Phá Hạc Hải, tỉnh Quảng Bình là nguồn cung cấp thủy sản dồi dào như tôm, cá, cua… góp phần hỗ trợ sinh kế cho hàng trăm người dân làm nghề chài lưới. Những thời điểm bình minh hay hoàng hôn, cảnh sắc nơi đây vô cùng yên bình và nên thơ. Từ lâu, phá Hạc Hải, Quảng Bình như một nỗi niềm đau đáu của những chuyên gia về du lịch cộng đồng.
Hạc Hải cảnh đẹp nên thơ
Phá Hạc Hải nằm ở cuối nguồn sông Kiến Giang, nơi tiếp giáp hai huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh, cách trung tâm TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình khoảng 25 cây số về phía Nam bên cạnh Quốc lộ 1A. Nơi đây được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng với dòng Kiến Giang trong xanh, điệu hò khoan Lệ Thủy... Đây còn có một địa danh làm nên sắc diện của núi Lệ non Mâu.
Xuất phát từ địa thế non sông, núi Đầu Mâu cao vút, quanh năm mây mù bao phủ đầu non, hình chóp núi nhọn như ngòi bút, còn phá Hạc Hải hình thể như cái nghiên mực, có lạch riêng cho thuyền bè đi lại, phía Đông Nam bao bọc bởi những động cát trập trùng, phía Tây Bắc có vách núi Trường Sơn làm thành quách. Hạc Hải còn có phù danh khác nữa là "Thiển Hải", cũng đồng nghĩa là biển cạn và một cái tên phổ biến hơn là "Thiền Hải", nghĩa là vùng nước đứng, ít chảy.
Người ta ví cảnh núi Đầu Mâu và phá Hạc Hải trông giống như ngòi bút và đĩa nghiên, vì thế. Núi Đầu Mâu có hình dáng đặc biệt với ba đỉnh nhọn hoắt, trông như một chiếc bút lông khổng lồ đang cắm thẳng lên trời. Vào ngày trời lặng gió, núi Đầu Mâu bỗng chuyển sang màu tím đậm, phản chiếu trên mặt nước của vùng đầm phá Hạc Hải trông giống như một cây cọ vẽ. Còn phá Hạc Hải thay vì có màu xanh ngọc bích như bình thường nay bị che mờ bởi bóng núi nên màu nước trở nên sẫm hơn. Đó thực sự là một vẻ đẹp choáng ngợp và độc đáo mà ai cũng phải xiêu lòng khi tận mắt chứng kiến.
Chiều buông, cảnh sắc nơi phá Hạc Hải càng lung linh, những tia nắng vàng ánh nhảy nhót trên đầm phá tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
Phá Hạc Hải trước đây vốn là vùng nước lợ, vì thế, nơi đây là nguồn cung cấp thuỷ, hải sản rất dồi dào, như tôm, cua, các loại cá… mang lại kế sinh nhai cho người dân trong vùng. Đây cũng là nơi rất thuận lợi cho cây đay, cây cói phát triển và là nguồn nguyên liệu chính cho nghề làm chiếu.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái nói về vùng đầm phá Hạc Hải: “Trước đây, chính nhờ hệ sinh thái nước ngập mặn mà hàng năm những đàn chim di trú đã tìm đến sinh sống. Nhiều giống chim đã chọn Hạc Hải làm nơi trú ngụ... Tuy nhiên, từ khi có đập ngăn mặn vùng đầm phá Hạc Hải - công trình thuỷ lợi được đầu tư để phục vụ cho nền kinh tế nông thôn của tỉnh Quảng Bình - đã kéo theo nhiều thay đổi ở vùng đầm phá này”.
Cách gì để “khai thông” tiềm năng du lịch vùng đầm phá Hạc Hải?
Thả trôi chiếc thuyền máy trên đầm phá để cảm nhận và lắng nghe thanh âm của đất trời, ngắm nhìn những làn sóng lăn tăn trên mặt nước. Ánh hoàng hôn buông, những ánh sáng vàng ánh đổ xuống vùng đầm phá Hạc Hải, tạo nên vẻ đẹp nên thơ. Người chủ thuyền cũng là chủ nhân một nhà hàng trong khu đầm phá này chia sẻ: vào mùa chim di cư, nhiều loài chim về đây cư ngụ. Chúng tôi đang ra sức bảo vệ các loài chim trời tự nhiên, hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều loại chim về với Hạc Hải hơn".
Những người dân nơi đầm phá trong trò chuyện cũng bày tỏ mong muốn, vùng đầm phá Hạc Hải - Quảng Bình nhận được sự quan tâm và khảo sát của các chuyên gia về du lịch để có định hướng tốt trong khai thác bền vững tiềm năng tài nguyên du lịch của vùng đầm phá này.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái đề xuất đối với một vùng như Phá Hạc Hải, Quảng Bình nên có khảo sát cụ thể để đưa vào điểm khai thác du lịch cộng đồng. Cần quy hoạch đường đi của tour cụ thể, như điểm đón khách, thuyền đi lại và giờ trả khách. Cần hỗ trợ người dân ở vùng đầm phá Hạc Hải về du lịch, mở khóa đào tạo lái thuyền máy, quy định loại thuyền được phép lưu thông ở khu vực sông Kiến Giang và loại thuyền ở khu vực các kênh rạch. Tránh để các hộ dân tự phát đón khách và đưa đón du khách trên thuyền máy chưa được cấp phép và giờ trả khách không có quy định rõ ràng để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Đối với vùng đầm phá Hạc Hải, nên có những bước đi riêng, đánh thức tiềm năng bản sắc văn hóa, ý thức cộng đồng trong người dân, thúc đẩy cộng đồng đoàn kết và đi lên từ nội lực, phục hồi nguyên trạng thiên nhiên môi trường xung quanh, rồi cùng kiến tạo nên sản phẩm tour du lịch cộng đồng. Bởi chính hơi thở cuộc sống, sinh hoạt, lao động canh tác hàng ngày của người dân bản địa sẽ gắn kết chọn lọc du khách đến với vùng đất.
Bên cạnh đó, cùng cộng đồng xây dựng tích hợp thêm các giá trị về nông sản, đặc sản, OCOP địa phương kèm với các ngành nghề thủ công truyền thống vốn có, đời sống tinh thần văn hóa phong phú của họ. Hướng đến việc bồi đắp, phục hồi cả môi trường văn hóa và môi trường thiên nhiên nhằm phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Với một vùng đầm phá như Hạc Hải, cần làm sớm quy hoạch và định hướng đưa ra phát triển du lịch cộng đồng, để những hộ dân ở khu vực này được hưởng lợi, người dân làm giàu ngay trên quê hương của mình. Tránh để vùng đầm phá Hạc Hải phát triển du lịch manh mún, tự phá, thiếu bền vững.
Theo các chuyên gia về du lịch cộng đồng, du lịch cộng đồng giúp người dân làm giàu ngay chính trên quê hương của mình, Quảng Bình hay nhiều địa phương trên toàn quốc nên nhìn nhận đánh giá thực trạng vùng miền để giúp người dân địa phương nhìn nhận đánh giá đúng tiềm năng du lịch như nông nghiệp, lịch sử... từ đó phát huy, bảo tồn những giá trị vốn có của địa phương, tránh để lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo, riêng có.