Các Hiệp hội ngành, nghề

Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng trưởng 2 con số

Nguyễn Huyền 12/09/2024 - 16:51

8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 3,85 tỷ USD, đưa mặt hàng này lên vị trí thứ 5 và là một trong những mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.

Giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 14,8 %

Số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 6,15 triệu tấn, mang về 3,85 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 5,8% về lượng và tăng 21,7% về kim ngạch.

Xuất khẩu gạo tăng nhẹ về khối lượng nhưng tăng mạnh về kim ngạch do giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 14,8 % so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 625 USD/tấn.

Theo đó, gạo trở thành mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 5 trong toàn ngành nông nghiệp, đứng sau gỗ và sản phẩm từ gỗ (10,415 tỷ USD), thuỷ sản (6,307 tỷ USD), rau quả (4,724 tỷ USD) và cà phê (4,014 tỷ USD).

Top các thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam lần lượt là: Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Trong đó, Philippines luôn là thị trường truyền thống xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Tháng 8/2024, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 497,266 ngàn tấn, trị giá 294,589 triêu USD, so với tháng 8/2023, tăng 21,38% về khối lượng và tăng 20,69% về trị giá.

Lũy kế, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 2,808 triệu tấn, mang về 1,716 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 19,7% về khối lượng và 39,7% về kim ngạch, chiếm 54,35% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Đứng thứ hai là Indonesia, tháng 8/2024, nước này nhập khẩu 135,196 ngàn tấn gạo từ Việt Nam, trị giá 76,081 triêu USD, so với tháng 8/2023 tăng 17,12% về khối lượng và tăng 23% về kim ngạch.

Cộng dồn 8 tháng, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Indonesia đạt 913,888 ngàn tấn, trị giá 557,77 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 27,26% về khối lượng và tăng 54,40% về giá trị, chiếm 14.85% tổng lượng gạo xuất khẩu cảu cả nước.

Tháng 8/2024, xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ ba Malaysia đạt 53,142 ngàn tấn, đạt giá trị 31,757 triệu USD, so với tháng 8/2023 tăng 20,82% về lượng và tăng 36,88% về giá trị.

Lũy kế, 8 tháng đạt 582,872 ngàn tấn, trị giá 346 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,12 lần về khối lượng và tăng 2,53 lần về kim ngạch.

Lần đầu tiên Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam

Tháng 8/2024, Trung Quốc chỉ mua của Việt Nam 10,859 ngàn tấn gao, tương đương 6,38 triệu USD, so với tháng 8/2023 giảm 83,9% về khối lượng và giảm 83,47% về trị giá.

Cộng dồn 8 tháng đầu năm nay, thị trường này chỉ nhập khẩu 234,272 ngàn tấn gạo, trị giá 137,217 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 70,19% về khối lượng và giảm 69,64% về trị giá.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam sau nhiều năm là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ trong tháng 8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng tới 60 USD/tấn, do nhu cầu tăng cao từ Philippines.

Trong báo cáo cập nhật giá gạo, FAO xác định Philippines là một trong những động lực chính thúc đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng vào tháng trước.

“Giá gạo thơm 5% của Việt Nam tháng trước đã tăng 10% lên 630 USD/tấn từ mức 572,5 USD/tấn của tháng 7 do nhu cầu mua gạo từ Philippines và châu Phi tăng mạnh. Mặt khác, giá xuất khẩu gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam đều tăng vào tháng 8.

Bên cạnh đó, giá gạo 5% lên 555 USD/tấn từ mức 535 USD/tấn, trong khi giá gạo 25% tấm tăng 16 USD so với tháng trước lên 516 USD/tấn.

Giá cả tăng ở Việt Nam do doanh số bán mạnh sang Indonesia và Philippines đã bù đắp cho áp lực giảm do tiến độ thu hoạch”, báo cáo nêu.

Indonesia chưa có kế hoạch tăng nhập khẩu lên 5 triệu tấn

Tại Indonesia, người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas), ông Arief cho biết, lượng tồn kho hiện tại chỉ ở mức 1,3 triệu tấn và đã yêu cầu nhóm của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto duy trì dự trữ gạo của chính phủ (CBP) trên 2 triệu tấn, đặc biệt là trước cuộc bầu cử khu vực năm 2024, được tổ chức vào ngày 27/11.

“Vào các tháng 10, 11, 12 và tháng 1, 2/2025, là thời điểm quan trọng, vì vậy, CBP, đặc biệt là Bulog, phải được trên 2 triệu tấn, vì tồn kho hiện nay chỉ còn 1,3 triệu tấn. Đây là lúc chúng ta chuẩn bị dự trữ gạo của chính phủ, nếu để sau ngày 27/11/2024 sẽ rất cấp bách, thường nhu cầu gạo tăng trước lễ Pilkada, trước cuộc bầu cử Tổng thống là rất cao”, ông Arief nói.

Theo ông Arief sẽ ưu tiên mua lúa gạo trong nước, nếu không đủ chính phủ sẽ buộc phải mua từ nước ngoài và đến hôm nay, việc phân công nhập khẩu gạo từ Bapanas cho Bulog để lấp đầy kho dự trữ chính phủ vào năm 2024 vẫn là 3,6 triệu tấn. Điều này có nghĩa là vẫn chưa có kế hoạch tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo lên 5 triệu tấn vào thời điểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng trưởng 2 con số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO