Kinh tế Mỹ chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng giá dầu

 Minh Ngọc| 13/09/2020 07:13
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kinh tế Mỹ từ đầu năm 2020 đến nay đang đối mặt với hai áp lực, một bên là cuộc chiến chống Covid-19 đã khiến toàn bộ nền kinh tế rơi vào tình trạng đình trệ, một bên là những sức ép đến từ xu hướng rớt giá mạnh của giá dầu mỏ.

Kinh tế Mỹ từ cuối tháng 2 đã chứng kiến những diễn biến kém tích cực nhất do tác động từ dịch Covid-19. Khu vực sản xuất là lĩnh vực chịu tác động nặng nề khi chỉ số PMI tổng hợp đã giảm sâu xuống dưới ngưỡng 50 điểm liên tiếp trong 3 tháng đầu năm, kết thúc tháng 4 ở mức 27,4 điểm - mức thu hẹp mạnh nhất của khu vực sản xuất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Sự thu hẹp tập trung trong lĩnh vực dịch vụ với mức giảm kỷ lục xuống còn 27 điểm, trong khi đó khu vực chế biến chế tạo mặc dù cũng chịu tác động nhưng ở mức thấp hơn, xuống còn 36,9 điểm.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa cũng đang giảm dần qua các tháng. Đặc biệt, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã giảm mạnh xuống mức 71 điểm trong tháng 4 – mức thấp nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ dịch bệnh.

DIỄN BIẾN MỘT SỐ CHỈ SỐ VĨ MÔ PHẢN ÁNH TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG TẠI MỸ

 

Trên thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp trong 2 tháng đầu năm và tăng vọt lên mức 4,4% trong tháng 3 - mức cao nhất kể từ tháng 8/2017. Diễn biến kém tích cực này cũng được phản ánh qua chỉ số việc làm được tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã rơi vào tình trạng suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9/2010 với mức giảm 701 nghìn việc làm trong tháng 3.

 DIỄN BIẾN TRÊN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TẠI MỸ

 

Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế, kinh tế Mỹ vẫn đang chịu những tác động nghiêm trọng thì sự lao dốc không phanh của giá dầu WTI tiếp tục đặt ra những áp lực mới đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Tình trạng thiếu đầu ra, thừa nguồn cung, khả năng cất trữ bão hòa,… đã khiến thị trường dầu mỏ từ nhiều tuần qua không ngừng biến động. Đỉnh điểm là vào ngày 20/04/2020, giá dầu thô WTI của Mỹ niêm yết trên sàn chứng khoán New York, lao dốc xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng dầu và dừng ở đáy gần -38 USD cho một thùng dầu 159 lít. Thế mạnh là 1/12 cường quốc có trữ lượng dầu mỏ nhiều nhất thế giới của Mỹ bị lung lay và kế hoạch chấn hưng kinh tế sau đại dịch của tổng thống Donald Trump bị đe dọa.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự suy giảm của giá dầu mỏ. Dịch Covid-19, bùng lên từ Vũ Hán (Trung Quốc), hoành hành trên khắp các châu lục đẩy thế giới vào một trạng thái chưa từng có trong lịch sử nhân loại đó là đại phong tỏa trên toàn cầu. Hơn 4,4 tỷ người dân trên khắp thế giới được yêu cầu phải ở trong nhà, các hoạt động đi lại từ trên bộ, hàng không, hàng hải và sản xuất trên thế giới hầu như bị ngưng trệ nhất là tại các quốc gia phát triển, làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu. Hệ quả là mức tiêu thụ nhiên liệu giảm, nhu cầu mua dầu lửa giảm. Theo dự báo của các chuyên gia, trong quý II mức cầu thế giới đối với mặt hàng dầu thô sẽ giảm từ 20 – 30%, thậm chí một số nhà quan sát còn dự báo mức giảm có thể lên đến 35%, nghĩa là giảm từ 20 – 30 triệu thùng/ngày so với một mức tiêu thụ lúc bình thường là 100 triệu thùng/ngày.

Tình hình càng thêm trầm trọng khi Nga và Saudi Arabia lao vào cuộc chiến giá dầu hồi trung tuần tháng 3/2020. Do không đi đến đồng thuận trong việc cắt giảm bớt sản lượng là 10 triệu thùng/ngày, Saudi Arabia thông báo mở thêm van dầu, tăng mức khai thác kể từ ngày 1/4, đẩy giá dầu lao dốc nhanh hơn nữa. Mặc dù sau đó, vào ngày 11/4, OPEC và Nga đã thống nhất trong quyết định giảm bớt 10 triệu thùng/ngày trong sản lượng hiện có ngay trong tháng 5 và 6/2020, tuy nhiên tỷ lệ giảm này lại quá ít so mức giảm cầu đến 30 triệu thùng/ngày. Hệ quả là việc dư thừa sản xuất bắt đầu dẫn đến tình trạng thiếu kho bãi cất trữ và khiến giá dầu tuột dốc không phanh trong những ngày vừa qua.

Chuyên gia Francis Perrin, Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược IRIS trả lời trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24 cho rằng, cuộc khủng hoảng giá dầu tuy chỉ tạo ra tác động nhất thời, nhưng sẽ ảnh hưởng phần nào đến tình hình kinh tế và việc làm người dân Mỹ. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ này tác động trực tiếp đến lĩnh vực dầu khí tại Mỹ, một lĩnh vực quan trọng với lượng người làm việc rất lớn liên quan đến các ngành khai thác, phát triển và sản xuất dầu và khí ga. Giá dầu thấp sẽ khiến các hoạt động khoan và thăm dò và sản xuất dầu ít hơn và điều này dẫn tới việc sa thải người lao động, làm tổn thương các doanh nghiệp địa phương có số công nhân trên.

Một lĩnh vực khác cũng có xu hướng bị ảnh hưởng khi giá dầu giảm là ngân hàng và đầu tư. Có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này bằng cách huy động vốn và nhận nợ. Điều này đồng nghĩa với việc cả nhà đầu tư và ngân hàng đều có thể bị thua lỗ nếu giá dầu giảm và các hoạt động khai thác không có lãi, dẫn đến phá sản. Mất việc làm, thua lỗ, phá sản sẽ dẫn tới sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Giải pháp của Chính phủ Mỹ

Trong bối cảnh chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng giá dầu như vậy, chính phủ Mỹ đã phải liên tục tung ra các giải pháp để ổn định nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trước hết, Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp để đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế do tác động của dịch bệnh. Về phía chính sách tiền tệ (CSTT), Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách mạnh mẽ. Theo đó, Fed đã cắt giảm lãi suất 2 lần trong tháng 3, trong đó lần cắt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra trong cuộc họp CSTT khẩn cấp vào ngày 3/3 với lãi suất dự trữ liên bang đã được điều chỉnh 50 điểm cơ bản xuống còn 1- 1,25%. Tiếp đó, ngày 15/3, Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất dự trữ liên bang 100 điểm cơ bản xuống còn 0 - 0,25%. Trong vòng 3 tháng của quý I, bảng cân đối tài sản của Fed cũng đã tăng mạnh từ mức 4,2 nghìn tỷ USD lên 5,8 nghìn tỷ USD sau khi Fed liên tục thực hiện các nghiệp vụ mua lại trên thị trường mở để bơm thêm tiền vào thị trường. Ngày 8/4, Fed tiếp tục công bố đợt cho vay mới với quy mô 2,3 nghìn tỷ USD, bổ sung thêm nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng.

Song song nới lỏng CSTT, Chính phủ Mỹ cũng đã tung ra các gói hỗ trợ kinh tế. Ngày 27/3, tổng thống Donal Trump đã ký “Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch Covid-19 và bảo đảm an ninh kinh tế” trị giá 2000 tỷ USD. Đây là gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ, tập trung vào hỗ trợ tài chính cho người dân dựa trên thu nhập và tình trạng gia đình. Số tiền mỗi người được nhận, tối đa 1.200 USD, sẽ giảm dần nếu thu nhập của họ tăng lên. Theo ước tính của Trung tâm chính sách thuế, khoảng 90% số người Mỹ có thể sẽ nhận được hỗ trợ. Ngoài ra, gói cứu trợ dành 150 tỷ USD phân bổ cho chăm sóc y tế và 31 tỷ USD phân bổ cho giáo dục. Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ cũng thông qua một gói cứu trợ trị giá 500 tỷ USD khác để hỗ trợ các công ty lớn và các hãng hàng không đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, để đối phó với tình trạng giá dầu lao dốc, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các giải pháp để tác động tới nguồn cung và cầu. Để thắt chặt nguồn cung, ngày 12/4, Mỹ đã tác động để OPEC+ đạt thoả thuận với Nga, Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác cắt giảm gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày và dự kiến yêu cầu Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây có thể coi là một giải pháp không thực sự hiệu quả khi nguồn cung dầu đang thừa khoảng 30 triệu thùng mỗi ngày như hiện nay. Ngoài ra, chính quyền Mỹ có thể tính tới việc áp thuế quan với các nhà cung cấp dầu nước ngoài.

Về phía cầu, tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 4 cũng đã đưa thông báo mua 75 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược quốc gia. Giới phân tích đánh giá rằng, Mỹ đang thừa khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày nên việc thu mua này có thể giải quyết một phần lượng dư thừa dầu trên thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, Hội đồng Thăm dò và Sản xuất Mỹ đề xuất một phương án khác là Nhà Trắng thúc đẩy Trung Quốc mua nhiều dầu của Mỹ hơn khi vào thời kỳ cao điểm năm 2017, Mỹ đã xuất khẩu 470.000 thùng một ngày tới Trung Quốc. Ngoài ra, một ý tưởng khác được các doanh nghiệp ủng hộ đó là chính phủ mua dầu nhưng các nhà sản xuất để lại dưới lòng đất. Đến khi giá cả phục hồi, họ khai thác và bán dầu với mức giá cao hơn giá của chính phủ, sau đó hoàn lại tiền trả chính phủ, bao gồm cả phần lãi suất được tính theo lãi suất cơ bản của Fed. Đây được coi là một biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả từ phía chính phủ để giữ cho dòng tiền của các doanh nghiệp không bị thiệt hại trong bối cảnh sản xuất dư thừa.

Tuy nhiên, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết những khó khăn cho nền kinh tế như vậy nhưng chừng nào dịch bệnh chưa được kiểm soát, việc cách ly xã hội và cấm đi lại vẫn còn tồn tại thì nền kinh tế vẫn rất khó khăn để quay trở lại trạng thái vận hành bình thường, từ đó phục hồi lại đà tăng trưởng. Trong khi đó, đối với tình hình biến động giá dầu, chừng nào sự bất cân bằng chưa được giải quyết, mà một phần nguyên nhân cũng từ sự đình trệ kinh tế do dịch bệnh mang lại thì giá dầu sẽ vẫn ở mức thấp và biến động, làm tê liệt ngành công nghiệp dầu và gây căng thẳng cho các nhà sản xuất. Điều đó cho thấy để ổn định kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng là một bài toán không đơn giản đối với chính phủ Mỹ. Các tổ chức kinh tế đang đưa ra kịch bản dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ rơi vào tình trạng sụt giảm lần đầu tiên từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến nay với mức giảm có thể lên đến xấp xỉ 6% trong năm 2020 và chỉ có thể phục hồi trở lại từ nửa cuối năm 2021.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 10 năm 2020

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Mỹ chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng giá dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO