Hội thảo – Triển lãm Korea ICT Day 2019: Chiến lược đổi mới số trong bối cảnh lấy khách hàng làm trung tâm

Thanh Hương| 03/10/2019 21:45
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 3/10/2019, Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Hàn Quốc và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo – Triển lãm công nghệ thông tin Hàn Quốc 2019 (Korea ICD Day 2019). Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN lần thứ 4”.

Hội thảo – Triển lãm Korea ICT Day 2019 là sự kiện được tổ chức thường niên, để cập nhật, trao đổi và chia sẻ về các xu hướng, giải pháp công nghệ hiện đại được áp dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đồng thời nhằm tăng cường thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam. Chủ đề Hội thảo năm nay là “Chiến lược đổi mới số trong bối cảnh lấy khách hàng làm trung tâm”.

TS. Lee Hong Gu - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Phần mềm Hàn Quốc phát biểu khai mạc hội thảo

TS. Lee Hong Gu - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Phần mềm Hàn Quốc cho biết, năm nay là năm thứ 7 Ngày hội ICT Hàn Quốc được tổ chức kể từ năm 2013. TS. Lee cho rằng, với những dấu ấn trong tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt bình quân trên 6% cùng quy mô vốn ngày càng được mở rộng, Việt Nam đang cho thấy cần thiết phải tiến hành các cải cách trong hệ thống tín dụng. Theo đó, sự kiện Korea ICT Day được tổ chức thường niên nhằm cung cấp các giải pháp giúp xây dựng các chiến lược cụ thể và kế hoạch cần thiết cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng thông qua liên tục giới thiệu các sản phẩm xuất sắc và các trường hợp ứng dụng tiêu biểu của các doanh nghiệp phần mềm của Hàn Quốc, từ đó góp phần công sức vào công cuộc cải cách thị trường tín dụng của Việt Nam.

TS. Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu chào mừng sự kiện

Phát biểu chào mừng sự kiện, TS. Nguyễn Toàn Thắng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, trong những năm gần đây, xu thế đổi mới công nghệ và chuyển đổi số đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam, có những tác động lớn mang tính đột phá tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong đó có ngành tài chính - ngân hàng. Có thể nói, áp lực từ tiến trình chuyển đổi số ngày càng gia tăng, đòi hỏi những quyết định mang tính chiến lược của các doanh nghiệp nói chung, các ngân hàng nói riêng để đi tiên phong trên lộ trình đổi mới công nghệ, số hóa và điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp hơn với xu thế và đòi hỏi của khách hàng.

Vì vậy, “việc hoạch định một chiến lược số hóa phù hợp, có trọng tâm và mục tiêu cụ thể sẽ giúp đảm bảo tính hiệu quả và sự thành công trong tiến trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, ngân hàng” – ông Thắng nói. 

Theo đó, chiến lược đổi mới công nghệ, chuyển đổi số của các ngân hàng cần hướng mạnh đến khách hàng. Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm mới, các doanh nghiệp, ngân hàng đang tìm cách tạo ra những giải pháp tốt để giải quyết các vấn đề cụ thể đặt ra trong quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, nhằm đảm bảo mang lại cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, tiện lợi, dễ sử dụng và an toàn.

Các giải pháp giúp ngân hàng thực hiện quá trình số hóa, đem lại sự tiện lợi, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng

Ông Henry Jung – Giám đốc điều hành Công ty Korea Identification, chuyên cung cấp các hệ thống nhận diện khuôn mặt chia sẻ, để phát triển tệp khách hàng, ngân hàng thường phải thực hiện qua hai cách: một là, tăng lãi suất huy động/giảm lãi suất cho vay; hai là, giảm khoảng cách tiếp cận dịch vụ thông qua tăng cường tiếp cận khách hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận dịch vụ mà không cần đến ngân hàng. Sự phát triển của công nghệ số đã hỗ trợ các ngân hàng rất nhiều trong việc tiếp cận cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Ông Jung lấy ví dụ về trường hợp của Kakao Bank – ngân hàng số của Hàn Quốc không hề mở chi nhánh nào song trong 2 năm qua nhưng đã có hàng chục triệu khách hàng nhờ việc áp dụng công nghệ thông minh đối với khách hàng của mình như triển khai mở tài khoản khách hàng phi trực diện cũng như sử dụng chính sách lãi suất huy động cao hơn mặt bằng chung…

Ông Jung cũng gợi ý về phương pháp xác thực điện tử (eKYC) khi mở tài khoản khách hàng có thể áp dụng tại Việt Nam, theo đó, thủ tục xác thực eKYC áp dụng đối với khách hàng mở tài khoản qua điện thoại di động có thể thực hiện theo 5 bước (khi đã cung cấp các thông tin cơ bản như tên, địa chỉ, số điện thoại): 1/gửi bản sao Giấy chứng minh nhân dân/nhận dạng; 2/ Chiết xuất thông tin và lưu giữ (ngày cấp, hình ảnh khuôn mặt, dấu vân tay); 3/Chụp ảnh bằng điện thoại; 4/So sánh hình ảnh 2 khuôn mặt; 5/Thực hiện cuộc gọi để xác thực qua 2 kênh: khách hàng và người bảo lãnh.

Xác thực phi chạm bằng dấu vân tay và dấu lòng bàn tay là giải pháp công nghệ sinh trắc học không chạm cho thiết bị di động được ông Kevin Kim, Giám đốc kinh doanh quốc tế Công ty Winning.I giới thiệu.Giải pháp này sử dụng được trên cả hai hệ điều hành IOS và Android và dùng camera sau của điện thoại ghi lại đường nét của vân ngón tay và lòng bàn tay, công nghệ đa bảo mật và chống sao chép, lợi thế hơn hẳn hình thức chạm sử dụng cảm biến dễ bị trục trặc khi tay ẩm ướt và cho hình ảnh vân tay không rõ trong một số trường hợp.

Trình bày về giải pháp nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng thông qua chatbot, ông Bùi Việt Phong – Giám đốc điều hành BlueCap System VietNam đưa ra ứng dụng phát triển robot tư vấn với Bulebot. Giải pháp giúp tăng chất lượng và hiệu quả công tác chăm sóc khách hàng, hỗ trợ khách hàng 24/7. Điểm đặc biệt của giải pháp là dựa trên các từ khóa và khoảng cách âm/từ để tính toán, phân tích từ đó chọn ra câu trả lời (chứ không dựa vào ngữ điệu hay từ tiếng Việt vốn rất phức tạp để xử lý vì nhiều từ đồng âm, khác nghĩa…); dùng thuật toán xử lý AI và có các phần đào tạo cho robot.

Liên quan đến vấn đề bảo mật, ông Yoo Sang Yuhl – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành MCloudoc trình bày giải pháp ngăn ngừa lộ lọt thông tin cá nhân của khách hàng với giải pháp dữ liệu tập trung mcloudoc; ông Lê Minh Quang – Chủ tịch, Giám đốc điều hành ViasCope trình bày giải pháp có tên gọi IPScan NAC cung cấp giám sát mạng và thực hiện kiểm tra tuân thủ liên tục để đảm bảo tất cả các thiết bị được kết nối tự động được xác định, phân loại, ủy quyền và kiểm soát truy cập dựa trên chính sách của đơn vị.

Ông Kim Jae Sam – Giám đốc tư vấn khu vực Đông Nam Á của TmaxSoft giới thiệu các phần mềm, phần mềm trung gian và công nghệ RDBMS của công ty giúp tối ưu hóa hạ tầng cơ sở dữ liệu trong môi trường đám mây riêng.

Các bài trình bày của các diễn giả đã cập nhật các xu hướng, giải pháp công nghệ đang được ứng dụng trong hệ thống ngân hàng Hàn Quốc, được đánh giá là có giá trị tham khảo và khả thi cao cho các ngân hàng Việt Nam, có thể hỗ trợ quá trình số hóa ngân hàng Việt Nam đạt hiệu quả và thành công.

Các đại biểu tham dự hội thảo

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo – Triển lãm Korea ICT Day 2019: Chiến lược đổi mới số trong bối cảnh lấy khách hàng làm trung tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO