Trong hai tháng đầu năm có 41.097 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu Cục Quản lý đăng ký kinh doanh vừa công bố trong hai tháng đầu năm có 41.097 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng năm 2024 là 22.128 doanh nghiệp, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký thành lập trong 2 tháng năm 2024 đạt 218.713 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Và tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng năm 2022 là 154.327 lao động, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 2/2024, cả nước có 8.592 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,8% so với cùng kỳ. Số vốn đăng ký là 67.262 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 50.888 người, tăng 2,6% về vốn đăng ký nhưng giảm 0,3% về số lao động đăng ký so với cùng kỳ.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng năm 2024 là 519.595 tỷ đồng (giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 218.713 tỷ đồng (tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 300.882 tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023).
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 2 tháng năm 2024 đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong hai tháng đầu năm, doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) với 20.308 doanh nghiệp (chiếm 91,8%, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 16.633 doanh nghiệp, chiếm 75,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% so với năm ngoái.
Trong khi đó, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có thêm 5.259 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2023. Còn khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 236 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới tăng, trong hai tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 4,4% so với cùng kỳ, đạt 18.969 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 11/17 lĩnh vực. Cụ thể: Kinh doanh bất động sản (843 doanh nghiệp, tăng 38,7%); thông tin và truyền thông (449 doanh nghiệp, tăng 19,7%); công nghiệp chế biến, chế tạo (2.210 doanh nghiệp, tăng 14,4%); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.449 doanh nghiệp, tăng 12,0%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (271 doanh nghiệp; tăng 11,5%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (85 doanh nghiệp, tăng 10,4%); hoạt động dịch vụ khác (576 doanh nghiệp, tăng 9,1%); sản xuất phân phối, điện, nước, gas (320 doanh nghiệp, tăng 5,3%); vận tải kho bãi (880 doanh nghiệp, tăng 2,8%); xây dựng (2.291 doanh nghiệp; tăng 1,5%); bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (6.856 doanh nghiệp, tăng 1,1%)
Trong tháng 2/2024 số doanh nghiệp rời thị trường đã giảm mạnh so với tháng 1/2024 song tính chung cả hai tháng vẫn tăng đáng kể so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong tháng 2/2024, cả nước có 8.805 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 84% so với tháng 1/2024 nhưng tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 5.146 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2023; 2.153 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 18,3% so với cùng kỳ và 1.506 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 29% so với cùng kỳ.
Cộng với 53.888 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 1, tính chung hai tháng đầu năm, cả nước có 62.977 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 49.272 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023; 10.034 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là, tăng 6,5% so với cùng kỳ và 3.671 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (163 doanh nghiệp, giảm 2,4%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (931 doanh nghiệp, giảm 3,5%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (161 doanh nghiệp, giảm 5,3%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (898 doanh nghiệp, giảm 6,9%); giáo dục và đào tạo (485 doanh nghiệp, giảm 8,1%); khai khoáng (101 doanh nghiệp, giảm 21,1%).