(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 26/8/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức khóa học với chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng dành cho lãnh đạo cấp Vụ và tương đương”. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng và ông Dennis Quennet, Giám đốc, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh - Dự án GIZ của Đức dự và chủ trì khoá học.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại khóa học
Giảng viên là lãnh đạo NHNN, chuyên gia NHTW châu Âu (ECB), lãnh đạo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), lãnh đạo Vụ Thanh toán (NHNN),… cùng 62 học viên là lãnh đạo cấp vụ và tương đương thuộc NHNN Trung ương và Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai giảng khóa học, ông Đặng Văn Tuyên - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (NHNN) - Giám đốc Hợp phần 3 Dự án GIZ/Đức cho biết, hiện nay chuyển đổi số đã và đang trở thành ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài xu thế tất yếu đó. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng được xác định là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hàng ngày tới người dân, nên cần phải ưu tiên chuyển đổi số trước.
Mục tiêu của khóa bồi dưỡng nhằm: Cập nhật cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp Vụ của NHNN những kiến thức mới về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng; Xu hướng tiếp cận trên thế giới và tại Việt Nam, theo đó giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý của NHNN có cái nhìn xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị, phù hợp với yêu cầu phát triển chung của NHNN và của ngành Ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.
Ông Dennis Quennet, Giám đốc, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh - Dự án GIZ của Đức phát biểu
Ông Dennis Quennet, Giám đốc, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh - Dự án GIZ của Đức nhận định, bối cảnh mới đặt ra yêu cầu ngành Ngân hàng phải có những đổi mới về mặt công nghệ. Đây là quá trình chuyển đổi lớn, vì vậy cần có kĩ năng, tổ chức từ những người lãnh đạo. Chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ đem đến lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và cao hơn là phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững của quốc gia trong tương lai.
Tại khóa học, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đã chia sẻ với các học viên về chủ trương, định hướng và kết quả chuyển đổi số của ngành Ngân hàng cũng như những thách thức và giải pháp trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh cần lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Đồng thời, khẳng định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng.
Nhờ những nỗ lực của toàn Ngành, đánh giá chỉ số chuyển đổi số của NHNN đạt nhiều kết quả tích cực, là một trong những ngành đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số. Năm 2021, NHNN đứng thứ nhất xếp hạng an toàn thông tin mạng, đứng thứ hai về chỉ số kiến tạo thể chế và thứ tư về chỉ số hoạt động chuyển đổi số. Với các NHTM, đã bước đầu hình thành hệ sinh thái số, các nghiệp vụ thanh toán cơ bản được số hoá hoàn toàn, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế.
Toàn cảnh khóa học
Các học viên cũng được các chuyên gia trong và ngoài nước cung cấp thông tin và bức tranh tổng thể về: Các vấn đề lớn trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng giai đoạn hiện nay, định hướng chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong thời gian tới; Chuyển đổi số bộ, ngành theo chủ trương chuyển đổi số Quốc gia; Triển khai chuyển đổi số tại ngân hàng thương mại; Vai trò NHNN trong thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng; Những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai chuyển đổi số tại NHTM; Chia sẻ kinh nghiệm về vai trò, thách thức của Ngân hàng Trung ương trong chuyển đổi số.
Phát biểu bế mạc, ông Đặng Văn Tuyên khẳng định, khóa bồi dưỡng sẽ giúp học viên hiện đang giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị trong NHNN có cái nhìn xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị, phù hợp với yêu cầu phát triển chung của NHNN và của ngành Ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay. Đồng thời, đây là cơ hội để các học viên trao đổi về một chủ đề liên quan đến sự phát triển của ngành trong tương lai, giúp tăng cường kết nối mạng lưới, cùng nhau hợp tác, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong nước và quốc tế.