Sáng ngày 1/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn là việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo đó, các đại biểu đề nghị làm sáng tỏ, tường minh hơn nữa về vấn đề doanh nghiệp phản ánh mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, tiếp cận tín dụng gặp nhiều khó khăn, trong khi việc giải ngân các gói hỗ trợ lãi suất thì ách tắc.
Giải trình làm rõ các vấn đề về mặt bằng lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, từ trước tới nay nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có 2 lý do khiến thị trường phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn, thứ nhất là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD đắt lên, thì áp lực mất giá của đồng Việt Nam là rất lớn.
Giải trình về vấn đề điểm nghẽn khi triển khai các gói hỗ trợ liên quan đến NHNN, Thống đốc cho rằng, đối với gói cấp bù lãi suất, khó xác định được thế nào là doanh nghiệp “có khả năng phục hồi”, vì vậy, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều có tâm lý e ngại. Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển nguồn này, khoảng 24.000 tỷ đồng cho giảm thuế VAT.
Còn đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, NHNN cho biết, đây là chương trình đến năm 2030 chứ không phải chỉ giải quyết trong năm 2022 và 2023. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn và uỷ quyền cho các địa phương để công bố các danh mục dự án. Nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thì cao, nhưng nhu cầu vay lại là vấn đề, bởi vì quyết định vay để mua một căn nhà phải do người dân. Đặc biệt, trong Luật nhà ở hiện nay đang trình Quốc hội trong kỳ này đã có điểm cho phép doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân, vì vậy đây là điểm tích cực để gói này tăng dư nợ giải ngân.
Theo Truyền hình Quốc hội Việt Nam