Hoạt động ngân hàng

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2024

Ngô Hải 08/01/2024 14:49

Năm 2023 vừa qua, ngành Ngân hàng đã nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành… qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

thu-tuong-3.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Huy Hoàng

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng ngày 8/1. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở NHNN Việt Nam ở Hà Nội với các chi nhánh NHNN tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Cùng tham dự hội nghị, có: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng: Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải…; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện các đoàn đại biểu Quốc hội; lãnh đạo UBND các tỉnh…

Về phía ngành Ngân hàng có: Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; các Phó Thống đốc; lãnh đạo các đơn vị/vụ/cục thuộc NHNN; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức tín dụng (TCTD)...

toancanh-01.jpg
Quang cảnh hội nghị

Vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm, giá cả hàng hóa cơ bản biến động mạnh, xung đột địa chính trị; ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm....

Dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời nhận định tình hình, đề ra các chủ trương, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp.

thongdoc.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc hội nghị

Kết thúc năm 2023, về cơ bản ngành Ngân hàng đã đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra, đó là: góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ, ngoại hối về cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức lãi suất trước dịch COVID-19; VND là 1 trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới, năm 2023 VND mất giá khoảng 2,9%; an toàn hoạt động ngân hàng được đảm bảo, các nội dung chuyển đổi số đạt các chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng…

Cụ thể hơn, tại báo cáo của Ngân hàng Nhà nước được trình bày tại hội nghị cho đã chỉ ra 7 điểm nổi bật trong kết quả chung của ngành Ngân hàng năm 2023, đó là:

Thứ nhất, điều hành CSTT đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2-3,4%. Hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và NHNN đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Thứ hai, liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của NHTM giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022.

Thứ ba, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Thứ tư, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ, đến ngày 31/12/2023, tín dụng tăng 13,71% so với cuối năm 2022.

Thứ năm, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Thứ sáu, các chỉ số TTKDTM tăng trưởng khả quan; năm 2023, số lượng giao dịch TTKDTM tăng từ 50,3 - 99,1%, giá trị tăng từ 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán; ngành Ngân hàng cũng là ngành tiên phong trong chuyển đổi số; nhiều sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng đã được số hóa, trong đó nhiều nghiệp vụ đã số hoá 100%, góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng…

Thứ bảy, hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

bo-nn-ptnt.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao các kết quả ngành Ngân hàng đạt được trong năm 2023

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao các kết quả ngành Ngân hàng đạt được trong năm 2023. Nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng đã góp phần giúp người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vượt qua khó khăn. Bước sang năm 2024, Bộ trưởng kỳ vọng sự phối hợp giữa ngành Ngân hàng và ngành nông nghiệp tiếp tục được bền chặt, giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó có những đóng góp quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế vĩ mô.

5 mục tiêu và nhiệm vụ cho hoạt động của ngân hàng trong năm 2024

Bước sang năm 2024, NHNN dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng đã ban hành những định hướng cụ thể để vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra.

daominhtu(1).jpg
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú trình bày báo cáo về “Chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ngân hàng năm 2024”

Trong báo cáo về “Chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ngân hàng năm 2024” được Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nêu tại hội nghị đã chỉ ra 5 mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát cho hoạt động của NHNN trong năm 2024, gồm:

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu khoảng 6-6,5%.

Thứ hai, điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; đổi mới cơ chế điều hành mức tăng trưởng tín dụng.

Thứ ba, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các TCTD yếu kém) dưới 3%.

Thứ tư, tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng. Tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.

Tiếp tục chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

vietinbank.jpg
Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, ổn định đồng tiền, kiểm soát lạm phát, duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Dự báo kinh tế vĩ mô năm 2024 sẽ còn nhiều thách thức, do đó, để việc tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế đạt mục tiêu đề ra, ông Trần Minh Bình kiến nghị, song song với các giải pháp của ngành Ngân hàng, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, phối hợp Bộ Tư pháp để sửa đổi, bổ sung rút gọn thủ tục phê duyệt dự án đầu tư bất động sản; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các vướng mắc trong phê duyệt, trình phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các NHTM Nhà nước tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính.

agribank.jpg
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn phát biểu tại hội nghị

Còn theo Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn, để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng, mà mấu chốt là việc tăng cường chính sách tài khoá, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, từ đó sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh như giảm, miễn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất đồng hành cùng các tổ chức tín dụng…. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cơ chế cụ thể để Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa vào kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại thực hiện chính sách này. “Hiện nay, Agribank vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009 - 2010 nhưng vẫn chưa được bố trí ngân sách cấp bù”, ông Phạm Đức Ấn cho biết.

Chủ tịch HĐTV Agribank cũng đề nghị NHNN cần sớm sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi, việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ.

bidv.jpg
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, theo thống kê đã có trên 96% NHTM đã và đang xây dựng Chiến lược chuyển đổi số

Phát biểu về chủ đề phát triển bền vững và chuyển đổi số ngân hàng, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, NHNN đã ban hành nhiều chính sách chương trình hành động và đang tích cực đi đầu trong ứng dụng CNTT và chuyển đổi số Quốc gia. Bản thân các TCTD cũng ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, đến nay, theo thống kê đã có trên 96% NHTM đã và đang xây dựng Chiến lược chuyển đổi số.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn nữa, góp phần phục vụ tốt hơn các nhu cầu của người dân, Chủ tịch HĐQT BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng số (viễn thông, mạng Internet, kết nối 5G); ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách nền tảng pháp lý số (quy định về chia sẻ thông tin, về dữ liệu; xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực Ngân hàng…); đẩy nhanh việc ban hành các quy định hướng dẫn (đặc biệt là Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dung tiền mặt) tạo điều kiện cho các NHTM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái phục vụ nhu cầu của khách hàng...

mb.jpg
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB kiến nghị, Chính phủ và NHNN tiếp tục kiên định với các mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực thi chính sách tiền tệ chủ động

Nhận định năm 2024 nền kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức từ xung đột chính trị, lạm phát cao tại thị trường đối tác chủ chốt, trong nước đối mặt với nhiều vấn đề về tháo gỡ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính, bảo hiểm, để vượt qua những khó khăn, thách thức này, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB kiến nghị, Chính phủ và NHNN tiếp tục kiên định với các mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực thi chính sách tiền tệ chủ động; điều hành linh hoạt, thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững.

citibank-viet-nam.jpg
Ông Ramachandran As, Ngân hàng Citibank Việt Nam cho biết, Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài rất lạc quan khi đưa ra dự đoán về những cơ hội và thách thức trong năm tới

Đại diện cho Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài (BWG), ông Ramachandran As, Ngân hàng Citibank Việt Nam cho biết, Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài rất lạc quan khi đưa ra dự đoán về những cơ hội và thách thức trong năm tới. Đồng thời, đánh giá cao việc Chính phủ và NHNN tiếp tục nỗ lực và quyết tâm chỉ đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.

“BWG cam kết đóng góp những công nghệ tiên tiến, an toàn nhất, cùng việc chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam vững mạnh, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước”, ông Ramachandran As bày tỏ.

Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong năm 2023, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước trong bối cảnh tình hình gặp nhiều khó khăn, thách thức.

toancanh-03.jpg
Quang cảnh hội nghị

Nhấn mạnh những kết quả nổi bật của hoạt động ngân hàng năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, NHNN đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời và phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; góp phần tham mưu chuyển hướng chính sách kịp thời, từ "chặt chẽ" sang "nới lỏng, linh hoạt". Giá trị đồng tiền Việt Nam được giữ ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Đây là những kết quả tích cực giúp cho nền kinh tế nước ta tiếp tục được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao.

NHNN đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng nhiều giải pháp, chính sách cụ thể. Nổi bật là thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm liên tục các mức lãi suất điều hành; quyết liệt điều hành tăng trưởng tín dụng trong quý IV và cuối năm 2023, đến ngày 31/12/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 13,71% so với cuối năm 2022.

Đáng chú ý, năm 2023, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng. Điều này cho thấy thu nhập của người dân được cải thiện và sự tin tưởng của người dân vào Đảng, Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Đây là nguồn lực lớn để phát triển đất nước.

Qua phát biểu, Thủ tướng biểu cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng. Theo Thủ tướng, một số tổ chức tín dụng đã phát triển rất nhanh, được các đối tác quốc tế đánh giá cao và muốn mua cổ phần…. "Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng đã góp phần làm nên thành tích chung của ngành Ngân hàng, qua đó đóng góp chung cho thành tựu của đất nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương.

Về định hướng điều hành trong năm 2024, Thủ tướng cho biết, năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.

Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng, tiếp tục quán triệt "5 quyết tâm" mà Chính phủ đã xác định trong năm 2023 (quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; quyết tâm không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật; quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt kết quả tốt nhất trong năm 2024).

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu, NHNN và toàn ngành Ngân hàng cần bám sát các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho ngành Ngân hàng, như: tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025"; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt; tập trung rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hoạt động tiền tệ, ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững; đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính…

Cảm ơn những ý kiến phát biểu toàn diện, sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ phạm Minh Chính tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là nguồn động viên to lớn để ngành Ngân hàng vượt qua năm 2024 được dự báo nhiều khó khăn, thách thức. “Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN nghiêm túc tiếp thu các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành Ngân hàng xin hứa sẽ nỗ lực phát huy các kết quả đạt được để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO