Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Đắk Lắk

Ngô Hải| 30/06/2020 14:03
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với tinh thần đồng hành, chia sẻ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ngày 29/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị

Mục tiêu của Hội nghị nhằm tiếp tục lắng nghe, đối thoại, trao đổi thông tin giữa ngân hàng - doanh nghiệp, đặc biệt trong quá trình đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid. Đồng thời, đây cũng là dịp để NHNN thông tin tới các doanh nghiệp, Hiệp hội, các sở, ban, ngành tại Đắk Lắk về tổng thể các giải pháp của ngành Ngân hàng và kết quả đến nay; giải đáp các vướng mắc (nếu có) và ghi nhận các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng.

Vốn ngân hàng đã đến tay doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 2.000 khách hàng với dư nợ trên 1.100 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho trên 9.000 khách hàng với dư nợ gần 7.000 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch lũy kế từ ngày 23/1  đến 30/6/2020 cho gần 16.000 khách hàng, với doanh số cho vay gần 9.600 tỷ đồng.

Cụ thể hơn về những kết quả triển khai của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, NHNN tỉnh đã triển khai kịp thời các chỉ đạo của NHNN về các giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến các TCTD trên địa bàn.

Các TCTD trên địa bàn đã tổ chức thực hiện, kịp thời các văn bản chỉ đạo của NHNN, hướng dẫn của Hội sở về triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 gây ra; chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, trong đó quan tâm đến nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, xuất khẩu…

Đơn cử, hệ thống Vietcombank đã 3 lần công bố giảm lãi suất tiền vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4,5-5%; giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19…); hay BIDV cũng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm lãi suất cho vay tới 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Còn Agribank căn cứ vào khả năng trả nợ và mức độ ảnh hưởng của khách hàng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm (đối với VND), 0,5%/năm (đối với ngoại tệ)…. Hay VietinBank dành gần 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm thêm 1,5%/năm đối với VND và 0,5-0,7%/năm đối với USD so với các chương trình trước đây để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các NHTM cổ phần cũng tham gia tích cực, có thể kể đến như: Sacombank điều chỉnh giảm 0,5-1% lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng; HDBank triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2% tới 4,5%/năm; SHB giảm lãi suất vay VND tới 3%/năm áp dụng với khoản vay trung, dài hạn và giảm 2,5% áp dụng với khoản vay ngắn hạn; giảm lãi suất vay USD tới 1%/năm áp dụng với khoản vay ngắn hạn…

Còn trên toàn quốc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ Trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến ngày 22/6/2020, toàn ngành Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng, với dư nợ hơn 1,26 triệu tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt 1,13 triệu tỷ đồng cho hơn 238 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Riêng Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 154.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.875 tỷ đồng; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ gần 39.000 tỷ đồng.

Tiếp tục triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sớm Thông tư 01 và Chỉ thị 02 của NHNN. Việc thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.

Từ thực tế trên địa bàn, ông Nguyễn Tuấn Hà đề xuất: “NHNN xem xét kéo dài Thông tư 01. Các bộ, ngành liên quan cần có sự chung tay mạnh mẽ cùng NHNN điều chỉnh Thông tư 01, điều chỉnh các nội dung để hỗ trợ tốt hơn doanh nghiệp thời gian tới”.

Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu từ các hiệp hội, doanh nghiệp đều có chung nhận định, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Bày tỏ sự cảm ơn tới NHNN, các TCTD về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khoanh nợ, giãn nợ, giảm phí, giảm lãi suất, ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đắk Lắk, Giám đốc Công ty vận Tải An Phước đặt vấn đề, làm sao để doanh nghiệp phải mạnh lên không cần trông chờ sự hỗ trợ của ngân hàng.

“Chúng tôi cũng hiểu ngân hàng là doanh nghiệp. Chúng tôi hiện có 65 thành viên 100% thành viên không có doanh nghiệp nào bị phá sản. Chính sách khoan nợ, giãn nợ rất có ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp”, ông Thanh chia sẻ.

“Thời gian qua, các NHTM đã tích cực hỗ trợ công ty, đó là sự đồng hành hỗ trợ rất tốt cho chúng tôi. BIDV cho giảm lãi suất còn 8,2%, món vay đến hạn trên 45 tỷ đồng được cơ cấu lại, thời gian trả nợ kéo dài thêm 9 tháng. VietinBank cho vay ưu đãi lãi suất 8%/năm...”, ông Bùi Quang Ninh, Giám đốc Công ty Cổ Phần Cao Su Đắk Lắk chia sẻ tại hội nghị.

Để tiếp tục giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 mang lại, ông Ninh kiến nghị: “Ngành Ngân hàng có hướng dẫn cụ thể hơn Thông tư 01 và hướng dẫn tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, các ngân hàng cũng xem xét cho vay vốn dự án tái canh cây cao su của chúng tôi, nới lỏng điều kiện tín dụng cho dự án này”.       

Để các giải pháp của ngành Ngân hàng tiếp tục được triển khai kịp thời, hiệu quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị các đơn vị trong ngành tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế làm đầu mối báo cáo về kết quả Hội nghị, đặc biệt tổng hợp những kiến nghị của đại biểu tại Hội nghị này và các kiến nghị các doanh nghiệp đã gửi NHNN liên quan đến cơ chế, chính sách của ngành để đề xuất Ban Lãnh đạo NHNN xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, các Hiệp hội tại Hội nghị tiếp tục nghiên cứu để khẩn trương trình Lãnh đạo NHNN các nội dung sửa Thông tư 01, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Phó Thống đốc giao NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cùng các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tổng hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền báo cáo các đơn vị chức năng của NHNN để tham mưu xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Đắk Lắk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO