Sáng ngày 25/12, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo UBND tỉnh với Hội viên, Nông dân tỉnh An Giang năm 2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết, hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh với Hội viên, Nông dân tỉnh An Giang năm 2024, nhằm mục đích chủ động lắng nghe tâm tư lo lắng trăn trở từ hội viên nông dân – lực lượng trực tiếp sản xuất hàng hóa nông sản thiết yếu cho xã hội, qua đó nghiên cứu các nội dung khó khăn, vướng mắc để trả lời đối thoại với đại biểu tại Hội nghị nhằm tháo gỡ để chính sách nhà nước đi vào cuộc sống.
Tại Hội nghị đối thoại, đại diện của chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân giỏi, tổ hợp tác, hợp tác xã đã nêu lên các nội dung về quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh và an sinh chăm lo phúc lợi xã hội cho người dân.
Đáng chú ý, doanh nghiệp và hợp tác xã đề xuất vay vốn dài hạn để đầu tư kho, silo chứa lúa gạo; nông dân mong nhà nước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, áp dụng công nghệ mới thực hiện đúng quy trình sản xuất theo Đề án...
Giải đáp đề xuất của đại biểu trong hội nghị đối thoại, ngành nông nghiệp tỉnh đã thông tin với đại biểu xác định tiểu vùng chuyên canh đủ điều kiện tham gia chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo trên địa bàn.
Theo đó, An Giang đang tập trung triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao). Với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, các sở, ngành tỉnh và địa phương, quá trình triển khai đề án đã có những bước tiến tích cực.
Cụ thể, ngành nông nghiệp đã thực hiện 22 mô hình theo quy trình sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao trên toàn tỉnh, với diện tích 1.117ha, chiếm 5,42% diện tích kế hoạch của năm. Trong đó, có 18 mô hình thực hiện theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, với diện tích 900ha; 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với diện tích 52ha. Ngoài ra, còn có các mô hình khác thực hiện theo một trong các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, với diện tích 165ha.
Nhằm tiếp tục thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có hiệu quả, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ, bộ, ngành rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo, như: Đất đai, thuế, tín dụng… để thuận lợi tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với hợp tác xã, nông dân.
Bên cạnh đó, nhằm để nắm rõ tình hình thực hiện nguồn vốn tín dụng của ngành Ngân hàng trên địa bàn đã đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân một cách bao quát và sâu rộng; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang cung cấp thông tin hoạt động cho vay vốn lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ngành Ngân hàng An Giang đã thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung và cho vay lĩnh vực lúa gạo nói riêng, kết quả cụ thể như sau:
Dư nợ cho vay tín dụng trên địa bàn 3 năm (2022 -2024) cho thấy, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP tăng qua các năm lần lượt, như sau: đạt 59.732 tỷ đồng (năm 2022); 68.709 tỷ đồng (2023) và 76.679 tỷ đồng (2024). Tỷ lệ tăng đều qua 3 năm lần lượt là (15,03%; 11,60%) .
Đáng chú ý, ngành Ngân hàng An Giang đã đẩy mạnh các chính sách cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn. Kết quả: dư nợ cho vay phục vụ ngành lúa gạo tăng mạnh qua 3 năm, từ 14.494 tỷ đồng (2022), tăng lên 16.625 tỷ đồng (2023) và tiếp tục đạt 19.265 tỷ đồng, tăng 15,88% sau 11 tháng năm 2024. Trong đó:
Dư nợ phục vụ trồng lúa tăng mạnh trong năm 2023 và giảm nhẹ trong trong tháng 11/2024 do An Giang vào mua thu hoạch vụ Thu Đông nên nông dân có xu hướng trả nợ vay, chuẩn bị hồ sơ vay mới cho vụ tiếp theo. Dự kiến dư nợ sẽ tăng trong tháng 12/2024. Tương tự, dư nợ phục vụ thu mua tiêu thụ lúa gạo và cho vay phục vụ chế biến bảo quản lúa gạo tăng mạnh qua các năm.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, ngành Ngân hàng An Giang đã nỗ lực đáp ứng đầy đủ vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến, thu mua chế biến xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh (lúa/gạo; rau màu, trái cây,...). Trong khi đó, vốn huy động tại chỗ trên địa bàn chỉ đáp ứng được khoảng 59%. Phần chêch lệch thiếu các ngân hàng đã phải mua vốn từ hội sở chính điều chuyển về.
Tóm lại, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trong những năm qua luôn chiếm tỷ lệ cao và tăng dần qua các năm, cụ thể: năm 2022, tỷ lệ chiếm 58%; năm 2023 chiếm 61% và năm 2024 chiếm đến 63,24% tổng dư nợ toàn địa bàn. Điều này minh chứng sự đóng góp tích cực của việc cho vay vào phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, khôi phục ngành nghề truyền thống, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm,...
Đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Agribank được Ngân hàng Nhà nước giao là ngân hàng chủ lực cho vay, trong giai đoạn thí điểm từ nay đến cuối năm 2025, nhằm thực hiện tốt Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Agribank dành 30.000 tỷ đồng cho Đề án và nếu nhu cầu vốn trên thực tế có lớn hơn thì sẽ tiếp tục tăng cường thêm. Nông dân trong vùng thực hiện Đề án được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn tối thiểu 01%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm bên ngoài mô hình. Agribank cũng tiếp tục cho nông dân, doanh nghiệp vay các nguồn vốn ưu đãi lãi suất thuộc các chương trình chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Hiện nay, ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, đến nay, dư nợ tín dụng đạt 18.553 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 80% dư nợ, đứng đầu toàn tỉnh về dư nợ cho vay. đơn vị cam kết và bảo đảm thực hiện nguồn vốn luôn luôn đáp ứng đủ cho triển khai Đề án.
Agribank chi nhánh tỉnh An Giang có nhiều sản phẩm tín dụng ưu đãi về lãi suất và thời hạn cho vay linh hoạt phù hợp với từng nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Để thúc đẩy tín dụng cho lúa, gạo chủ lực của tỉnh An Giang không đơn thuần là cho vay vốn từng sản phẩm, mà phải đầu tư cho những dự án mang tính chuỗi. Ví dụ mua nguyên liệu thì vốn ngắn hạn, nhưng đầu tư cho máy móc, thiết bị thì cần vốn dài hạn, nên chúng ta phải tính tổng thể nhu cầu vốn của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, hiện đang thiếu định chế phát triển bảo hiểm rủi ro cho tín dụng nông nghiệp; chưa kể, vay vốn hiện nay phần lớn là dựa trên yếu tố tài sản thế chấp. Với ngân hàng thì rủi ro cao, lãi suất càng cao nhưng nông nghiệp thì cần vay với lãi suất thấp, nên cần gỡ nút thắt này. Ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn, nhưng điều kiện là phải giảm được rủi ro.