(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đời sống của người dân, gần gũi với nhân dân. Có gần dân mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời thấy rõ đời sống sinh hoạt của người dân là như thế nào. Từ đó mới nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn, xây dựng một xã hội no ấm, một đất nước phần thịnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Ảnh tư liệu |
Theo bộ sách “Thư ký Bác Hồ kể chuyện” (Vũ Kỳ - NXB Kim Đồng), Xuân Bính Tuất năm 1946 - mùa xuân độc lập đầu tiên tràn đầy tin yêu hy vọng - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến “vi hành” đáng nhớ.
Vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa, vị Chủ tịch nước xắn quần, bước thấp bước cao đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng... để được chính mắt nhìn thấy cảnh Tết nghèo của bà con lao động Hà Nội mới vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến. Trong chuyến “vi hành” đêm Ba mươi Tết của mùa Xuân độc lập đầu tiên đó, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô “Tết mà không có Tết” ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết.
Cũng đêm Ba mươi Tết Bính Tuất đó, đúng giờ giao thừa, khi Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) truyền khắp đất nước lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chính Người lại đang vui Xuân cùng nhân dân ở đền Ngọc Sơn, trong vai một cụ già cùng cháu đi hái lộc.
Tối Ba mươi Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Gần đến giao thừa rồi mà chị Tín vẫn còn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đưa con của mình. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất. Bác vào nhà thăm hỏi năm mẹ con chị Tín (chồng chị Tín là một công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đã mất cách đó bốn năm. Còn chị thì cho đến lúc đó vẫn chưa có việc làm ổn định). Gọi là nhà nhưng đâu có phải là nhà mà là một cái chái như một túp lều. Cảnh nghèo của gia đình đã hiện ra trước mắt Bác. Trên cái bàn gỗ mục chỉ có một nải chuối xanh và một nén hương. Bốn đứa nhỏ, đứa lớn nhất mới 10 tuổi đang ngồi trên chiếc giường chia nhau 1 gói kẹo. Bác đã nói với những người phục vụ, bảo vệ đi cùng về nỗi lòng mình: Đúng là Ba mươi Tết mà không có Tết. Vậy còn bao nhiêu gia đình như thế này ở khắp mọi miền đất nước? Cứ ngồi nghe báo cáo thì đâu cũng là no ấm, tươi vui…
Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện Bác nói: Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương đã quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, Chính quyền quan liêu thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”.
Và cứ thế, như thành lệ, tết năm nào, Bác cũng có những chuyến “vi hành” của mình, bất ngờ và bí mật. Chiều mùng hai Tết năm 1961, Bác đến Văn Miếu dự buổi bình thơ Xuân của các cụ. Mùng hai Tết năm 1962, Bác đến thăm các cháu học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Chiều 29 Tết năm 1963, Bác cải trang thành một cụ già theo cháu đi chợ hoa và chợ Đồng Xuân...
Đối với Bác, việc đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sỹ là một lẽ tự nhiên bởi Người luôn quan niệm nước Việt Nam là đại gia đình của Người. Người về với nhân dân cũng là về với gia đình ruột thịt của mình. Không chỉ có vậy, Bác còn luôn xác định việc đón Tết cùng với đồng bào sẽ là cơ hội tốt để Người tận mắt chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn cũng như trực tiếp lắng nghe những tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng của nhân dân trước thềm năm mới.
Lấy dân làm gốc, gần dân để hiểu dân là điều mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã luôn gương mẫu thực hiện trong suốt cuộc đời cách mạng giản dị của Người.