(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hai trong số 6 đồng chủ sở hữu của thửa đất đã không ký vào hợp đồng thế chấp. Do đó, Tòa án cho rằng hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và bên thứ 3 vô hiệu từng phần…
|
Theo tài liệu, năm 2015, Ngân hàng A. ký 4 hợp đồng cấp tín dụng cho vợ chồng ông Nguyễn Văn D. và bà Đinh Thị H. (trú tại Hà Nam) để sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn kinh doanh gỗ cũng như phục vụ nhu cầu đời sống, mua sắm, sửa chữa nhỏ. Ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng theo 5 khế ước nhận nợ. Tài sản bảo đảm là 3 bất động sản của bên thứ 3.
Quá trình vay nợ, vợ chồng ông Nguyễn Văn D. không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng nhiều lần đôn đốc trả nợ nhưng khách hàng vẫn không thực hiện trả nợ. Do đó, ngân hàng khởi kiện đề nghị Tòa án buộc vợ chồng ông D. trả nợ gốc và lãi tổng cộng 1,4 tỷ đồng. Nếu vợ chồng ông Nguyễn Quốc D. không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Trong quá trình giải quyết tại Tòa án cũng như tại phiên tòa, vợ chồng ông Nguyễn Quốc D. đều vắng mặt và đã được Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, Tòa án đã niêm yết các văn bản tố tụng tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn M. và bà Lưu Thị H. đã thế chấp diện tích đất ở huyện Thanh Liêm để đảm bảo cho khoản vay của vợ chồng ông Nguyễn Quốc D. Tại tòa, vợ chồng ông Nguyễn Văn M. thừa nhận có ký vào các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo khoản vay của vợ chồng ông Nguyễn Quốc D. Tuy nhiên đến nay vợ chồng ông D. đã bỏ đi không có tin tức gì nên ông đề nghị ngân hàng miễn toàn bộ tiền lãi để cho ông và gia đình trả dần khoản nợ gốc. Do điều kiện gia đình khó khăn nên ông xin trả dần 10 triệu đồng/tháng cho đến khi trả hết tiền gốc của các khoản vay trên.
Tuy nhiên, hai người con của vợ chồng ông M là chị Nguyễn Thị N. và chị Nguyễn Thị H. cho rằng việc hai chị không ký vào hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Nguyễn Văn M. đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hai chị. Do đó, hai chị đề nghị Tòa án tuyên hủy hợp đồng thế chấp.
Đại diện Văn phòng công chứng, công chứng viên khẳng định tại thời điểm công chứng, các bên tham gia ký kết văn bản công chứng là hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật. Nội dung của văn bản công chứng không vi phạm pháp luật, không trái với đạo đức xã hội. Gia đình có đơn xác nhận đất hộ gia đình có 4 thành viên và cả 4 thành viên đều đã ký vào hợp đồng thế chấp. Văn phòng công chứng không được biết 2 chị Nguyễn Thị N. và chị Nguyễn Thị H. cũng là đồng sở hữu của thửa đất. Do đó, Văn phòng công chứng và ý kiến của công chứng viên đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Tòa án xác định vợ chồng ông D. có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng số tiền 1,4 tỷ đồng. Trường hợp vợ chồng ông D. không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, ngân hàng được quyền đề nghị cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, về tài sản thế chấp Tòa án xác định Tòa án cho rằng thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nguyễn Văn M. và bà Lưu Thị H. Thửa đất này thuộc quyền sở hữu chung của các thành viên trong hộ gia đình có giá trị sở hữu chung là bằng nhau. Trong quá trình xây dựng hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất chị H và chị N không ký vào hợp đồng thế chấp này. Do đó Hội đồng xét xử thấy rằng Hợp đồng thế chấp này vô hiệu từng phần. Cụ thể là vô hiệu phần sở hữu quyền sử dụng đất của chị N và chị H theo quy định tại Điều 130 Bộ luật Dân sự. Trường hợp xử lý tài sản bảo đảm, chị N. và chị H. mỗi người được trả 1/6 giá trị tài sản của thửa đất tại thời điểm phát mại.