(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giới chuyên môn cho rằng, tổng thể về cách tiếp cận của thị trường trái phiếu phải rất mở, đảm bảo theo nguyên lý kinh tế thị trường, đảm bảo cân bằng giữa rủi ro và phát triển.
Từ khi những vụ "lùm xùm" liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị phát hiện, Chính phủ và Bộ Tài chính liên tục đốc thúc các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu lại rộ lên với những dự định quản lý, những ý kiến, đề xuất được đưa ra ở nhiều chiều. Trong đó nóng nhất là nội dung sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Kiểm soát nhưng không kìm hãm sự phát triển
Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển thị trường TPDN hiệu quả, bền vững" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 19/5, TS. Phạm Xuân Hoè - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước - cho rằng sau những vụ việc “lùm xùm” trên thị trường tài chính xảy ra như vừa qua các quan điểm về thị trường TPDN đang chuyển từ thái cực quá mở sang thái cực quản lý chặt chẽ. Như thế là chưa hợp lý với nguyên tắc thị trường. “Nếu cứ tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ khó có được một thị trường trái phiếu lành mạnh, không đạt đến mục tiêu 20% GDP”, TS. Phạm Xuân Hoè phát biểu.
Theo chuyên gia này, nhìn tổng thể về cách tiếp cận của thị trường phải rất mở, phải đảm bảo theo nguyên lý kinh tế thị trường để cân bằng vốn giữa thị trường dài hạn và ngắn hạn, đồng thời, phải cân bằng giữa rủi ro và phát triển thị trường.
Thực tế cho thấy, sau các vụ “lùm xùm” thời gian qua, không khí lo lắng thị trường trái phiếu bị siết mạnh đang bao trùm. Điều này dẫn đến lượng TPDN giảm mạnh trong tháng 4/2022. Số liệu từ Công ty Chứng khoán KBSV cho thấy, tổng giá trị TPDN phát hành tháng 4/2022 đạt 16.472 tỷ đồng, giảm 23,2% so với tháng trước, trong đó 90,7% số lượng trái phiếu là do các ngân hàng phát hành.
“Các doanh nghiệp đang cảm thấy sức ép rất lớn, nhất là việc rất khó tiếp cận nguồn vốn. Nếu việc phát hành TPDN cứ tiếp tục bị “siết chặt” lại, đó là tín hiệu không tốt cho thị trường”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ.
Theo các chuyên gia, việc “siết chặt” thị trường cũng nên cẩn trọng. Kiểm soát là cần thiết nhưng không thể kìm hãm thị trường phát triển. Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác. Nếu không hiểu rõ, không làm rõ được mục tiêu, mong muốn của việc ban hành quy định pháp luật mà tiếp tục sửa đổi, thì không những không giảm điều kiện kinh doanh mà còn tăng gấp đôi điều kiện phát hành trái phiếu. Điều đó sẽ rất khó cho thị trường. Cần hài hòa khi sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153), làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.
“Cần phải thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm và phải sửa cả cơ chế xử phạt, tăng mức độ xử phạt, không giới hạn phạt hành chính, vì nếu giới hạn thì phải xử lý hình sự. Xử lý hình sự là không tốt khi xử lý các vấn đề kinh tế, bất đắc dĩ mới xử lý hình sự”, Luật sư Đức nhấn mạnh.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thúc đẩy hoạt động xếp hạng hạng tín nhiệm để giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. Nhưng bắt buộc hay khuyến khích việc xếp hạng tín nhiệm là vấn đề phải cân nhắc. Theo TS. Cấn Văn Lực, có thể thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra. Nên cho phép thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp.
Tạo dựng nền tảng tốt để thị trường phát triển lành mạnh và minh bạch
Để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, an toàn, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm.
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh quan điểm: “để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro. Trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu”.
Cùng với đó, TS. Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp. Sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 156/2020 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán). Tiến tới sửa Luật chứng khoán 2019, trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…. Đặc biệt, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản bảo đảm, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu. Phát hành trái phiếu không nhất thiết phải có tài sản bảo đảm nhưng với Việt Nam vẫn mang tâm lý “khi bị chết đuối thì cọng rơm cũng quan trọng” nên việc có tài sản bảo đảm làm cọng rơm đôi khi vẫn cần.
Bên cạnh đó, cần phát triển nền tảng nhà đầu tư chứng khoán đa dạng, chuyên nghiệp; khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí…; khuyến khích hình thức ủy thác đầu tư; cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và những nhà đầu tư mới; yêu cầu minh bạch thông tin cho nhà đầu tư, đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân…, giúp họ nhận diện các rủi ro, có thêm các lựa chọn đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro, từ đó tránh những hệ lụy không đáng có...
Và cuối cùng cần hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không chỉ là biện pháp hành chính.
Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 đã đưa ra nhiều điểm không phù hợp. Phải làm sao để có được sự cân bằng trên thị trường vốn. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 có nói đến hạn mức vay nợ của doanh nghiệp không quá 3 lần so với vốn chủ sở hữu - cách tiếp cận đó chưa phù hợp. Dự thảo đưa ra những quy định kiểm soát quá chặt chẽ dòng vốn và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu - việc đó không khả thi. “Tiền đã vào trong túi doanh nghiệp thì không thể phân biệt “đồng này mua mắm, đồng này mua tương”, nên cơ chế cần có sự thông thoáng, cởi mở nhất định”, ông Hòe nói.
Cũng liên quan đến hạn mức vay nợ của doanh nghiệp ông Hòe cho rằng mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có câu chuyện hệ số vay nợ khác nhau. Nên phải phân tích theo đặc thù ngành nghề để giới hạn, chứ không nên cào bằng như nhau.
Bàn về nội dung sửa Nghị định 153, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho rằng tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP vẫn có nhiều bất cập, có thể kể đến như: bất cập ở yêu cầu kết quả kinh doanh năm trước có lãi; tổng dư nợ trái phiếu không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có tài sản bảo đảm nếu tổng dự nợ trái phiếu vượt quá vốn chủ sở hữu; bất cập trong việc chỉ cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán…
“Các quy định này có thể sẽ tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ. Cùng với đó, chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ: kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn… hoặc các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của mình, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy Ban kinh tế của Quốc hội - đề nghị nên sửa Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong đó có nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có một lợi ích rất dài hạn. Đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách. Đồng thời, cần sửa Nghị định 156/2020 với các chế tài nghiêm khắc hơn, phù hợp với những biến động của thị trường.
Theo ông Hiếu “các Nghị định với nội dung cần sửa cần song hành với 2 loại hình đầu tư và mạo hiểm, tạo dựng nền tảng tốt, dẫn dắt thị trường chứ không phải hạn chế thị trường, quản lý siết chặt”.
Để xây dựng được thị trường TPDN chuyên biệt, phát triển lành mạnh và theo thông lệ quốc tế, giới chuyên môn cho rằng, thị trường phải bao gồm được các yếu tố: cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán, bù trừ chuyên biệt, các thành viên giao dịch chuyên nghiệp... Đây là những nội hàm quan trọng để thị trường TPDN có thể phát triển bền vững trong thời gian tới và hoàn thành mục tiêu cân đối vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.