(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc CIC cho biết, ngay từ khi đại dịch bùng phát trở lại trong nửa đầu năm, CIC đã ban hành các chính sách hỗ trợ giảm 50% trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng theo từng hợp đồng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ ngày 1/1/2021 đến 31/12/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, CIC đã giảm khoảng 123 tỷ đồng tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC phát biểu tại Hội nghị |
Về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp trên cả nước, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các TCTD và CIC, song CIC vẫn đảm bảo duy trì hoạt động thu thập và xử lý dữ liệu.
Kết quả, 123/123 đầu mối TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân, 4 tổ chức tài chính vi mô chính thức thực hiện báo cáo thông tin tín dụng đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Bên cạnh đó, CIC vẫn tiếp tục mở rộng thu thập thông tin từ các bộ, ngành và 74 tổ chức tự nguyện tham gia hoạt động thông tin tín dụng để nâng cao độ phủ và chiều sâu của kho dữ liệu. Trong nửa đầu năm 2021, độ phủ thông tin tín dụng tiếp tục được cải thiện so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 3,1 triệu khách hàng (hơn 7,1%), nâng tổng số khách hàng trong kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia lên trên 47 triệu khách hàng.
Trong quá trình xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, CIC thường xuyên quan tâm đến công tác an toàn, bảo mật thông tin. Tổ chuyên trách về bảo vệ an toàn, an ninh thông tin được thành lập, có nhiệm vụ tham mưu Tổng Giám đốc ban hành và thực thi biện pháp bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin, trong đó tăng cường các giải pháp kỹ thuật, mã hóa, giám sát an toàn thông tin trên các hệ thống mạng nội bộ, mạng kết nối trực tiếp với TCTD gửi báo cáo, mạng internet. Do vậy, toàn bộ cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia được bảo đảm an toàn, chống truy cập, khai thác trái phép.
Hiện nay, các TCTD đã có những phương án kinh doanh nhằm thích nghi với tình hình dịch bệnh, do đó nhu cầu khai thác thông tin của các TCTD đã ổn định và tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm 2021, CIC đã cung cấp trên 25,5 triệu báo cáo các loại, tăng trưởng 43,3% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Đặc biệt, ngày 20/4/2021, CIC đã tổ chức Hội nghị công bố mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân 2.0 với sự hỗ trợ của Tập đoàn NICE (Hàn Quốc). Mô hình mới có các bước cải tiến nổi bật cả về phương pháp xây dựng, nguồn dữ liệu và phương thức vận hành. Thông qua mô hình, toàn bộ khách hàng vay thể nhân sẽ được chấm điểm với tần suất định kỳ hàng tháng nhờ nền tảng công nghệ và thuật toán mới (học máy – machine learning). Do đó, tính chính xác và độ ổn định của mô hình được đảm bảo, cải thiện hơn so với mô hình cũ; chất lượng sản phẩm dịch vụ liên quan được nâng cao, tiến tới đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Tính đến nay, đã có 122.787 khách hàng cá nhân đăng ký tài khoản, nâng tổng số khách hàng lên 352.911 tài khoản; trên 500 sản phẩm tín dụng của TCTD được quảng bá; khoảng 3.530 tài khoản của các cán bộ tín dụng đăng ký. Cũng thông qua cổng thông tin này, số lượng khách hàng vay khai thác báo cáo tín dụng cá nhân cũng tăng nhanh, qua 6 tháng đầu năm, CIC cung cấp trên 71.061 báo cáo tín dụng trực tiếp cho khách hàng vay, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021 nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đã bước đầu thích nghi được với việc phát triển kinh tế trong tình hình mới, tuy nhiên để đạt được những mức tăng trưởng như trước khi dịch bệnh xảy ra còn là sự cố gắng rất lớn. “CIC đã nhận thức được vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc duy trì hoạt động thông tin tín dụng an toàn, hiệu quả, hỗ trợ các TCTD trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh trong đại dịch COVID-19”, Tổng Giám đốc CIC Đỗ Hoàng Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đỗ Hoàng Phong, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm của CIC đã có sự tăng trưởng trở lại, song yêu cầu đặt ra trong thời gian tới còn rất thách thức, CIC quyết tâm đẩy mạnh hoạt động trong 6 tháng còn lại của năm 2021, phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất, góp phần vào sự phát triển chung của ngành ngân hàng.
CIC sẽ tiếp tục bám sát định hướng và kế hoạch công tác của NHNN như triển khai nghiêm túc kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN và các định hướng, chỉ đạo của NHNN trong việc hỗ trợ các TCTD, người, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19; Thực hiện thu thập, xử lý, kiểm soát và cập nhật dữ liệu kịp thời từ các TCTD, các tổ chức tự nguyện theo quy định tại Thông tư 02 và 03, triển khai các giải pháp cải thiện năng lực xử lý dữ liệu; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Cổng thông tin kết nối với khách hàng vay tới các TCTD và khách hàng vay; Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm hiện có, sản phẩm tổng hợp phục vụ các đơn vị, nghiên cứu xây dựng thêm sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của các TCTD… Đặc biệt, CIC tiếp tục thực hiện giảm phí cho các TCTD để thông qua đó các ngân hàng thương mại có cơ sở giảm lãi suất đầu ra nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19.