(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với tinh thần đồng hành, chia sẻ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ngày 2/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì hội nghị |
Mục tiêu của Hội nghị nhằm tiếp tục lắng nghe, đối thoại, trao đổi thông tin giữa ngân hàng – doanh nghiệp, đặc biệt trong quá trình đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Các TCTD đã hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp tại Bình Phước
Thông tin tại hội nghị cho thấy, trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã kịp thời, chủ động triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Số liệu được đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Bình Phước cho biết, tổng dư nợ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn là: 3.400 tỷ đồng. Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.743 khách hàng, với dư nợ là 2.836 tỷ đồng, trong đó: miễn giảm lãi cho 695 khách hàng, với dư nợ được miễn, giảm lãi là 2.350 tỷ đồng, số lãi được miễn, giảm 3,1 tỷ đồng.
Số khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 1.048 khách hàng, với dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 487 tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1-2% cho 2.940 khách, với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt 4.964 tỷ đồng.
Dòng vốn từ ngân hàng đã và đang tiếp sức cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đánh giá cao những kết quả hỗ trợ khách hàng mà hệ thống TCTD tại địa phương đã đạt được. Đồng thời cho biết, trong thời gian tới, UBND sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để bổ sung vào các quỹ ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Phú, Công ty vận tải Thành Công cho biết, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ngân hàng đã động viên, chia sẻ cùng doanh nghiệp bằng các biện pháp thiết thực: giảm lãi suất khoản vay trung hạn, cơ cấu lại nợ, giảm thời gian trả nợ gốc từ 3-6 tháng. “Đây là việc làm cần thiết là kịp thời, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19”, ông Trần Phú nhấn mạnh.
Còn ông Bùi Gia Nên, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Bình Phước cho biết: “Chúng tôi nhận thức rằng hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại, duy trì sản xuất là việc làm đòi hỏi có được sự đồng hành, sẻ chia, tình cảm của ngân hàng. Ngoài việc giãn các khoản nợ, các ngân hàng còn cơ cấu lại khoản vay, giúp cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất”.
Tiếp tục tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia hội nghị tiếp tục đề xuất ngành Ngân hàng có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
“Thế giới đang bước vào giai đoạn đầu của giảm phát. Chúng tôi mong phía ngân hàng có những chủ trương kịp thời, tạo chính sách huy động lãi suất ở ngưỡng thấp để cấp mới cho doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện nay”, ông Bùi Gia Nên kiến nghị.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ý, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Bình Phước kiến nghị ngành Ngân hàng xem xét: giãn nợ kéo, dài thời hạn trả nợ đối với các khoản vay đã mua hạt điều thô, giảm lãi suất vay để hỗ trợ một phần thiệt hại do giá điều nhân giảm.
Trên cơ sở các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong các hội nghị kết nối được NHNN thực hiện trong suốt gần 1 tháng qua, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Thông tư 01 sẽ được chỉnh sửa cho phù hợp với mục tiêu chia sẻ tối đa những khó khăn đối với khách hàng”.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu chi nhánh NHNN và hệ thống các NHTM tại các địa phương cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của chính quyền tỉnh để giải ngân tối đa các gói vay ưu đãi lãi suất, xem xét giảm thêm lãi vay và cơ cấu thời hạn trả nợ cho các khách hàng, nhất các các DNNVV ở các vùng kinh tế còn khó khăn.
“Đối với những trường hợp khách hàng gián tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, các TCTD có thể kết hợp các chính sách tín dụng ưu đãi khác như Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ để tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.