(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong các ngày từ 2-4/6/2021, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Ngân hàng Trung ương Pháp, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Mạng lưới xanh hóa hệ thống tài chính đồng tổ chức hội nghị trực tuyến với chủ đề “Ngành tài chính có thể hành động tức thời như thế nào để ứng phó với các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra”.
Hội nghị là sự kiện chưa từng có, quy tụ các diễn giả uy tín, bao gồm các nhà hoạch định chính sách cấp cao, các chuyên gia và cán bộ chuyên trách từ Ngân hàng Trung ương, cộng đồng các nhà quản lý, khu vực tài chính, tổ chức xã hội dân sự, giới học thuật.
Phiên khai mạc Hội nghị Swan 2021 (ảnh chụp màn hình) |
Trong thời đại hiện nay, tất cả chúng ta đều nhận thức rõ những rủi ro và thách thức chính do biến đổi khí hậu gây ra. Cuốn sách năm 2020 “Thiên nga xanh: Ngân hàng Trung ương và sự ổn định tài chính trong thời đại biến đổi khí hậu” kêu gọi tăng cường phối hợp để giải quyết những rủi ro này và hành động ngay lập tức. Nhiều sáng kiến của các Ngân hàng Trung ương và các tổ chức khác đã và đang được thực hiện - với nhiều sáng kiến đang được phát triển.
Vì vậy, mục đích của Hội nghị là giới thiệu những sáng kiến này và giúp xác định những giải pháp thực tế có tiềm năng hơn. Kết quả của hội nghị có thể được coi là công ích toàn cầu cho các sự kiện khác trước khi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP) 26 diễn ra.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Luiz Awazu Pereira da Silva – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) chia sẻ lý do vì sao chủ đề hội nghị lại độc đáo. Ông cho rằng, giải quyết rủi ro khí hậu trước tiên cần có sự phối hợp, bởi vì không có một tổ chức đơn lẻ hay một công cụ chính sách duy nhất nào có thể giải quyết thách thức về khí hậu. Thứ hai, cần phải phối hợp về tài chính bởi vì khu vực tài chính có vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho sự đổi mới của cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ 19 cũng như hiện nay, trong thế kỷ 21 để chuyển sang nền kinh tế phát thải carbon bằng 0. Thứ ba, nhận thức về rủi ro khí hậu đang tăng lên với hai sự thay đổi trong tư duy về rủi ro và thời gian. Càng ngày, chúng ta càng thấy các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn. Và COVID - 19 có liên quan đến khí hậu và sự mất đa dạng sinh học. Theo các nghiên cứu khoa học, chúng ta có khoảng 8 - 10 năm để hạn chế mức phát thải hàng năm hiện tại. Vì vậy, từ góc độ rủi ro thuần túy, nếu chỉ chờ đợi và hy vọng rằng mọi thứ sẽ tự cải thiện là quá rủi ro.
Chia sẻ về nội dung của hội nghị, ông Luiz Awazu Pereira da Silva cho biết, hội nghị sẽ bàn bạc các bước cụ thể thiết thực cho ngành tài chính, trong đó có việc định giá carbon, các tiêu chuẩn kế toán, công bố và giám sát rủi ro tốt hơn cũng như phân loại rủi ro xanh toàn cầu, vốn đặc biệt quan trọng đối với thị trường tài chính xanh.
Hội nghị cũng sẽ bàn bạc cách tiếp cận quản lý ngân sách các-bon, cách thức thực tế khu vực tài chính có thể đóng góp đối với các cam kết của chính phủ nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ví dụ như làm thế nào để huy động các thị trường vốn đạt mức net zero, làm thế nào để các danh mục đầu tư hỗ trợ cho mục tiêu không làm cho nhiệt độ tăng quá 1,5 độ như thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ thảo luận về cách tiếp tục theo cách bền vững hơn, làm xanh hóa quá trình phục hồi từ COVID. Đầu tư xanh thế giới, nghiên cứu và phát triển công nghệ thay thế bằng cơ sở hạ tầng xanh.
Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bài phát biểu của mình cũng khẳng định việc đối phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng đối với nền kinh tế và hết sức quan trọng đối với sự ổn định tài chính.
“Chúng ta đã thấy khí hậu ảnh hưởng đến các loại sản phẩm tài chính khác nhau và - quan trọng hơn, theo thời gian chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang nói về một vấn đề mang tính hệ thống. Khí hậu, chắc chắn, là một yếu tố hôm nay và nó sẽ còn nhiều hơn thế vào ngày mai”, bà nhận định.
Theo bà Kristalina Georgieva, điều này có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục tích hợp môi trường vào công việc của mỗi và mọi tổ chức, đặc biệt là những tổ chức đang xử lý các quyết định chính sách ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của nền kinh tế và khu vực tài chính.
“Vì vậy, nói một cách đơn giản, cần tiếp tục thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế khí hậu mới: giảm lượng khí thải và tăng khả năng phục hồi,” bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc IMF cho rằng, hội nghị này cần tạo được sự đồng thuận hơn về 3 chủ đề: 1/Cách thức có thể tiến hành kiểm tra căng thẳng nâng cao; 2/Làm thế nào để đảm bảo các khuôn khổ giám sát quản lý phù hợp cho tất cả các loại rủi ro khí hậu; 3/Làm thế nào để thu hẹp phạm vi tẩy xanh (green washing) bằng cách đưa ra một bộ tiêu chuẩn và khuôn khổ đáng tin cậy để tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu.
Theo thông tin từ lãnh đạo IMF chia sẻ, tín hiệu tốt là đầu tư xanh đang tăng lên. Trong năm nay, 140 tổ chức tài chính đã đầu tư 203 tỷ đô la vào trái phiếu và các khoản vay vào các dự án xanh, so với 189 tỷ đô la vào các doanh nghiệp hydrocacbon.
Tuy nhiên, hạn chế, tồn tại hiện nay vẫn chưa thấy được sự thống nhất của các tiêu chuẩn. Con số 200 khuôn khổ là quá nhiều và cần giảm bớt về số lượng cũng như chấp nhận rằng báo cáo bắt buộc chỉ có thể được thực hiện khi chuẩn hóa được các điểm chung về công bố thông tin và các khuôn khổ được chấp nhận.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, có 5 phiên thảo luận song song, 1 phiên thảo luận tập trung với sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Pháp, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa. Bên cạnh đó, còn có nhiều phát biểu của khách mời đặc biệt như ông Mark Carney, Cố vấn tài chính của Thủ tướng Anh về COP26, đặc phái viên của Liên hợp quốc về hành động khí hậu và tài chính; ông Al Gore, Chủ tịch Công ty Quản lý đầu tư và dịch vụ tài chính; ông Mario Monti, nguyên Thủ tướng Italy; ông Zhou Xiaochuan, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính và Ngân hàng Trung Quốc, Phó Chủ tịch Diễn đàn Bác Ngao về châu Á, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc; ông Laurent Fabius, nguyên Chủ tịch COP21/Hiệp định Paris... |