Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đang soạn thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (kinh tế tuần hoàn), trong đó nguồn lực tài chính được đánh giá là không thể thiếu được.
Cần cách tiếp cận mới…
Ngày 12/6/2023 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Phát triển kinh tế bền vững, Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Diễn đàn sẽ lấy ý kiến góp ý đối với nội dung này, tập trung trao đổi những vấn đề liên quan đến cơ chế thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn và xây dựng khung thử nghiệm chính sách cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng ở Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 từ năm 2020, các quốc gia cũng nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng; theo đó kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng.
Trên cơ sở tham mưu của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định 687/QĐ-TTg đã khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhận thức được tính cấp thiết của việc cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ngay từ năm 2020, Bộ KH&ĐT đã chủ động đề xuất thực hiện những nghiên cứu cơ bản và tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn. Bộ đã có báo cáo với Chính phủ về việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam từ đầu năm 2021.
Phát biểu tại Diễn đàn. TS. Nguyễn Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, để tạo dựng "sức sống" cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ.
“Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy "phục hồi xanh". Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm (sandbox) phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, trình Chính phủ vào quý II/2023.,,”- Viện trưởng CIEM cho hay.
Doanh nghiệp được hỗ trợ tài chính như thế nào?
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ánh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) - cho biết, mục tiêu xây dựng chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn là để các nhà đầu tư, DN yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, việc tổng kết thi hành Nghị định sẽ tạo điều kiện cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đề xuất 6 nội dung chính sách, gồm: Khu công nghiệp, khu kinh tế; Phân loại xanh; Tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; Tín dụng xanh, trái phiếu xanh; Đào tạo lao động; Đất đai. 4 lĩnh vực được đề xuất thử nghiệm là: Nông lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng; Vật liệu xây dựng. CIEM đề xuất hiệu lực của Nghị định là 5 năm.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Dennis Quennet - Giám đốc Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô của GIZ - cho biết, Đức và Viêt Nam đang trong quá trình hoàn thiện chính sách về kinh tế tuần hoàn. Do đó, một cơ chế thử nghiệm là cần thiết cho các nhà làm chính sách,
Từ kinh nghiệm của Đức, ông Dennis Quennet cho biết, thái độ của DN trong quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn sẽ có hai loại: Sẵn sàng triển khai và lưỡng lự chần chừ. Vì vậy sandbox phải tính đến cả 2 loại đối tượng này. Ông cũng lưu ý đến chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện kinh tế tuần hoàn. Và khẳng định: “Tài chính là phần không thể thiếu trong sandbox”.
Liên quan đến hỗ trợ tài chính, theo đề xuất của CIEM, Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được nhà nước, chính quyền địa phương tư vấn giới thiệu công nghệ, hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ; Đối với các dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được nhận chuyển giao công nghệ được nhà nước miễn thuế nhập khẩu, chuyển giao trang thiết bị công nghệ phục vụ dự án tham gia cơ chế thử nghiệm, ưu tiên thông quan hàng hóa; Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị DN cho Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm; Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề, chi phí chuyển đổi nghề nghiệp nhưng không vượt quá 3 tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động tại khu vực triển khai dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm…
Đặc biệt, về chính sách đất đai, dự thảo đề xuất: Tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thu tiền sử dụng đất đối với phần đất dự kiến triển khai dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết cho Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm đã được cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm để làm tài sản đảm bảo phát hành bảo lãnh ngân hàng khi phát hành trái phiếu xanh; Ưu tiên sử dụng nguồn vốn đầu tư công kết dư, chậm giải ngân, vốn đã bố trí cho dự án đầu tư công nhưng dự án không còn hiệu quả điều chuyển sang mục đích giải phòng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Với chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh, CIEM đề xuất Dự án kinh tế tuần hoàn được quyền tiếp cận các nguồn vốn (thông thường và xanh); Dự án kinh tế tuần hoàn xanh toàn phần không được tính trong chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ cho các tổ chức tín dụng; Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được tiếp cận vốn thông qua trái phiếu xanh, song có đặt ra các giới hạn cụ thể và bảo đảm các quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - kinh tế tuần hoàn và tài chính xanh phải là một trọng tâm trong tăng trưởng xanh. Điều quan trọng là có một thị trường tài chính đa dạng cho DN nhỏ và vừa (bảo lãnh tín dụng, tái chính vi mô, cho thuê tài chính, quỹ đầu tư, Fintech…). Cùng với đó là khung khổ pháp lý phù hợp (quyền tài sản, thế chấp và tài sản đảm bảo). Đồng thời là cần các khuyến khích tài chính và tài khóa cho sáng tạo…
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, phải tạo động lực cho đổi mới sáng tạo nhưng cũng phải tính đến rủi ro, và Chính phủ cần chia sẻ rủi ro với DN. “Cần xác định thúc đẩy và hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn là điểm nhấn, là ưu tiên. Kinh tế tuần hoàn cần được xem là một lĩnh vực đầu tư thúc đẩy và hỗ trợ…”- Chuyên gia này lưu ý.