Mặc dù lãi từ các công ty liên doanh, liên kết là Honda, Toyota, Ford sụt giảm, nhưng vẫn ở mức cao, lên đến 1.285 tỷ đồng, cùng với đó là việc doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế quý III của VEAM đạt 1.540 tỷ đồng.
Hoạt động trong lĩnh vực máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng Công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – Công ty CP (VEAM, mã VEA) đạt doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 884 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Giá vốn bán hàng ở mức cao lên đến 748 tỷ đồng do đó lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của VEAM chỉ đạt 136 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ 2022.
Doanh thu từ hoạt động tài chính, chủ yếu tiền gửi tiết kiệm của VEAM tăng 49% so với cùng kỳ, lên mức 335 tỷ đồng. So với cùng kỳ chi phí lãi vay cũng tăng mạnh nhưng ở mức không đáng kể so với lượng tiền mặt “khủng” gửi ngân hàng của VEAM. Chi phí lãi vay trong kỳ của VEAM ở mức 13 tỷ đồng.
Lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ các công ty liên kết, đặc biệt là Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam, những doanh nghiệp mang về khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng “đều như vắt tranh” cho VEAM.
Trong quý III/2023, lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm 26% xuống còn 1.286 tỷ đồng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xe ô tô sụt giảm mạnh vì kinh tế khó khăn.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, VEAM báo lãi sau thuế 1.540 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết mang về cho VEAM 4.031 tỷ đồng. VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 4.722 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý III/2023, VEAM gửi ngắn hạn ngân hàng tới 18.482 tỷ đồng, tăng gần 5.900 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tiền gửi ngắn hạn này mang lại cho công ty tới 875 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng. Ngoài ra, VEAM vẫn còn 585 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi không thời hạn, tăng gần gấp đôi so với số dư đầu năm.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo VEAM từng đánh giá, khó khăn năm 2023 là tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động phức tạp khó lường, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, một số yếu tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới được IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) chỉ ra như quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc có thể bị đình trệ, những khó khăn về nợ, đặc biệt đối với những nền kinh tế có nhu cầu trả nợ bằng USD trong ngắn hạn; lạm phát kéo dài; sự phân mảnh địa chính trị dẫn đến việc lưu chuyển nguồn vốn, di chuyển của người lao động và thanh toán quốc tế giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn, có thể cản trở chuỗi lưu thông hàng hóa toàn cầu.
Đối với VEAM, một số tồn tại, vướng mắc của giai đoạn trước đây vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Lĩnh vực động cơ máy nông nghiệp liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây, kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan.
Hiện cổ phiếu VEA của VEAM đang trong diện cảnh báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vì ý kiến ngoại trừ của kiểm toán liên tiếp trong 3 năm qua.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2022, đơn vị kiểm toán cho biết, công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị hơn 166 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đánh giá của Ban Tổng Giám đốc liên quan đến khả năng thu hồi các khoản trên cũng như xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng khoản phải thu này trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập bằng chứng kiểm toán để đánh giá giá trị thuần của hàng tồn kho chậm luận chuyển; một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý.