Huy động vốn trái phiếu Chính phủ chậm lại trong những tháng đầu năm

Lan Nguyễn| 08/03/2021 11:33
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau kết quả tích cực của năm 2020, năm 2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) lên kế hoạch thu hút lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) tương đối lớn nhưng 2 tháng đầu năm và tuần đầu tháng 3, kết quả đấu thầu đạt thấp. Tuy vậy, giới chuyên môn dự báo, nhu cầu đầu tư TPCP của các TCTD cũng sẽ gia tăng trong thời gian tới, góp phần giúp huy động TPCP khởi sắc hơn.

Trong bản tin kinh tế - tài chính vừa công bố, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho biết, năm 2020, KBNN đã huy động được khoảng 324.000 tỷ đồng TPCP, trong đó giá trị lớn nhất là kỳ hạn 10 năm với gần 136.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là hơn 122.000 tỷ đồng. Tổng giá trị đăng ký thầu của các thành viên thị trường năm 2020 là hơn 1 triệu tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần giá trị gọi thầu TPCP. Như vậy, năm 2020, KBNN đã hoàn thành vượt mức 108% kế hoạch năm. Khối lượng phát hành được cao gấp đôi so với mức trung bình 170 nghìn tỷ đồng trong các năm từ 2017 – 2019 và vượt mức kỷ lục ghi nhận trước đó là 281 nghìn tỷ đồng năm 2016.

Hình minh họa

Năm 2020, với khối lượng đáo hạn là 97 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành ròng TPCP đạt 227 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức phát hành ròng trung bình 100 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ 2015 – 2019. Mức phát hành này cũng cao hơn nhiều so với mức 75% kế hoạch năm của cùng kỳ 2019 và 44% của cùng kỳ 2018.

Quy mô thị trường TPCP tiếp tục được mở rộng đáng kể, ước tính đạt 31,5% GDP, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất từ trước tới nay. Kỳ hạn phát hành cũng được kéo dài lên khoảng 14 năm, tăng 0,56 năm so với năm 2019, giúp giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn cũng như tăng cường tính bền vững của nợ công.

Về lãi suất, chốt lại năm 2020, các mức lãi suất phát hành TPCP đều đồng loạt giảm, trong đó lãi suất kỳ hạn 10 năm tại 2,28%/năm (giảm 112 điểm so với cuối năm ngoái); kỳ hạn 15 năm tại 2,5%/năm (giảm 106 điểm) và kỳ hạn 20 năm tại 2,89%/năm (giảm 104 điểm). So với hai năm 2017 và 2018, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm và 15 năm cũng giảm mạnh từ 250 – 300 điểm.

Tới đầu tháng 3/2021, KBNN mới thông báo kế hoạch đấu thầu TPCP năm 2021 với tổng mức phát hành 350.000 tỷ đồng, bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tăng khá mạnh 50 nghìn tỷ đồng so với năm 2020 và là mức kế hoạch phát hành theo năm cao nhất kể từ trước đến nay.

Trong đó, giá trị phát hành kỳ hạn 5 năm dự kiến là 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm là 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 120.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 135.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm là 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm là 30.000 tỷ đồng.

Đồng thời, lượng TPCP đáo hạn trong năm 2021 ở mức cao kỷ lục 165.000 tỷ đồng (chỉ tính riêng phần phát hành ra công chúng, chưa bao gồm phát hành riêng lẻ). Trong đó, đáo hạn tập trung chủ yếu vào quý I/2021 và quý II/2021 (120.000 tỷ đồng).

Đây cũng chính là lượng cầu TPCP tiềm năng từ phía các TCTD. Nhu cầu TPCP cũng được hỗ trợ nhờ quy định siết chặt hơn đối với các sản phẩm thay thế TPCP như TP của TCTD và TPDN.

Riêng trong quý I/2021, KBNN dự kiến phát hành 100.000 tỷ đồng TPCP, trong đó: 5 năm và 7 năm – mỗi kỳ hạn 5.000 tỷ đồng, 10 năm và 15 năm – mỗi kỳ hạn 35.000 tỷ đồng, 20 năm và 30 năm – mỗi kỳ hạn 10.000 tỷ đồng. Trong tháng 1 và 2/2021, KBNN đã gọi thầu 44.000 tỷ đồng TPCP, các thành viên thị trường đăng ký thầu hơn 120.000 tỷ đồng, thực tế trúng thầu hơn 27.000 tỷ đồng - tương đương 67,5% giá trị gọi thầu. Như vậy, 2 tháng đầu năm, KBNN mới chỉ huy động được 27% khối lượng TPCP dự kiến phát hành trong quý I, tương đương với 8% kế hoạch năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quý II/2021, KBNN sẽ phải tích cực phát hành TPCP nhiều hơn, tránh để dồn vào cuối năm. Nhu cầu đầu tư TPCP của các TCTD cũng sẽ gia tăng sau khi chững lại trước đó và cũng để bù đắp danh mục đáo hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động vốn trái phiếu Chính phủ chậm lại trong những tháng đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO