Kiều hối chuyển về TP.Hồ Chí Minh vẫn khá ổn định bất chấp dịch COVID-19

H.Chung (TTXVN/Vietnam+)| 03/12/2020 14:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh dự kiến, trong năm 2020, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 5,3 tỷ USD trong năm 2019.

Kiều hối về TP. Hồ Chí Minh khá ổn định. (Ảnh: Vietnam+)

Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP.Hồ Chí Minh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ vẫn khá ổn định.

Dự kiến trong năm 2020, kiều hối về thành phố đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2020, lượng kiều hối đổ về thành phố đạt khoảng 4,7 tỷ USD. Chỉ tính riêng tháng 10/2020, lượng kiều hối đã tăng thêm 500 triệu USD so với tháng trước đó.

Với tốc độ hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh dự kiến, trong năm 2020, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng nhẹ so với mức 5,3 tỷ USD trong năm 2019.

Dòng kiều hối không chỉ góp phần hỗ trợ kinh tế thành phố phát triển mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn.

Đáng chú ý, tại một số ngân hàng thương mại ghi nhận lượng kiều hối đổ về tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn cử như ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, doanh số kiều hối chuyển về thông qua ngân hàng trong năm 2020 dự kiến tăng gấp 3 lần so năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, sở dĩ có sự tăng đột biến này là do năm nay, Sacombank áp dụng phương thức thanh toán kiều hối qua hệ thống thanh toán trực tuyến API. Điều này tạo thuận lợi cho khách hàng có thể vừa phòng ngừa dịch, vừa chuyển những món tiền nhỏ nhất, chuyển được nhiều lần mà không mất nhiều thời gian, thủ tục như phương pháp truyền thống trước đó.

Do vậy, dù dịch COVID-19 khiến thu nhập của nhiều kiều bào, lao động xuất khẩu bị ảnh hưởng, song nhờ giao dịch trực tuyến mà lượng kiều hối chuyển về vẫn gia tăng mạnh.

Ngoài các thị trường kiều hối chủ lực, các thị trường mới nổi nhờ lực lượng xuất khẩu lao động tăng như Nhật Bản, Hàn Quốc... chuyển về thông qua Sacombank cũng có sự tăng mạnh trong năm nay.

Ghi nhận thực tế cho thấy, xu hướng kiều hối chuyển về thông qua tài khoản tăng mạnh trong hai năm nay, do tỷ giá ổn định, ít có sự cách biệt giữa giá USD ngân hàng và USD tự do.

Thêm vào đó, lượng người trưởng thành có tài khoản ngân hàng cũng tăng rất nhanh. Những điều này đã thúc đẩy một số ngân hàng có thế mạnh về kiều hối như Sacombank, Vietcombank, Eximbank... đầu tư thêm công nghệ, cải tiến giao dịch, tạo thuận lợi hơn cho khách hàng.

Tuy vậy, tính chung cả nước, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2020 cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối năm 2020 chuyển về Việt Nam giảm hơn 7% so với năm 2019, còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm kể từ năm 2010. Trước đó, trong năm 2019, con số này đạt 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mặc dù trong thời gian qua, Việt Nam kiểm soát tốt dịch COVID-19, song rất nhiều lao động xuất khẩu, kiều bào, du học sinh... bị ảnh hưởng nên mức độ sụt giảm kiều hối 7-8% trong năm nay là phù hợp với xu thế chung của thế giới.

“Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nhiều lao động xuất khẩu, người làm việc ở nước ngoài hơn thì kiều hối được dự báo giảm hơn 10% trong năm 2020. Do vậy, việc kiều hối Việt Nam dự báo chỉ giảm 7-8% được xem là thành công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp,” Tiến sỹ Cấn Văn Lực đánh giá.

Thực tế, tình trạng suy giảm kiều hối trong năm 2020 xảy ra ở tất cả khu vực trên thế giới. Do vậy, trong báo cáo của WB, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nhận kiều hối lớn nhất thế giới tính theo giá trị trong năm 2020 (xếp thứ 9). Xét trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 về giá trị kiều hối, chỉ sau Trung Quốc và Philippines.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiều hối chuyển về TP.Hồ Chí Minh vẫn khá ổn định bất chấp dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO