Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương trượt dốc

Xuân Thanh| 14/04/2020 09:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong báo cáo cập nhật tiêu đề “Đông Á - Thái Bình Dương trong mùa Covid-19” công bố ngày 30/3/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.

Trên phạm vi toàn cầu, hoạt động kinh tế giảm sút

Báo cáo nêu rõ, Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, sau đó lan truyền nhanh chóng sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới với số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh và nhiều người không thể qua khỏi. Do tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, trong khi khả năng miễn dịch cộng đồng ở mức thấp, lượng người di chuyển rất cao, Covid-19 đã lây lan nhanh chóng tại nhiều khu vực trên thế giới, gây ra tổn thất rất lớn cho nhân loại và gia tăng áp lực lên hệ thống y tế. Một số mô hình dự báo cho rằng, khoảng 60-80% dân số toàn cầu có thể bị phơi nhiễm Covid-19, số người chết tăng quá nhanh, nhiều nước lâm vào bế tắc do hệ thống y tế quá tải.

Trên phạm vi toàn cầu, hoạt động kinh tế giảm sút, chỉ số sản suất và dịch vụ giảm thấp, chỉ số chao đảo chứng khoán (VIX) trên Thị trường Giao dịch quyền chọn Chicago  (CBOE) tăng cao, dòng vốn vào các nước mới nổi giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, giá cả của nhiều mặt hàng lao dốc, thê thảm nhất là giá dầu

Các nước EAP bị tổn thất đáng kể

Cùng với tác động bất lợi do những hạn chế về chênh lệch xã hội ở trong nước, các nước EAP cũng bị tổn thất đáng kể do thương mại và du lịch giảm sút. Trong đó, tác động trực tiếp và lớn nhất bắt nguồn từ những giải pháp ngăn ngừa nguy cơ lan truyền Covid-19. Trong khi Indonesia và một số quốc gia khác tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp, nhiều nước như Việt Nam và Campuchia phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì mục tiêu xuất khẩu nên dễ bị tổn thương trước những cú sốc về cung ứng, trong khi nhu cầu tiêu thụ suy giảm trên toàn cầu. Những nước như Mông Cổ và Lào phụ thuộc nặng nền vào xuất khẩu hàng hóa, nên dễ bị tổn thương do nhu cầu bên ngoài giảm thấp. Campuchia, Thái Lan và các quốc đảo ngoài khơi Thái Bình Dương phụ thuộc vào hoạt động du lịch.

Đại dịch Covid-19 đang reo rắc nỗi sợ hãi trên các thị trường tài chính toàn cầu, và tác động trở lại đến các nước EAP. Làn sóng bán tháo tăng cao, khi các nhà đầu tư tìm cách chuyển cổ phiếu sang những tài sản an toàn, phổ biến là tiền mặt, dẫn đến tình trạng khan hiếm USD trên các thị trường tài chính quốc tế, gây áp lực lên các đồng bản tệ và khả năng tài trợ cho các doanh nghiệp.

Mặc dù điều kiện tài chính tại nhiều nước EAP đã cải thiện đáng kể so với trước đây, song những cú sốc bất ngờ và không có tiền lệ từ bên ngoài đang gây ra tâm lý lo ngại đáng sợ. Bất ổn tài chính tăng cao, có thể tác động đến tình hình kinh tế khu vực EAP thông qua thị trường vốn, tín dụng, ngoại hối với mức độ tổn thương khác nhau, tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi nước. Trong số này, nợ trong nước có thể tăng cao tại Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia; nợ tư nhân tăng cao tại Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan; nợ nước ngoài tăng cao tại Campuchia, Lào, Mông Cổ, Malaysia, Papua New Guinea; nợ ngắn hạn tăng cao tại Malaysia, Thái Lan.

Khả năng lây lan nhanh chóng của Covid-19 đang gây tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế EAP, trong khi quy mô và thời gian tác động vẫn là ẩn số. Mức độ tác động sẽ tùy thuộc vào tốc độ lây truyền Covid-19 trong nền kinh tế, tác động xuyên biên giới và hiệu quả của các biện pháp đối phó.

Trong bối cảnh như vậy, WB đã đưa ra dự báo kinh tế với hai kịch bản, tăng cao và tăng thấp. Trong kịch bản lạc quan, GDP các nước EAP sẽ giảm từ kết quả tăng trung bình 5,9% trong năm 2019 xuống mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2020, sau đó phục hồi mạnh lên mức tăng trưởng 7,3% vào năm 2021. Trong đó, các biện pháp hỗ trợ khổng lồ về tài khóa, tiền tệ tại các nền kinh tế chủ chốt sẽ có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ lan truyền đại dịch và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, điều kiện tài chính toàn cầu sẽ ổn định dần, dòng vốn vào các nước EAP sẽ tăng trở lại.

Trong kịch bản kém lạc quan, GDP sẽ giảm từ kết quả tăng trung bình 5,9% trong năm 2019 xuống mức tăng trưởng -0,5% trong năm 2020, sau đó phục hồi lên mức tăng trưởng 5,3% vào năm 2021. Trong kịch bản này, đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài và gây tác động trầm trọng cho các nền kinh tế, các chuỗi giá trị toàn cầu rối loạn triền miên, thiệt hại tăng cao do các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, niềm tin bị xói mòn, dòng vốn ra tiếp tục tăng cao và kéo dài.

Tăng trưởng GDP (% so năm trước)

 

Kết quả

Kịch bản cao

Kịch bản thấp

 

2017

2018

2019

2020

2021

2020

2021

Các EDE tại EAP

6,5

6,3

5,8

2,1

7,3

-0,5

5,3

     Trung Quốc

6,8

6,6

6,1

2,3

7,7

0,1

5,5

Không kể Trung Quốc

5,4

5,2

4,7

1,3

5,7

-2,8

4,4

Các EDE thuộc ASEAN

5,4

5,3

4,7

1,3

5,7

-2,8

4,4

     Campuchia

7,0

7,5

7,1

2,5

5,9

1,0

3,9

     Indonesia

5,1

5,2

5,0

2,1

5,6

-3,5

5,2

     Philippines

6,7

6,2

5,9

3,0

6,2

-0,5

4,1

     Thái Lan

4,0

4,1

2,4

-3,0

4,0

-5,0

3,0

     Việt Nam

6,8

7,1

7,0

4,9

7,5

1,5

4,0

     Lao PDR

6,9

6,3

4,8

3,6

5,8

2,2

3,7

     Malaysia

5,7

4,7

4,3

-0,1

6,4

-4,6

4,1

     Myanmar

6,8

6,3

3,0

3,0

6,0

2,0

4,0

     Mông Cổ

5,4

6,9

4,8

2,4

5,1

1,0

2,9

     Papua New Guinea

3,5

-0,8

5,6

0,2

3,3

-0,9

2,2

     Fiji

5,4

3,5

1,0

-4,3

1,9

-10,0

1,5

     Quần đảo Solomon

3,7

3,9

2,7

-6,7

-0,3

-12,3

-6,3

     Timor-Leste

-3,8

-0,8

3,4

-2,8

3,9

-4,0

3,5

Nguồn: WB tháng 3/2020

Tình trạng suy giảm nhu cầu bên ngoài sẽ tác động đến các nước EAP qua nhiều kênh khác nhau. Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Thái Lan có thể sẽ chịu tác động của xu hướng suy giảm nhu cầu trên thị trường quốc tế đến hoạt động xuất khẩu và những rối loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại những quốc gia này, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa chế biến thường đóng góp khoảng 30-70% GDP.

Tại Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và các quốc đảo ngoài khơi Thái Bình Dương, thu nhập từ du lịch đóng góp trên 10% GDP. Giá cả hàng hóa giảm sâu sẽ tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế Mông Cổ (do xuất khẩu chiếm trên 50% GDP) cũng như nhiều nước khác như Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Papua New Guinea, Thái Lan, Timor-Leste, Việt Nam. Philippines và nhiều quốc đảo ngoài khơi Thái Bình Dương phụ thuộc đáng kể vào các dòng kiều hối chuyển về.

Đại dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến người nghèo, những đối tượng này bị tổn thương trực tiếp do dịch bệnh và gián tiếp qua thu nhập. Trong kịch bản tăng trưởng kinh tế lạc quan và chuẩn đói nghèo là 5,5 USD/ngày, gần 24 triệu người sẽ rơi vào cảnh đói nghèo. Trong kịch bản tăng trưởng thấp, số người nghèo tại EAP sẽ tăng thêm khoảng 11 triệu người.

WB: 6 nhóm giải pháp cơ bản cho EAP

Covid-19 là cú sốc khó lường và không có tiền lệ, đòi hỏi các nước phải có các biện pháp đối phó quyết liệt và sự hỗ trợ vững chắc từ cộng đồng quốc tế. Về mặt chính sách, các chuyên gia WB đã đề xuất 6 nhóm giải pháp cơ bản. (i) Các nước cần điều chỉnh chính sách y tế và các chính sách kinh tế vĩ mô, qua đó có thể kiểm soát và chặn đứng nguy cơ lan truyền đại dịch, đồng thời hỗ trợ các hoạt động kinh tế; (ii) Mở rộng công suất của các cơ sở y tế nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị trong trường hợp rủi ro tăng cao với số ca bệnh vượt quá năng lực chữa trị hiện hành và số người thuộc diện phải cách ly tăng gấp nhiều lần so với số người nhiễm Covid-19; (iii) Cần tính toán lại chính sách tài khóa và tiền tệ theo bối cảnh Covid-19. Chính sách vĩ mô mở rộng sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế trong thời điểm hiện nay, khi nhiều người phải cách ly tại nhà và hoạt động sản xuất đình trệ, nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; (iv) Cần hỗ trợ các hộ gia đình trong việc đảm bảo nhu cầu chi tiêu hàng ngày thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, và các doanh nghiệp có thể tồn tại thông qua nới lỏng điều kiện tiếp cận thanh khoản; (v) Tiếp tục duy trì mở cửa thương mại; (vi) Các tổ chức quốc tế phải đóng vai trò quyết định trong việc hỗ trợ các chính phủ để đối phó với dịch bệnh và giảm thiểu hậu quả y tế và kinh tế.

Nguồn: WB tháng 3/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương trượt dốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO