Dù tiêu thụ rộng rãi qua kênh bán trực tiếp, lẫn thương mại điện tử, song nhiều chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh Kiên Giang đang “khát” vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư mở rộng quy mô, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Nắm bắt được nhu cầu vốn tín dụng của các cơ sở chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn, ngành Ngân hàng tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh “tiếp sức” vốn tín dụng ngân hàng cho chủ thể OCOP.
Đáng chú ý, sau 4 năm triển khai sản phẩm OCOP, Kiên Giang hiện có 269 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 - 5 sao của 136 chủ thể. Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm từ thực phẩm và được xem là các đặc sản nổi tiếng của tỉnh Kiên Giang như nước mắm, thủy, hải sản khô, khóm sấy, gạo lúa mùa... Qua tổng hợp của Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, có 37 chủ thể OCOP đề xuất được các ngân hàng hỗ trợ vay vốn từ 50 triệu đồng đến 10 tỉ đồng để làm vốn lưu động cũng như tập trung cho việc đầu tư cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang, tuy chưa có sản phẩm cho vay dành riêng đối với sản phẩm OCOP, nhưng đơn vị vẫn áp dụng chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định số 74/2019/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NÐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm để cho các chủ thể OCOP vay phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Theo ông Thịnh, một dự án có thể cho vay tối đa 2 tỷ đồng, 1 cơ sở có thể lập nhiều dự án nhưng phải bảo đảm tiền vay. Một điều kiện bắt buộc nữa đó là cơ sở phải thu hút được lao động giải quyết việc làm, sử dụng 1 lao động cơ sở được vay tối đa 100 triệu đồng.
Ðể gỡ khó cho các chủ thể OCOP, mới đây, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang tổ chức hội thảo bàn giải pháp hỗ trợ mô hình, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Qua 10 lượt ý kiến trong tổng số 37 chủ thể OCOP về dự hội thảo đều có đề xuất được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng. Tại hội thảo, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Kiên Giang và Agribank chi nhánh Kiên Giang II đã ký thỏa thuận hỗ trợ cho vay tổng số 7 tỉ đồng đối với 2 chủ thể sản phẩm OCOP gồm tôm cán cay Thái Thủy (TP Rạch Giá) và bánh cốm gạo BiBo (Vĩnh Thuận).
Với vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hiện Agribank có chương trình cho vay đối với khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có quy mô chương trình 2.000 tỷ đồng. Ðối tượng khách hàng là khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, lãi suất cho vay ngắn hạn, trung, dài hạn đối với sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao thấp hơn tối đa từ 1% - 2%/năm.
Ông Lê Tánh Thật, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Kiên Giang II, chia sẻ: “Vừa qua đơn vị đã tiếp cận được 8 khách hàng chủ thể OCOP. Khó khăn của các chủ thể OCOP trong tiếp cận vốn là chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn như tài sản thế chấp bị vướng, chưa đủ điều kiện về uy tín… Nói như vậy, không có nghĩa là khó khăn không tháo gỡ được. Các chủ thể OCOP nếu có khó khăn, vướng mắc về thủ tục vay vốn nên liên hệ trực tiếp với các chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank theo địa bàn. Chẳng hạn chủ thể OCOP ở huyện nào thì tiếp cận theo chi nhánh, phòng giao dịch Agribank ở huyện đó để được tư vấn cụ thể hơn”.