Thị trường

Hướng tới hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn trong ngành khai khoáng Việt Nam

Bùi Trang 19/03/2023 11:52

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) vừa công bố kết quả nghiên cứu “Hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn từ cách tiếp cận kinh tế chính trị học hiện đại”.

c46fabf6a0127d4c2403.jpg

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, ngành khai khoáng có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam nhưng hiện nay, ngành vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, nảy sinh nhiều vấn đề. Nghiên cứu chỉ ra những bất cập và giúp ngành khai khoáng Việt Nam hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn từ góc nhìn của kinh tế học chính trị hiện đại.

Nhóm nghiên cứu soi chiếu thông lệ trong ngành khai khoáng trên thế giới, từ đó tạo khung chung cho các doanh nghiệp, tìm ra những điểm sáng trong hoạt động khai thác của doanh nghiệp nước ngoài để áp dụng cho Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều nghiên cứu rõ ràng, định hình được chuỗi giá trị từ cách tiếp cận kinh tế. Nên chúng tôi hy vọng nghiên cứu sẽ giúp hình thành chuỗi giá trị trong ngành khai khoáng, góp phần phục vụ cho những nghiên cứu sau này.

Trình bày nội dung kết quả nghiên cứu, Ths. Phạm Văn Long cho biết, ngành quản trị ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất, tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam được quản lý bởi nhiều cơ quan. Do mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên quyền lợi nhận được cũng khác nhau. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ hoặc xung đột trong việc ban hành chính sách.

Thứ hai, vẫn còn nhiều quy định về công khai đã được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên việc thực hiện còn chưa nghiêm túc và ảnh hưởng của hoạt động khai khoáng đến cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mực.

Thứ ba, hầu hết các tiêu chí liên quan đến cấp giấy phép khai thác theo các nguyên tắc trong khung quản trị tài nguyên thiên nhiên đều chưa đạt tiêu chuẩn.

Thứ tư, vẫn tồn tại tranh cãi về tính hợp lý của các quy định, về bản chất của tiền cấp quyền khai thác và thuế tài nguyên.

Từ những bất cập trên, nhóm nghiên cứu cũng đã đề ra các khuyến nghị bao gồm: Cần ban hành các quy định để khuyến khích phát triển hoạt động khai thác khoáng sản ở công đoạn hạ nguồn, đặc biệt là hoạt động chế biến khoáng sản, nhằm định hình thượng nguồn theo hướng bền vững; Điều chỉnh các quy định liên quan đến cấp giấy phép khai thác nhằm giảm thiểu tình trạng khai thác trái phép và cho phép sự linh hoạt hơn trong việc tăng giá trị sản phẩm khai thác; Bổ sung các quy định về thu và phân bổ nguồn thu nhằm hướng tới một hệ thống tài khóa công bằng hơn trong lĩnh vực khai khoáng; Tăng cường sự tham gia (thực chất) của cộng đồng địa phương trong việc giám sát hoạt động khai khoáng nhằm tăng tính bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường của hoạt động khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn trong ngành khai khoáng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO