(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, để quản lý những biến động lớn của giá dầu, các nước xuất khẩu dầu mỏ ở khu vực châu Phi cận Sahara nên nhắm tới xây dựng các “bộ đệm” tài chính dự phòng đạt khoảng 5 - 10% tổng sản phẩm quốc nội. Như vậy, các quốc gia này sẽ cần duy trì thặng dư ngân sách hàng năm lên tới 1% mỗi năm trong khoảng thời gian 10 năm.
|
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực mới nhất của IMF, giá dầu đã dao động từ mức thấp nhất là 23 USD/thùng lên mức cao nhất là 120 USD/thùng trong 2 năm qua, dẫn đến doanh thu bấp bênh ở các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên, hầu hết các nước xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực đã không tích lũy đủ ngân sách để đối phó với những biến động khó lường của giá dầu. Trên thực tế, các quỹ tài sản có chủ quyền ở châu Phi cận Sahara chỉ chiếm 1,8% tổng sản phẩm quốc nội - so với 72% ở Trung Đông và Bắc Phi - buộc các quốc gia này phải đi vay hoặc giảm bớt ngân sách khi giá dầu đi xuống.
Do đó, tính đến năm 2020, các nước sản xuất dầu mỏ trong khu vực này đã tăng trưởng chậm hơn 2 điểm phần trăm mỗi năm so với các quốc gia không sử dụng nhiều tài nguyên. Chi phí dịch vụ nợ cũng cao gần gấp đôi so với các nước khác.
Hơn nữa, khi các quốc gia chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng carbon thấp, doanh thu từ dầu mỏ có thể giảm mạnh. Các chuyên gia của IMF dự đoán, đến năm 2030, doanh thu từ dầu mỏ trong khu vực có thể giảm tới 1/4 và đến năm 2050 sẽ giảm một nửa. Do đó, việc xây dựng "bộ đệm" tài chính sẽ giúp các nước xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực điều hướng quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong khi đó vẫn có thể quản lý biến động của giá dầu.
|