(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong báo cáo về kinh tế vĩ mô Việt Nam mang tên “Lạm phát sẽ đi đến đâu” vừa công bố, Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 khoảng 3% và tăng trưởng kinh tế ở mức 7%.

Báo cáo của HSBC viết: Khi triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện những lo ngại về biến động lạm phát đã xuất hiện. Thật trùng hợp, đà lạm phát trong tháng 2/2021 của Việt Nam đã tăng cao nhất trong 8 năm qua. Do đó, cần xem xét liệu Việt Nam có phải đối mặt với rủi ro về lạm phát trong năm 2021 hay không, vì điều này sẽ kéo theo những tác động quan trọng liên quan đến tiền tệ.

Điều gì đã xảy ra vào tháng 2/2021 vừa qua? Giảm phát biến mất nhanh hơn so với mong đợi của thị trường. Lạm phát toàn phần đã tăng 1,5% so với tháng 1/2021. Mặc dù những ảnh hưởng của Tết đóng vai trò quan trọng nhưng giá điện tăng mạnh cũng được xem là một động lực chính. Trong khi đó, giá lương thực đang tăng và chi phí vận tải cao hơn cũng góp phần đẩy chỉ số lạm phát lên cao.

Dù biến động giá điện có thể là sự điều chỉnh hành chính và chỉ diễn ra một lần nhưng giá thực phẩm và chi phí vận tải sẽ là những yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ, vì cả hai đều có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng chung, với tỷ trọng lần lượt là 34% và 10%.

Tỷ trọng các mặt hàng trong rổ tính CPI

 

Một quan tâm chính khác liên quan đến việc thúc đẩy nguồn cung xuất phát từ tác động của dầu mỏ. Trong những năm gần đây, mối tương quan giữa chi phí vận tải trong nước và giá dầu quốc tế ngày càng rõ rệt, điển hình là độ trễ khoảng một tháng. Không có gì ngạc nhiên khi giá vận tải trong nước giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây chính là tác nhân kéo lạm phát toàn phần giảm mạnh trong năm 2020.

“Chúng tôi dự báo sẽ có một số áp lực tăng lạm phát từ giá vận tải cao hơn (HSBC dự báo Giá dầu thô Brent tăng 34% lên 56 USD/thùng vào năm 2021). Điều đó cho thấy, việc giá cả vận tải tăng nhiều khả năng sẽ được giá lương thực tăng chậm hơn bù đắp, do tỷ trọng của giá vận tải trong chỉ số giá lạm phát tương đối nhỏ hơn”, báo cáo của HSBC viết.

Còn các yếu tố lạm phát do cầu kéo thì sao? Trả lời câu hỏi này, HSBC cho rằng, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020 nên lạm phát do nhu cầu trong nước được duy trì tương đối tốt. Giá cả trong các nhóm hàng hóa như thiết bị gia dụng, giáo dục và quần áo tăng với tốc độ ổn định nhưng chậm hơn trong năm 2020.

Với nhận định nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ cải thiện vào năm 2021 nhưng thị trường lao động vẫn tiếp tục trì trệ, HSBC cho rằng, các yếu tố này sẽ làm hạn chế lạm phát từ phía nhu cầu.

Ngoài các yếu tố cung và cầu, tỷ giá hối đoái cũng là một yếu tố khác có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lạm phát. “Có thể nói rằng tác động dường như không có, vì sự ổn định tỷ giá hối đoái làm giảm tác động đến lạm phát”, HSBC nhận định.

Sau khi xem xét tất cả những yếu tố, các chuyên gia của HSBC kỳ vọng: “Lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình khoảng 3%. Điều này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ phù hợp trong suốt năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%”.

Xuất khẩu tiếp tục ấn tượng

 

Với diễn biến dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp, HSBC cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhưng với khả năng kiềm chế dịch bệnh được chứng minh, động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi. Với tăng trưởng kinh tế quý I/2021 sẽ thấp hơn dự kiến (do tác động tiêu cực từ làn sóng COVID-19 thứ ba), HSBC điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 giảm xuống còn 7% thay vì 7,6% như dự báo trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
HSBC: Lạm phát của Việt Nam năm 2021 khoảng 3%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO