(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 đã diễn ra (từ ngày 1/6 tới 8/6/2021) với chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Đồng thời, Liên Hợp quốc đã chọn chủ đề “Đại dương: Sự sống và sinh kế” cho Ngày Đại dương thế giới (8/6).
|
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay có sự liên kết chặt chẽ với chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) với thông điệp “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên” do Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học (CBD) phát động. Điều này cho thấy sự thống nhất của các Chương trình toàn cầu về việc cần gióng lên hồi chuông báo động: Đã đến lúc mỗi quốc gia cần đoàn kết, cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực hơn vì thiên nhiên và Trái đất của chúng ta.
Đây được xem là thời điểm đánh dấu sự khởi động của Liên Hợp quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 – 2030), cũng là thời hạn cuối cùng của các mục tiêu thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững – một mốc thời gian mà các nhà khoa học xác định là cơ hội cuối để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu.
Để hưởng ứng Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay, thực hiện cam kết của Liên Hợp quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021 – 2030), thúc đẩy các hoạt động đảo ngược tình trạng suy thoái các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường của nước ta, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng đưa ra sáng kiến để phục hồi hệ sinh thái của Việt Nam.
Đồng thời thúc đẩy đồng bộ các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái. Các ngành cần quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng; xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng bền vững và tối ưu hoá tài nguyên thiên nhiên.
Ở cấp địa phương, địa bàn, cần phải giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải; tổ chức triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái như: thực hiện các hoạt động tại Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; triển khai các hoạt động phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan; thu gom rác thải hai bên bờ và trên mặt nước biển, các sông, suối, ao hồ, phục hồi thảm thực vật trên các vùng đất ngập nước nước. Kiểm soát hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản theo hướng bền vững; khuyến khích triển khai các công trình bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng.
Mỗi người dân, nếu cùng chung tay hành động, vì sự phục hồi của các hệ sinh thái, chúng ta hoàn toàn có thể giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên như: sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên trong sinh hoạt hàng ngày, tập thói quen từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần.
Ngoài ra, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường; không tiêu thụ, buôn bán, khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã; tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường khi đi du lịch, du lịch sinh thái; giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ trẻ.