Ngày 10/4/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp lần thứ 22. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Dự phiên khai mạc về phía khách mời có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân; cùng đại diện các Bộ, ngành: Công an, Tài chính, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước và đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.
Xem xét nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình công tác, trong tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 phiên là phiên họp thường kỳ tháng 4/2023 và phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Dự kiến phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 22 sẽ được tổ chức trong 2 ngày với một số nhóm nội dung cơ bản:
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Khóa này công tác lập pháp được tiến hành hệ thống, bài bản trên cơ sở Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong 137 nhiệm vụ lập pháp trong kế hoạch đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ, với có 24 nhiệm vụ lập pháp đã được chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát thì sẽ được tiếp tục đề xuất trong thời gian tới”.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về về Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề Việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách pháp về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đồng thời, cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình với Quốc hội lựa chọn quyết định các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ tư và việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp hết sức quan trọng, trọng tâm công tác lập pháp. Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến với tổng số 20 dự án luật và dự thảo nghị quyết, số lượng gấp đôi so với những kỳ họp bình thường.
Chủ tịch Quốc hội cho biết trong số những nội dung này có 6 dự án luật đã được Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư và vừa qua được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về cơ bản cũng đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chuyên trách đánh giá cao.
Đặc biệt tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Do vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với các cơ quan liên quan về vấn đề tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ các dự án.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, kết quả sơ bộ và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Nêu rõ, dự kiến thời gian của Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khá dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể về cách bố trí thời gian, cách thức tổ chức kỳ họp để có được kết quả tốt nhất.
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cụ thể là xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xem xét, quyết định phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời, theo thường lệ tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội tháng.
Bổ sung nhiều dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo tờ Tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại phiên họp, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 16/24 dự án, dự thảo (12 luật, 4 nghị quyết); cho ý kiến 8/24 dự án luật.
Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội, trong năm 2023 Chính phủ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án luật. Sau khi điều chỉnh Chương trình thì tổng số là 15 dự án. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 dự án, theo đó, Chính phủ tiếp tục phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở các nguyên tắc lập đề nghị Chương trình, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 13 dự án. Cụ thể, với Chương trình Kỳ họp thứ 5, bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ....
Đồng thời, với Chương trình Kỳ họp thứ 6, bổ sung trình Quốc hội thông qua 6 dự án, là các dự án đang đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 như đã báo cáo ở trên; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 3 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 5 dự án, là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, gồm: 2 dự án đã có trong Chương trình theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội; 3 dự án, đang được đề nghị bổ sung vào Chương trình theo Tờ trình này….
Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua: 7 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; trình Quốc hội cho ý kiến: 2 dự án (Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).
Đề nghị đưa dự án Luật Bản dạng giới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Tại phiên họp, một trong những nội dung đáng chú ý là đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị đưa dự án Luật Bản dạng giới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu sự cần thiết ban hành luật nhằm khẳng định các dạng giới khác là một cấu phần tất yếu của xã hội bên cạnh 2 giới tính truyền thống là nam và nữ; đảm bảo những người không hợp giới được sống bình đẳng trong xã hội; khẳng định, tôn trọng quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Việc hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới. Nội luật hóa các quy định, nguyên tắc quốc tế về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính bằng đạo luật của Quốc hội.
Theo đại biểu, việc ban hành luật cũng nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống…; phải được tôn trọng bằng pháp luật như một phạm trù về nhân quyền trong xã hội văn minh; khuyến khích người chuyển giới có thái độ và hành vi tích cực, hòa đồng với xã hội. Đồng thời, thể hiện giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo cao cả của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; bảo vệ cộng đồng yếu thế và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu 3 chính sách lớn trong dự án Luật Bản dạng giới, gồm: (1) Quyền chuyển đổi giới tính của công dân; (2) Quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân, trong đó: Công dân đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi; có quyền đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện thủ tục công nhận giới tính mới thông qua việc đăng ký thay đổi hộ tịch; (3) Quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân, trong đó quy định công dân có quyền lựa chọn hình thức can thiệp y học, điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học, các nguyên tắc bắt buộc khi thực hiện can thiệp y học.