(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều nay (6/12/2019), tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức lễ khai trương Trung tâm Ngân hàng số BIDV (Digital Banking Center). Nhân dịp này, Trung tâm Ngân hàng số BIDV đã tổ chức tọa đàm với chủ đề Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng – Thách thức và giải pháp.
Các đại biểu thăm Trung tâm Ngân hàng Số BIDV. Ảnh: Huy Hoàng |
Tới tham dự lễ khai trương và tham gia tọa đàm có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh, ông Nguyễn Toàn Thắng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, cùng đại diện lãnh đạo một số vụ, cục chức năng của NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các công ty đối tác trong và ngoài nước, công ty công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam…
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang chứng kiến sự tác động mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), cuộc cách mạng mà sự kết hợp, giao thoa của công nghệ ở các lĩnh vực vật ý, số hóa và sinh học,… làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội. Trước bối cảnh đó, ngành Ngân hàng cũng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn đòi hỏi sự chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới, tích hợp công nghệ trong các hoạt động và số hóa các quy trình nghiệp vụ để tiến hành kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ dễ dàng trên nền tảng số, khai thác dữ liệu hiệu quả và gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.
“Phát triển ngân hàng số (digital banking) là nhu cầu tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh CMCN 4.0 và sự nổi lên của kinh tế số”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Giới thiệu về hoạt động chuyển đổi số tại BIDV. Ảnh: Huy Hoàng |
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, BIDV đã luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin với chiến lược, định hướng rõ ràng từ năm 2017. Hoạt động ngân hàng số của BIDV những năm qua đã đạt được những kết quả ấn tượng với sự đa dạng cả về sản phẩm, dịch vụ và các kênh phân phối hiện đại, tích hợp dịch vụ phi ngân hàng lên ứng dụng mobile, số hóa quy trình nghiệp vụ và phát triển hệ thống tự giao dịch E-zone…. Ba năm liên tiếp BIDV được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trao giải thưởng “Ngân hàng điện tử tiêu biểu” và năm 2019 được Hội Truyền thông số Việt Nam vinh danh “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”.
Ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả BIDV đã đạt được thời gian qua, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định đó là kết quả thuyết phục ban đầu cho chủ trương đúng đắn của Ban lãnh đạo BIDV trong chiến lược kinh doanh nói chung và chiến lược phát triển ngân hàng số nói riêng đi cùng sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ của toàn thể cán bộ, nhân viên BIDV đặc biệt là các cán bộ thuộc khối ngân hàng số.
“Việc thành lập Trung tâm Ngân hàng số BIDV sẽ là bước đệm giúp BIDV tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là ngân hàng đầu tàu trong các ngân hàng Việt Nam”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.
Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã nêu ra 4 vấn đề BIDV cần lưu ý: Thứ nhất, tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống ngân hàng; Thứ hai, nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên thiết bị di đọng, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số theo hướng tích hợp đa kênh đồng nhất, nâng cao trải nghiệm và gia tăng sự hài lòng của khách hàng, tập trung vào các dịch vụ đối với khách hàng mới, dịch vụ thanh toán và dịch vụ cho vay; Thứ ba, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, tăng cường ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 và nâng tầm công tác quản trị điều hành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đưa ra quyêt định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn; tự động hóa quy trình xử lý nghiệp vụ, cung ứng dịch vụ; Thứ tư, có chính sách hợp lý thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, chủ động xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại để trang bị cải thiện kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo cho cán bộ, nhân viên.
Giới thiệu công nghệ số với các đại biểu. Ảnh: Huy Hoàng |
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đồng thời nhấn mạnh, với chủ trương thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ thành tựu của CMCN 4.0, NHNN cam kết tiếp tục đồng hành với các ngân hàng Việt Nam nói chung và BIDV nói riêng trong quá trình chuyển đổi số thông qua việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng số và chú trọng xây dựng, phát triển hạ tâng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất có khả năng tích hợp kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số và nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.
Chia sẻ về những thành công trong chuyển đổi số tại BIDV, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú cho biết: Trong định hướng chiến lược đến 2025 và tầm nhìn 2030, BIDV xác định ngân hàng số là khâu đột phá, trọng tâm cùng với các khâu khác là khách hàng và nguồn nhân lực.
Theo ông Tú BIDV triển khai ngân hàng số trên cả hai phương diện đó là: Số hóa các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng; số hóa công nghệ quản trị ngân hàng.
"BIDV có đầy đủ các yếu tố về “Thiên thời – Địa lợi - Nhân hòa” để thực hiện mục tiêu của mình", ông Tú nói. "Thiên thời: đó là sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học công nghệ và kỹ thuật. Đảng và Nhà nước đã có Nghị quyết về chủ trương, chính sách, chủ động gia cuộc CMCN 4.0 và chính phủ có hàng loạt chương trình hành động thiết thực; Địa lợi: Thứ nhất là lợi thế về quy mô 11 triệu khách hàng. Thứ hai là quy mô ngân hàng lớn nên có khả năng chi lớn cho các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại; Nhân hòa: Có đội ngũ cán bộ giỏi và đa dạng, có sự phối hợp tốt với các đối tác, công ty Fintech hàng đầu".
Nói về thành công trong chuyển đổi số của BIDV, ông Phan Đức Tú gói trọn chỉ trong hai từ “con người” - yếu tố có ý nghĩa quyết định cho tất cả mọi thành công.
Trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Huy Hoàng |
Tọa đàm “Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng – Thách thức và giải pháp” do Trung tâm Ngân hàng Số BIDV tổ chức tập trung vào 5 nội dung trao đổi chính: Xác thực định danh điện tử (eKYC); Ngân hàng đại lý; Giao diện kết nối ứng dụng mở (Open API); Chia sẻ dữ liệu trên cơ sở điện toán đám mây; An ninh trên môi trường số.
Về xác thực định danh điện tử (eKYC): Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) - cho biết trong khi chờ có cơ sở dữ liệu sinh trắc học quốc gia các ngân hàng có thể chủ động xây dựng cho riêng mình theo hướng dẫn và các quy định của luật pháp và ngoài việc áp dụng eKYC trong lĩnh vực thanh toán còn có thể áp dụng cho các nghiệp vụ khác như bán lẻ, mua bán tín dụng…
Ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông - gợi ý về cái “bắt tay” lịch sử giữa ngân hàng và các nhà mạng trong việc xây dựng kho dữ liệu sinh trắc học và đây sẽ là nền tảng cực kỳ có lợi cho việc xây dựng kho dữ liệu quốc gia trong tương lai.
Một gợi ý khác được đưa ra trong việc xây dựng kho dữ liệu điện tử là ứng dụng công nghệ Blockchain.
Về ngân hàng đại lý: Các ý kiến tại tọa đàm thống nhất vai trò quan trọng của ngân hàng đại lý trong việc phục vụ rộng rãi các đối tượng khách hàng, nhưng điều cần nhất là phải xây dựng được cơ chế kiểm soát chặt chẽ ngay từ ban đầu như: điều kiện ngân hàng nhận đại lý, giao cho ai, xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ như thế nào, hạn mức giao dịch tối đa tiền vào tiền ra để phòng ngừa và giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro.
Theo Khảo sát của NHNN, đa số các ngân hàng đều coi chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng sống còn trong hoạt động. 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên các công nghệ 4.0 và có 92% ngân hàng đã phát triển dich vụ ứng dụng trên Internet và Mobile; nhiều ngân hàng đã thành lập khối/trung tâm ngân hàng số và từng bước chuyển đổi mô hình hoạt đông, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa đích thực. Hầu hết các ngân hàng đã số hóa dịch vụ thanh toán và đang thực hiện cho các dịch vụ ngân hàng còn lại. |
Về giao diện kết nối ứng dụng mở (Open API): Các gợi mở tại tọa đàm cho rằng cần kết hợp nhuần nhuyễn khung pháp lý về hạ tầng kỹ thuật, cũng như khung pháp lý về chính sách chia sẻ thông tin khách hàng giữa các tổ chức tín dụng, công ty Fintech, cũng như giữa các tổ chức tín dụng với nhau.
Về chia sẻ, lưu trữ dữ liệu trên dịch vụ điện toán đám mây: Vấn đề vướng mắc chính hiện nay trong việc chia sẻ thông tin dữ liệu lớn (Big data) là bởi quy định của luật pháp còn một số điểm chưa phù hợp cần sớm được xem xét điều chỉnh.
Về an ninh, an toàn trên môi trường số: Việc triển khai giải pháp số đảm bảo an ninh an toàn trên môi trường số phải được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh yếu tố công nghệ thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng ý thức tư duy an toàn tài chính cho khách hàng và bản thân mỗi cán bộ ngân hàng phải thấm nhuần điều này.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp đồng từ vấn giữa BIDV và Công ty Ernst & Young. Ảnh: Huy Hoàng |
Cũng nhân dịp này, BIDV và Công ty Ernst & Young đã ký kết hợp đồng tư vấn xây dựng chiến lược triển khai số hóa BIDV giai đoạn 2019 -2025, tầm nhìn 2030.