(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tấm lòng yêu trẻ, kính già, tôn trọng phụ nữ và tin tưởng thanh niên. Người là đại diện nhân cách vĩ đại để hậu thế học tập, noi theo.
Yêu trẻ
Đối với thiếu niên, nhi đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tình cảm yêu thương đặc biệt. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Và các em có hiểu vì sao/ Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào/ Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ…” (“Theo chân Bác”, 1/1970).
Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (1948) của tác giả Trần Dân Tiên đã viết lại những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng kiến về đời sống của thiếu nhi ở Liên Xô khi Người đặt chân lên đất nước này. Cuốn sách viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu trẻ em nên Người nghiên cứu kỹ đời sống thiếu nhi ở Liên Xô. Thiên đường của thiếu nhi này khiến Người nhớ đến thiếu nhi Việt Nam. Người cũng muốn thiếu nhi Việt Nam “sung sướng, mạnh khỏe như những trẻ em Nga”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên Thủ đô Hà Nội. Ảnh: tư liệu lịch sử |
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Thị trưởng thành phố Paris mở tiệc long trọng thiết đãi Người. Khi ra về, Người lấy trên bàn một quả táo bỏ vào túi. Mọi người ngạc nhiên, tò mò trước cử chỉ ấy của Người. Ra đến cửa, Người nhìn thấy rất đông bà con Việt Kiều và người Pháp đứng đón mừng Người. Trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Người tiến lại gần, giơ tay bế cháu bé. Lúc ấy, Người rút trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé. Mẹ cháu bé và những người cùng đi rất cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của Người. Ngày hôm sau, câu chuyện “quả táo của Bác Hồ” đều được các báo Pháp đăng lên đầu trang nhất.
Trên Báo Nhân dân, số 75, ngày 25/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi các cháu nhi đồng ở vùng tự do, vùng du kích, vùng tạm bị chiếm và ở ngoài nước rằng: “Mục đích của Bác và Đoàn thể cùng Chính phủ là cốt xây dựng cho các cháu đời sống thái bình, tự do, sung sướng”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Kính già
Trong tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của người cao tuổi. Trong thư Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão ngày 6/6/1941, Người viết: “Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất, phụ lão cứu. Đất nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”[2]. Người nhận định: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào đầu bọn hung ác. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người cao tuổi Thủ đô Hà Nội. Ảnh: tư liệu lịch sử |
Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò của người cao tuổi: “Tuổi già nhưng chí không già/ Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”[4].
Tôn trọng phụ nữ
Từ việc nhận ra vai trò của người phụ nữ trong công cuộc giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhận ra rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì cần phải giải phóng hoàn toàn người phụ nữ. Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 – quê hương của chị Hai Năm tấn, Người đã căn dặn: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”[5].
Đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của người phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”[6].
Tháng 5/1968, trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[7].
Bà Hoàng Thị Ái – Bí thư Phụ nữ cứu quốc, Bí thư Đảng đoàn, Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa I, II, III nhớ lại: Chủ tịch Hồ Chí Minh hay hỏi các đồng chí trong Đảng đoàn về tình hình công tác phụ nữ... và cả về tình hình sức khỏe, tình hình gia đình từng người. Người nhìn chúng tôi như mẹ nhìn con. Một số chị em không khỏe lắm, Người rất thương. Người hỏi chị em nỗi lo lắng về công việc và cả hoàn cảnh riêng của mình… Người căn dặn: “Các cô cố gắng, các cô chú ý giữ gìn sức khỏe, còn công tác thì có Đảng giúp”.
Tin tưởng thanh niên
Tháng 6/1925, tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Người còn ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Người còn lựa chọn và giới thiệu nhiều thanh niên Việt Nam ưu tú sang học tại Trường Đại học Cộng sản của những lao động Phương Đông tại Liên Xô như các đồng chí Trần Phú (sau này là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng), Lê Hồng Phong (Tổng Bí thư thứ hai của Đảng), Hà Huy Tập (Tổng Bí thư thứ ba của Đảng), Nguyễn Thị Minh Khai (Uỷ viên Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn)…
Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm vai trò của thanh niên trong các nhiệm vụ to lớn? Vào ngày 12/8/1947, trong “Thư gửi các bạn thanh niên”, Người chỉ rõ: “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”[8]. Trong bài viết “Nhiệm vụ của thanh niên ta” (Báo Nhân Dân ngày 20/12/1955), Người nhận định: “Tính trung bình thanh niên chiếm độ 1 phần 3 tổng số nhân dân – tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi gắm: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[9].
[1] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 60
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 232
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 232
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 338
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.195.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 97
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 617
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 185
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,.2011, tr. 622