượng khí cực thịnh, cổ nhân cho rằng, đây là “đệ nhất đại huyết mạch, đế vương quý địa”. Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ khẳng định, đây là thắng địa, “nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Bia Chiêu Thiền (chùa Láng) năm 1656 ca ngợi, đất Thăng Long “Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc như Thanh Long lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào như Bạch Hổ đàn đàn đến họp”. Thật vậy, Thăng Long có địa thế “núi chầu, sông tụ”, gồm các dãy núi quy tụ, các dòng sông lớn hợp thủy về đây.

Do có được vị thế phong thủy tốt nên cổ nhân luôn tin rằng, vượng khí Thăng Long không bao giờ tắt. Kể từ đó đến nay, Thăng Long xưa và Hà Nội nay tuy có những ngắt quãng nhất định nhưng luôn luôn là kinh đô, là vùng đất đứng đầu của Việt Nam.

Theo sử sách ghi chép lại, sau khi được suy tôn làm hoàng đế năm 1009, vua Lý Thái Tổ sớm nhận thấy “thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp không đủ làm chỗ ở của đế vương” nên có ý dời đô về Kinh Phủ thành Đại La (nay là Hà Nội). Vua tự tay viết “Chiếu dời đô” thuyết phục quần thần: Thành Đại La nơi thắng địa thực là của nước Việt, là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô Kinh Sư mãi muôn đời.

Mùa thu tháng 7/1010, cuộc thiên đô vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam đã diễn ra. Khi Hoàng đế Lý Thái Tổ đến thành Đại La “có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, nhân đó gọi là thành Thăng Long”. Quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long của Lý Thái Tổ là quyết định vĩ đại mang tầm nhìn thiên niên kỷ.

hoangthanh4444.jpg
Thăng Long luôn là kinh đô, là vùng đất đứng đầu của Việt Nam

Trong các tài liệu cổ, trên địa thế của Thăng Long, Lý Thái Tổ đã xây dựng kinh đô theo cấu trúc “tam trùng thành quách”, tức 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau, bao gồm: Đại La thành, vòng thành giữa (Hoàng thành), vòng thành trong (Cấm thành).

Đại La thành

Năm 1014, nhà Lý “đắp thành đất 4 mặt kinh thành” đến năm 1078 thì tu sửa có tên gọi là thành Đại La.

Dấu tích Đại La thành được xác định tương đối. Theo đó, từ cửa Triều Đông (1165) men theo bờ đê Sông Hồng cổ, qua đền Bạch Mã (1678) đến ô Cầu Dền bắt góc về phía Tây men theo sông Kim Ngưu qua Đàn Nam Giao (1154), Đàn Xã Tắc (1048), Xạ Đình (1170) đến cửa Tây Dương (1128) ô Cầu Giấy, tiếp tục theo sông Tô Lịch qua đền Đồng Cổ (1028) về cửa Triều Đông tạo thành một lũy thành khép kín.

Kết quả, các địa điểm Cầu Giấy, Đội Cấn, Đào Tấn và Đê Bưởi đã tìm thấy dấu tích thành Đại La thời Lý được đắp bằng đất sét vàng, chiều cao còn lại hơn 5m, chân thành rộng khoảng trên 20m, đầm nện theo từng lớp bằng kỹ thuật đầm đinh và đầm dẵm hết sức kỹ lưỡng.

Hoàng thành

Thời Lý – Trần gọi là Long thành hay Phượng thành, được đắp năm 1010, có mở 4 cửa: cửa Nam (Đại Hưng môn), cửa Bắc (Diệu Đức môn), cửa Đông (Tường Phù môn), cửa Tây (Quảng Phúc môn). Thời Lê sơ gọi là Hoàng thành.

Hoàng thành là vòng thành giữa bao bọc và bảo vệ Cấm thành. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long, cho xây dựng nhiều cung điện và dựng kho tàng, đắp thành, đào hào, bốn mặt thành mở 4 cửa; phía Đông gọi là cửa Tường Phù, phía Tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía Nam là cửa Đại Hưng; phía Bắc là cửa Diệu Đức. Đó chính là quy mô của Thăng Long thành hay Long Thành, Phượng thành, Long Phượng thành thời Lý – Trần.

Đến thời Lê sơ mới có tên gọi là Hoàng Thành (1434). Năm 1491, vua Lê Thánh Tông cho mở rộng Hoàng thành. Đây là thời kỳ Hoàng thành có phạm vi rộng nhất.

Khảo cổ học đã xác định dấu tích tường Hoàng thành tại đường đê nút giao Văn Cao – Hoàng Hoa Thám có niên đại thời Lê sơ, chiều cao còn lại 5 - 10m, chân thành rộng hơn 20m, mặt bắc giáp sông Tô Lịch có móng tường, đó chính là móng tường xây gạch có nữ tường (tường thấp, ngày xưa xây trên thành, mặt tường lồi lõm, khoét lỗ để bắn, dùng để bảo vệ thành) như trên bản đồ Hồng Đức.

Cấm thành

Cấm thành (Long thành) được xây dựng năm 1029, là vòng thành bao bọc bảo vệ nơi ở và làm việc của vua và hoàng gia. Năm 1028, Lý Thái Tông cho đặt 10 vệ điện tiền cấm quân thay nhau đi tuần bảo vệ cấm thành.

hoangthanh1-1365x725.jpg
Kinh đô được xây dựng theo cấu trúc “tam trùng thành quách”

Sự biến đổi của Hoàng thành Thăng Long qua các triều đại

Theo những tư liệu được cung cấp bởi Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, trong 215 năm tồn tại, nhà Lý đã có 4 đợt quy hoạch và xây dựng Thăng Long, diễn ra trong các năm 1010, 1029, 1203, 1216-1220. Qua các đợt quy hoạch có thể thấy, khu vực Long Trì – Thiên An là trung tâm của cấm thành, nơi tiến hành các nghi lễ quan trọng nhất của kinh đô và Đại Việt thời Lý.

Ngoài khu vực cung điện ở trung tâm, năm 1029 nhà Lý dựng Thái Miếu, năm 1048, vua Lý Thái Thông dựng đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, dựng Văn Miếu (1070), lập trường Quốc Tử Giám (1076), năm 1154 vua Lý Anh Tông cho đắp đàn Viên Khâu ở cửa Nam thành Đại La.

Như vậy, đến năm 1154, kinh thành Thăng Long đã tương đối hoàn thiện về cấu trúc.

Năm 1225-1400, nhà Trần gần như tiếp thu toàn bộ hiện trạng Kinh đô Thăng Long. Ít nhất 3 vòng thành của Thăng Long thời Lý đến thời Trần còn tương đối nguyên vẹn. Đợt xây dựng lớn năm 1230, trong thành dựng cung điện, lầu, các và các nhà lang vũ ở hai bên phía Đông và Tây. Bên tả là cung Thành Từ (nơi Thượng hoàng ở), bên hữu là cung Quan Triều (nơi vua ở). Sau đó, chính sử Việt Nam còn ghi 6 đợt xây dựng khác, trong đó có 2 đợt xây dựng lớn vào năm 1289 và năm 1371.

Tuy đã có nhiều đợt xây dựng, sửa chữa và xuất hiện cung Quan Từ và Thánh Triều, nhưng khu vực chính điện Thiên An – Long Trì vẫn là trung tâm diễn ra nhiều sự kiện lớn.

Năm 1427, cuộc kháng chiến chống quân Minh toàn thắng, anh hùng dân tộc Lê Lợi lên ngôi Hoàng đến, lập ra vương triều Lê sơ, đóng đô tại Thăng Long, quốc hiệu Đại Việt. Nhà Lê Sơ đã có 4 đợt quy hoạch lớn tại Thăng Long, diễn ra vào các đời vua Lê Thái Tổ (1428), Lê Thái Tông (1442), Lê Thánh Tông (1460-1497) và Lê Tương Dực (1510-1516).

Dưới thời vua Lê Thánh Tông và vua Lê Tương Dực, thành Đại La ở phía Bắc và Tây về cơ bản đã được tích hợp vào Hoàng Thành. Ở mặt bắc trên bản đồ Hồng Đức có 2 lớp thành: Lớp ở bên trong được xây dựng vào năm 1490 đời vua Lê Thánh Tông, còn lớp ở bên ngoài sát sông Tô Lịch được xây dựng vào năm 1514-1516 dưới triều vua Lê Tương Dực.

Năm 1588, nhà Mạc cho đắp thêm thành Đại La từ phường Nhật Chiêu qua Hồ Tây, Cầu Dừa, Cầu Dền đến Thanh trì cao hơn thành Thăng Long vài trượng, rộng 25 trượng.

Năm 1749, chúa Trịnh Doanh cho đắp thành Đại Đô trên nền cũ của thành Đại La nhưng đã loại bỏ một phần rộng lớn phía tây hoàng thành. Thành Đại Đô mở 5 cửa An Hoa, Vạn Bảo, Vạn Xuân, Thịnh Quang, Thọ Khang, mỗi cửa đặt 2 ô tả hữu, chia lính tuần phòng túc trực.

Kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực Trung tâm của khu Di sản (khu vực chính điện Kính Thiên), bước đầu làm rõ được một phần các dấu tích kiến trúc Lý – Trần – Lê từ Đoan Môn đến thềm rồng điện Kính Thiên. Đã có thể xác định khá rõ một phần kết cấu không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng gồm: Chính điện Kính Thiên – Đoan Môn – Đan Trì – Ngự Đạo được bao quanh bởi tường vây, hành lang và các cổng ra vào có chiều Đông – Tây.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt tên nước là Đại Nam, đóng đô ở Huế. Thăng Long trở thành Bắc Thành gồm phủ Phụng Thiên, 5 nội trấn và 6 ngoại trấn. Đến năm 1831, vua Minh Mạng đổi là tỉnh thành Hà Nội.

1-jpg-1683336142(1).jpg
Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu nằm cách nền điện Kính Thiên khoảng 100 m về phía tây

Giá trị lịch sử, truyền thống và văn hóa

Với bề dày lịch sử, truyền thống và văn hóa của một trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực kéo dài hơn 1.000 năm, Hoàng thành Thăng Long nhận được sự đánh giá rất cao từ các nhà khoa học, nhà khảo cổ học trong nước và thế giới.

Năm 2010, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long chính thức trở thành Di sản Thế giới thứ 900 được Tổ chức khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng khẳng định giá trị lịch sử nổi bật của khu di tích. Cho đến nay, Hoàng thành Thăng Long vẫn giữ vai trò trung tâm của nước Việt Nam hiện đại, vẫn nằm trong trung tâm chính trị Ba Đình của thủ đô Hà Nội.

Theo đánh giá của các nhà sử học, các di tích phát hiện như một cuốn sách được mở ra, có lớp lang, trật tự. Dưới 4 mét là tầng văn hóa khảo cổ của thành Đại La, thời kỳ tiền Thăng Long. Ở độ sâu 3 mét là tầng văn hóa thời Lý thế kỷ XI-XII, còn lên đến 2 mét là lớp văn hóa thời Trần (thế kỷ XIII). Đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch rất bài bản, khoa học vào thời kỳ hưng thịnh nhất của triều Lý. Các công trình kiến trúc này đều làm bằng gỗ lớn, độ hoành tráng không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á.

Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định, trên thế giới, có nhiều kinh thành có lịch sử trên nghìn năm, nhưng thủ đô một nước hiện nay có bề dày lịch sử với vai trò trung tâm quyền lực gần 13 thế kỷ, trong đó, chiều dài lịch sử nghìn năm gần như liên tục là quốc đô thì rất hiếm. Tính liên tục và lâu dài của một trung tâm quyền lực cho đến ngày nay là đặc điểm và giá trị lịch sử nổi bật của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Uỷ ban Di sản thế giới cũng đánh giá, di tích, di vật tại đây cho thấy quá trình giao thoa văn hoá với những tư tưởng, giá trị có tính toàn cầu như Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thuỷ, mô hình vương thành phương Đông và kiến trúc quân sự phương Tây… Công trình là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hoá người Việt đồng bằng sông Hồng suốt 13 thế kỷ đến tận ngày nay.

co-vat.jpg
Các hiện vật tại phòng trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”

Hoàng thành Thăng Long là điểm đến an toàn, đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của Thủ đô

Hoàng Thành Thăng Long không chỉ là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Đối với những người yêu thích tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống, đây là địa điểm vô cùng thú vị để tận mắt chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm và trải nghiệm không gian một cách chân thực và sống động nhất.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã xây dựng nhiều tour khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc đi cùng các hoạt động đa dạng như: Sưu tầm tư liệu, hiện vật, mở cửa căn hầm Cục Tác chiến; cải tạo cảnh quan khu vực Hậu Lâu, trồng các loại hoa theo mùa để thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh... góp phần bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả giá trị văn hóa hơn 1.000 năm của Thăng Long đến với công chúng.

du-khach.jpg
Di tích Hoàng thành Thăng Long thu hút nhiều du khách đến thăm quan

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, ông Vũ Việt Dũng (59 tuổi), một Việt kiều Đức cho biết: “Tôi rất hứng khởi khi đến thăm quan một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Di sản này đã được bảo tồn và phát huy giá trị đúng hướng, ưu tiên mục tiêu bảo vệ, bảo tồn hơn là khai thác”.

Trong không gian Hoàng thành, du khách có cơ hội trải nghiệm gần hơn với lịch sử khi được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật gắn với các triều đại phong kiến Việt Nam. Chị Olivia McCrindle (28 tuổi), một du khách người Úc chia sẻ: “Tôi cùng chồng đến du lịch Việt Nam và được giới thiệu nơi này khi đặt chân tới thủ đô Hà Nội. Chúng tôi rất ấn tượng với kiến trúc nơi đây, đặc biệt là hiện vật tại phòng trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long”. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với chiếc bát sứ trắng mỏng trang trí hình rồng và chữ Quan, đây là minh chứng cho tài năng và trình độ kỹ thuật công nghệ chế tác đồ sứ của người Việt Nam xưa”.

ae9i8904.jpg
ae9i9490(1).jpg
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long còn là điểm đến yêu thích của thế hệ trẻ đam mê văn hóa, lịch sử

Không chỉ thu hút những du khách, Hoàng thành Thăng Long còn là điểm đến yêu thích của các bạn trẻ đam mê lịch sử và cổ phục Việt. Bắt đầu từ cổng Đoan Môn – cửa dẫn vào Cấm thành, có thể thấy nhiều bạn trẻ diện những bộ trang phục truyền thống của Việt Nam đang say mê chụp ảnh lưu niệm hoặc kỷ yếu.
Bạn Nguyễn Trang (sinh năm 2006), học sinh trường THPT Lomonoxop chia sẻ: “Khi đến tham quan những công trình di sản kiến trúc như Hoàng thành Thăng Long, em cảm thấy như được mở mang kiến thức và tự hào hơn về lịch sử đất nước. Hôm nay, lớp em chọn Hoàng thành là địa điểm để chụp kỷ yếu, vì nơi đây phù hợp với concept trang phục mà chúng em yêu thích là Việt phục. Chúng em cũng thích chia sẻ những hình ảnh này lên mạng xã hội để có thể lan tỏa lòng yêu nước, niềm tự hào của giới trẻ đối với lịch sử ngàn năm văn hiến”.

Nhờ các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di sản được đẩy mạnh; các cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan; các hoạt động nghiên cứu khoa học có được kết quả tốt..., di sản Hoàng thành Thăng Long hiện là điểm đến an toàn, đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của Thủ đô.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàng thành Thăng Long Thắng địa Đế đô giữa lòng Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO