Cuộc khủng hoảng nợ ở các nước thu nhập thấp tiếp tục trầm trọng hơn. Trong khi đó, các chính sách quốc tế dường như đang mất dần sức hút đối với vấn đề này. Liệu khủng hoảng nợ có thể lấy lại được quyền kiểm soát hay thảm họa nợ ở các nước đang phát triển trở thành điều không thể tránh khỏi?
Số lượng các nền kinh tế gặp khó khăn về nợ đã tăng mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đến trước đại dịch COVID-19, theo đánh giá về các quốc gia được xếp mức B3 hoặc thấp hơn từ cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's. Sau đó, khi đại dịch COVID - 19 bùng phát, số lượng các quốc gia gặp khó khăn đã ngừng tăng, khi các nhà lãnh đạo toàn cầu quyết tâm giải quyết tình trạng khẩn cấp về nhân đạo cũng như khủng hoảng tài chính. Nhóm G20 đã đề xuất Sáng kiến hoãn thực hiện nghĩa vụ nợ (DSSI), nhằm tạm thời giảm bớt áp lực trả nợ của chính phủ các quốc gia đang gặp khó khăn.
Nhưng sau khi sáng kiến này hết hạn vào cuối năm 2021, số lượng các quốc gia gặp khó khăn trả nợ bắt đầu tăng trở lại, một phần là vì lãi suất toàn cầu cao hơn khiến việc trả nợ khó khăn hơn. Số quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần, được Moody's đo lường, hiện đã vượt quá con số 40.
Vào cuối năm 2020, sáng kiến hoãn thực hiện nghĩa vụ nợ đã được bổ sung bởi Khung chung về xử lý nợ. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho các thỏa thuận tái cơ cấu nợ giữa các quốc gia có khoản nợ không bền vững, các chủ nợ và trái chủ ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên, những nỗ lực tái cơ cấu này đã kéo dài nhiều năm mà không có tiến triển rõ ràng.
Thỏa thuận gần đây giữa Zambia và các chủ nợ được ca ngợi là một bước đột phá. Nhưng sự cứu trợ dành cho Zambia rõ ràng là không thỏa đáng. Và ngay khi thỏa thuận đề xuất được công bố thì nó đã sụp đổ. Trung Quốc phàn nàn rằng các chủ nợ ngân hàng quốc doanh của nước này đang bị đối xử kém thuận lợi hơn so với các chủ nợ khác. Khuôn khổ chung, theo đó được góp ý là cần “một sự thiết lập lại căn bản trong năm mới”.
Thật trùng hợp, năm 2024 đánh dấu 100 năm Kế hoạch Dawes, theo đó các khoản nợ của Đức đối với các đối thủ trong Thế chiến thứ nhất được cơ cấu lại. Và trong sự kiện này có một câu chuyện.
Cuộc chiến đã để lại những quan hệ tài chính rối rắm: khoảng 30 tỷ USD tiền bồi thường mà Đức nợ các Đồng minh châu Âu chiến thắng và 10 tỷ USD khoản nợ chiến tranh mà Đồng minh nợ Mỹ. Rõ ràng là, các nghĩa vụ này có mối liên quan với nhau – phía Đồng minh châu Âu sẽ đồng ý giảm quy mô bồi thường chiến tranh của Đức chỉ khi Mỹ xóa nợ cho họ.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ, sau khi chuyển sang theo chủ nghĩa biệt lập, đã kiên quyết từ chối bỏ qua các nghĩa vụ của Đồng minh. Nước Mỹ - vốn từng là con nợ ròng trước chiến tranh, chưa quen với trách nhiệm trở thành chủ nợ ròng của thế giới.
Năm 1923, Mỹ muộn màng thừa nhận mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ sau Thế chiến thứ nhất, mà siêu lạm phát ở Đức không thể bỏ qua. Mỹ đã cử Charles G. Dawes, chủ ngân hàng Chicago và là Phó tổng thống tương lai của Mỹ, làm chủ tịch một ủy ban quốc tế để xem xét vấn đề nợ thời hậu chiến.
Việc tham gia vào Dawes có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nó báo hiệu sự tái tham gia của Mỹ vào các vấn đề toàn cầu. Kế hoạch Dawes chỉ trì hoãn các nghĩa vụ trước mắt của Đức, còn các khoản nợ dài hạn rất ít được xem xét, thực tế là chỉ đẩy các khoản thanh toán của nước này vào tương lai. Việc thanh toán của chính phủ Đức cho quân Đồng minh sau đó được thực hiện thông qua khoản vay bằng đồng USD với lãi suất thả nổi trên thị trường Mỹ với ngân hàng đầu tư Mỹ J.P. Morgan & Co.
Những thỏa thuận chắp vá này đã ngăn chặn tình trạng siêu lạm phát ở Đức và cho phép tăng trưởng kinh tế châu Âu tiếp tục. Nhưng mọi thứ đã tan vỡ sau năm 1929. Khi nền kinh tế toàn cầu chìm vào cuộc Đại suy thoái, lệnh tạm hoãn một năm đối với tất cả các khoản nợ và thanh toán bồi thường đã được thống nhất vào năm 1931.
Chỉ đến năm 1932, khi đã quá muộn để ngăn chặn bước ngoặt chính trị tai hại của Đức, các chính phủ châu Âu cuối cùng mới đồng ý hủy bỏ yêu cầu bồi thường của mình. Tiếp theo, họ chối bỏ các khoản nợ với Mỹ.
Một số bài học cho cuộc khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển ngày nay có thể được rút ra từ lịch sử bi thảm này.
Thứ nhất, các chủ nợ dù thiếu kinh nghiệm cũng phải thừa nhận vai trò của mình trong việc giải quyết khủng hoảng nợ. Trong bối cảnh hiện tại, điều này có nghĩa là mọi con mắt đều đổ dồn vào Trung Quốc, chủ nợ quan trọng nhất của các nước nghèo đang gặp khó khăn về nợ nần.
Thứ hai, nếu đơn giản chỉ là cung cấp tín dụng cho các quốc gia đang gặp khó khăn, theo cách của J.P. Morgan năm 1924, chỉ đơn thuần là giải pháp trì hoãn. Trung Quốc hiện đang cung cấp các khoản tín dụng và hoán đổi đồng Nhân dân tệ cho các chính phủ trước đây đã vay các khoản vay cơ sở hạ tầng như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cho phép các quốc gia này duy trì các khoản thanh toán hiện tại cho các ngân hàng Trung Quốc. Cách này không giải quyết được gì. Nó chỉ khiến các quốc gia gặp khó khăn mắc nợ nhiều hơn.
Cuối cùng, việc cung cấp cho các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần vừa đủ cứu trợ để tiếp tục tồn tại sẽ khiến họ gặp rủi ro trong trường hợp có thêm một cú sốc. Đây là cách tiếp cận được thực hiện theo Kế hoạch Dawes và nó đã không thành công trong cuộc Đại suy thoái. Còn hiện nay, cách tiếp cận được thực hiện theo Khuôn khổ chung, bắt buộc các chủ nợ chỉ phải cung cấp mức cứu trợ tối thiểu - vừa đủ để cho phép Quỹ Tiền tệ Quốc tế tuyên bố khoản nợ của quốc gia là bền vững. Điều này không để lại phạm vi sai số nào. Tuy nhiên, như các sự kiện đã nhắc nhở chúng ta, sai sót luôn có cách xảy ra.