(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trước những tác động từ đại dịch Covid-19, để xây dựng sự phục hồi kinh tế và thiết lập khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, Tập đoàn HSBC vừa “hiến kế” qua 3 chủ trương cải cách cho các quốc gia trong khu vực ASEAN, gồm: dòng chảy thương mại và đầu tư; kết nối kỹ thuật số; gắn kết các dự án phát triển quốc gia với các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết khí hậu được thống nhất trên toàn cầu.
Ngay sau khi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 kết thúc vào ngày 26/6/2020, Tập đoàn HSBC đã bày tỏ quan điểm ủng hộ thỏa thuận của các quốc gia thành viên ASEAN về tăng cường hợp tác cải cách và hội nhập để đảm bảo trước mắt sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu các tác động kinh tế xã hội có thể ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á do hậu quả của đại dịch Covid-19 gây ra.
Tập đoàn HSBC đặc biệt ủng hộ tuyên bố chú trọng vào mở cửa thương mại và công nghệ số và việc kết nối các nỗ lực kích thích tài khóa tức thời của khu vực với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
“Chúng tôi ủng hộ mong muốn tăng cường hội nhập hơn nữa của các quốc gia thành viên ASEAN để chống lại các tác động kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây nên. Khi khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại, các quốc gia thành viên không thể thực hiện tiến trình phục hồi kinh tế một cách đơn độc vì một lý do đơn giản: Đông Nam Á luôn vững mạnh hơn khi các quốc gia cùng hợp tác phát triển”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ.
Theo HSBC, sự gắn kết chặt chẽ giữa các chuỗi cung ứng trong khu vực, bao gồm các lĩnh vực: thiết bị điện tử, ô tô, dệt may - đã phát triển nhờ lợi thế ưu đãi thuế thương mại và đầu tư giữa mười quốc gia thành viên. Nhờ đó, hơn 650 triệu công dân của khu vực gia nhập vào tầng lớp thịnh vượng.
Trên cơ sở đó, để xây dựng sự phục hồi kinh tế và thiết lập khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, HSBC đưa ra ba chủ trương cải cách, gồm: dòng chảy thương mại và đầu tư; kết nối kỹ thuật số; và gắn kết các dự án phát triển quốc gia với các mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết khí hậu được thống nhất trên toàn cầu.
Với chủ trương tái mở cửa thương mại và đầu tư thông qua đa phương, HSBC ủng hộ việc tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan đã được phát triển ở Đông Nam Á và áp dụng các cơ chế và hiệp định thương mại hỗ trợ dòng chảy thương mại tự do hơn.
Điều này bao gồm: Loại bỏ các hàng rào phi thuế quan như tăng ngưỡng tối thiểu cho hàng hóa yêu cầu Giấy chứng nhận xuất xứ (cắt giảm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn) và tự động hóa các thủ tục thông quan; thông qua Cơ chế Một cửa ASEAN; Chính thức ký kết và phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được thống nhất. Quy mô của hiệp định này bao gồm 30% dân số thế giới và 29% GDP thế giới (bao gồm tất cả các quốc gia ASEAN).
Với chủ trương cải cách liên quan đến xây dựng kết nối kỹ thuật số, HSBC cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã đưa thương mại điện tử số trở thành hoạt động kinh doanh thiết yếu. Nhưng nếu như khu vực vẫn chưa đạt được sự đồng thuận một bộ tiêu chuẩn chung về quản lý dữ liệu xuyên biên giới và thương mại kỹ thuật số, thì điều này sẽ làm giảm đi tiềm năng cho một nền kinh tế số phủ khắp ASEAN đang phát triển.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, các khung thống nhất như: “Kế hoạch hành động Khung hội nhập số ASEAN” và "Khung quản trị dữ liệu số ASEAN”, cần phải được thực hiện đầy đủ để tích hợp các quy tắc và quy định hiện vẫn chưa liền mạch giữa các quốc gia.
Còn với các biện pháp kích thích tài khóa gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững, để ứng phó với những thách thức do dịch Covid-19 gây ra, các quốc gia thành viên đã đồng ý thành lập Quỹ ứng phó đại dịch của riêng ASEAN, bao gồm các dự án xây dựng quốc gia nhằm tăng cường hoạt động kinh tế.
Tập đoàn HSBC khuyến nghị xây dựng Quỹ và các dự án được lựa chọn phù hợp với các mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cùng các mục tiêu và cam kết bền vững.
“Chúng ta đều biết rằng khu vực Đông Nam Á cần củng cố phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng tiềm năng kinh tế, và điều này cần được thực hiện theo hướng bền vững. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các biện pháp kích thích kinh tế thiết yếu cần phải phù hợp với các mục tiêu trung hạn của phát triển bền vững”, ông Tim Evans nhấn mạnh.