Nhìn ra thế giới

IMF kêu gọi cần “cảnh giác” khi cảnh báo rủi ro ổn định tài chính gia tăng

H.Y 27/03/2023 15:08

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi cảnh giác khi cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro ổn định tài chính gia tăng trong bối cảnh hỗn loạn trong ngành ngân hàng.

Người đứng đầu IMF cho biết, nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm chống lại lạm phát bằng cách đẩy lãi suất lên đã tạo ra căng thẳng trong hệ thống tài chính vào thời điểm mức nợ dâng cao ngất ngưởng.

Phát biểu tại một hội nghị ở Bắc Kinh vào Chủ Nhật vừa qua, bà cho biết: “Việc chuyển đổi nhanh từ thời kỳ lãi suất thấp kéo dài sang lãi suất cao hơn nhiều để chống lạm phát chắc chắn tạo ra căng thẳng và dễ bị tổn thương, như chúng ta đã thấy trong những sự vụ gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.”

Lo ngại về sức khỏe của khu vực ngân hàng toàn cầu vẫn tồn tại sau sự thất bại của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) hồi đầu tháng này và cuộc giải cứu Credit Suisse của đối thủ UBS. Bên cạnh đó, còn là lo ngại về sức khỏe hệ thống ngân hàng có thể làm phức tạp thêm nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương.

Các nhà chức trách Mỹ cũng đang cân nhắc các lựa chọn để cung cấp hỗ trợ cho ngân hàng khu vực First Republic đang gặp khó khăn bằng cách cho thêm thời gian để củng cố bảng cân đối kế toán.

Vào ngày giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu ngân hàng lại lao dốc một lần nữa, với cổ phiếu của Deutsche Bank giảm tới 14% sau khi chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ của ngân hàng này tăng đột biến.

Hôm nay, ngày 27/3, 1 trong big4 kiểm toán, công ty KPMG cho biết, tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính có nguy cơ ảnh hưởng đến triển vọng tươi sáng của nền kinh tế. Công ty này cho biết, nguy cơ Vương quốc Anh rơi vào suy thoái trong năm nay đã giảm nhưng không "tiêu biến hoàn toàn", theo đó nền kinh tế có xu hướng giảm 0,3%.

Thống đốc Ngân hàng Anh Andrew Bailey sẽ phải đối mặt với các câu hỏi của các nghị sĩ vào sáng mai (28/3) về sự sụp đổ của SVB UK, được HSBC mua lại với giá 1 bảng Anh.

Phát biểu tại hội nghị, bà Georgieva hoan nghênh những nỗ lực của chính phủ và các cơ quan quản lý nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin trong lĩnh vực này, mặc dù họ đã thất bại trong việc xoa dịu nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư.

Bà Georgieva cho biết: “Chúng tôi cũng đã thấy các nhà hoạch định chính sách hành động quyết đoán để đối phó với rủi ro ổn định tài chính và chúng tôi đã thấy các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế tiên tiến tăng cường cung cấp thanh khoản bằng đô la Mỹ. Những hành động này đã giảm bớt căng thẳng thị trường ở một mức độ nào đó nhưng sự không chắc chắn vẫn cao và điều đó nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác.”

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý châu Âu đã bất đồng ý kiến với các đối tác Mỹ về quyết định của Mỹ trong việc cấp bảo lãnh chung cho tất cả những người gửi tiền của SVB.

Ông Bailey, Thống đốc NHTW Anh tuần trước đã chỉ trích quyết định của chính phủ Mỹ trong việc cứu trợ những người gửi tiền của SVB, ông cho rằng việc bảo lãnh toàn bộ tiền gửi làm tăng nguy cơ “rủi ro đạo đức” trong ngành ngân hàng. Rủi ro đạo đức là nỗi sợ rằng các ngân hàng và nhà đầu tư sẽ chấp nhận rủi ro lớn nếu họ tin rằng họ sẽ được bảo vệ khỏi bất kỳ hậu quả tiềm ẩn nào nếu mọi việc diễn ra không như ý muốn.

Vào thứ Bảy (26/3), Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ đã cảnh báo rằng cái gọi là các quy tắc "quá lớn để thất bại" do các cơ quan quản lý toàn cầu đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính không còn phù hợp với mục đích, vì bà nói rằng Credit Suisse sẽ không thể tồn tại thêm một ngày nào nữa nếu Chính phủ không thiết kế thỏa thuận cứu hộ khẩn cấp.

Các ông chủ lớn của Credit Suisse đang phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra theo quy định và bị xử lý kỷ luật về cách họ điều hành Credit Suisse dẫn đến sự gần như sụp đổ của ngân hàng hơn 160 năm tuổi này.

Marlene Amstad, người đứng đầu cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ Finma, nói với truyền thông địa phương: “Credit Suisse có vấn đề về văn hóa dẫn đến việc thiếu trách nhiệm giải trình. Thường thì không rõ ai chịu trách nhiệm về việc gì. Điều này tạo điều kiện cho việc xử lý rủi ro một cách cẩu thả.”

Bà nói rằng, liệu các quan chức có tiến hành các thủ tục tố tụng mới đối với ngân hàng hay không vẫn còn là một “câu hỏi còn để ngỏ”.

Nói về những bất ổn trong nền kinh tế thế giới, Tổng Giám đốc IMF Georgieva cho biết, những bất ổn vẫn ở mức “rất cao”, do căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, xung đột tại Ukraine, “vết sẹo” từ đại dịch và việc thắt chặt tiền tệ.

Bà nói thêm rằng triển vọng của nền kinh tế toàn cầu trong trung hạn có thể sẽ “vẫn yếu”.

Bà Georgieva ca ngợi Trung Quốc là một trong số ít “búp măng xanh” của nền kinh tế thế giới, đồng thời nói thêm rằng sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế này không chỉ quan trọng đối với nước này mà còn đối với thế giới.

“Sự phục hồi mạnh mẽ có nghĩa là Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 - mang lại một cú hích cho nền kinh tế thế giới.”

(Nguồn: Yahoo Finance)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
IMF kêu gọi cần “cảnh giác” khi cảnh báo rủi ro ổn định tài chính gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO