Vấn đề - Nhận định

Khôi phục niềm tin cho thị trường trái phiếu

PV 15/06/2023 07:30

Các chuyên gia cho rằng, những vướng mắc thanh khoản của thị trường trái phiếu có phần hạ nhiệt, nhưng chưa phải đã được giải quyết tận cùng.

Thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 5, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 22.789 tỷ đồng trái phiếu, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022.

Ước tính trong các tháng còn lại của năm sẽ có khoảng 195.237 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, con số này không hẳn tạo một áp lực lớn cho thị trường khi nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán thành công với trái chủ để gia hạn.

Từ khi Nghị định 08 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã có khung pháp lý thực hiện đàm phán thành công để gia hạn tối đa thời hạn đáo hạn trái phiếu thêm 2 năm, từ đó có thêm dư địa và nguồn lực để tập trung khôi phục hoạt động kinh doanh.

"Các doanh nghiệp có khuynh hướng giãn và kéo dài thời gian trả nợ 1 - 2 năm theo đúng Nghị định Chính phủ. Họ cũng đang tái khởi động, tái cấu trúc kinh doanh theo hướng nhiều phân khúc sản phẩm thay vì chỉ tập trung vào cao cấp. Một số doanh nghiệp cũng cố tự tạo thanh khoản cho mình bằng cách hạ giá bán sản phẩm", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty CP Chứng khoán Smart Invest, cho biết.

Tuy nhiên trong định hướng hạ thấp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng, trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn thiết yếu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản về lâu, về dài. Trong ngắn hạn, để khôi phục niềm tin vào kênh dẫn vốn này, cần thêm sự hỗ trợ từ phía các nhà đầu tư tổ chức.

"Với room tín dụng cho trái phiếu, các ngân hàng khi có room đấy có thể tự tin bảo lãnh, tìm các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, có dòng tiền thì hỗ trợ giải ngân vào thị trường trái phiếu để duy trì hoạt động kinh doanh, gỡ mắc cho các doanh nghiệp", ông Khâu Anh Tuyên, nhà đầu tư, cho hay.

Về dài hạn, để kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân quay lại thị trường, yếu tố minh bạch sẽ cần phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt sau nhiều những trường hợp kêu gọi vốn trái phiếu, nhưng sử dụng sai mục đích thời gian vừa qua.

"Muốn trái chủ tham gia thì phải sản xuất kinh doanh nhưng không sản xuất kinh doanh mà cơ cấu nợ thì sẽ không có dòng tiền để trả, nên khi phát hành phải đưa ra rõ mục tiêu sử dụng vốn là gì, các cơ quan sử dụng vốn cũng phải kiểm soát kỹ. Ví dụ như hồi mình làm ngân hàng, mình phải xem rất kỹ mục đích sử dụng vốn thì mình mới giải ngân, dùng không đúng là thu hồi vốn hay dừng giải ngân ngay", ông Khâu Anh Tuyên, nhà đầu tư, nói.

Theo các chuyên gia, những vướng mắc thanh khoản của thị trường trái phiếu có phần hạ nhiệt, nhưng chưa phải đã được giải quyết tận cùng, doanh nghiệp đang rất cần sự tháo gỡ nút thắt về pháp lý dự án để có thể hoàn thiện sản phẩm, bán hàng và có dòng tiền trả nợ.

Dữ liệu đang cho thấy vòng quay tồn kho bất động sản của doanh nghiệp, tức là chỉ báo thể hiện thời gian doanh nghiệp có thể bán hết hàng đã lên tới mức 6,5 năm. Con số này hiện đang gấp đôi với thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu là 3 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khôi phục niềm tin cho thị trường trái phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO