Kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm

Thanh Hải| 25/07/2021 19:04
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhìn nhận về kinh tế Việt Nam, các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về kinh tế - xã hội đều có chung nhận định, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 như: Triển vọng kinh tế trở nên kém lạc quan, các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 25/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

 Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 25/7

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận đều tán thành với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, các đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19...

Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, được đánh giá là đạt mức tăng trưởng cao so với kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam là quốc gia duy nhất được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng dịch vụ và giảm tỉ trọng nông-lâm-thủy sản. Đầu tư khu vực Nhà nước tiếp tục giảm, đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tiếp tục tăng, góp phần ổn định kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, như việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đến nay chưa hết, chi đầu tư phát triển đạt thấp bằng 28,1% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,02% kế hoạch... đặc biệt tỉ lệ giải ngân vốn ngoài Nhà nước rất thấp, việc cổ phần hóa sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp, tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng, năng lực và sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất nhập khẩu dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài, giải ngân các gói hỗ trợ đạt thấp, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với cùng kỳ, một số người dân còn gặp khó khăn trong việc làm và đời sống...

Không còn nhiều dư địa cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

 Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, nhận định, tăng trưởng quý III/2021 khả năng sẽ tiếp tục thấp hơn so với kế hoạch, do chịu tác động tiêu cực từ đợt dịch bệnh mới này khiến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 trở nên kém lạc quan.

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ nguồn lực đầu tư công, dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang và sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Dịch bệnh đợt 4 đang diễn biến rất phức tạp, có thể ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% năm nay. Nhưng theo đó, CPI bình quân cả năm có thể chỉ tăng từ 2-2,5% cách xa mục tiêu Quốc hội đặt ra. Rủi ro cho dự báo lạm phát này chủ yếu nằm ở yếu tố chi phí đẩy đang rất khó lường.

Trong khi đó, dư địa của chính sách tài khóa để thực hiện các chương trình hỗ trợ đang hạn hẹp dần. Dù ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm vẫn tạm kết dư 81.000 tỷ đồng, chủ yếu chi cho đầu tư phát triển nhưng giải ngân lại quá chậm, thu ngân sách nhà nước nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong các tháng tiếp theo, khi đợt dịch lần 4 này diễn biến rất phức tạp.

Đặc biệt, ở một số địa phương trọng điểm kinh tế tập trung ở các khu công nghiệp lớn cùng với việc triển khai gia hạn một số khoản thuế tiền thuê đất theo Nghị định 52 và các biện pháp tài khóa ứng phó với dịch COVID-19 khác như Nghị định 44, Nghị định 68 của Chính phủ.

Trong bối cảnh đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng, cho rằng, dư địa của 2 chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không còn nhiều, trong khi chính sách cơ cấu gặp nhiều trở ngại để triển khai theo tiến độ dự kiến.

Với chính sách tài khóa, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang vấp phải 2 khó khăn lớn là dịch bùng phát, phát triển tiến độ thi công nhiều dự án, bao gồm các dự án gắn với yếu tố nước ngoài bị đình trệ, không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán, giá cả nguyên vật liệu tăng cao đột biến so với thời điểm đấu thầu, ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của các nhà thầu và nghiệm thu thanh toán. Trong khi ngân quỹ nhà nước bị ứ đọng không thể đưa vào nền kinh tế, thể hiện số dư tiền gửi kho bạc tại hệ thống ngân hàng còn tồn cao, tương đương 26 tỷ USD. Kho bạc nhà nước vẫn trong tình trạng đạt tỷ lệ hoàn thành huy động vốn cho ngân sách năm 2021 ở mức thấp, dù điều kiện thị trường trong nước lẫn quốc tế đang còn thuận lợi.

Còn với chính sách tiền tệ, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư đang gây ra những méo mó, sai lệch, mất cân bằng tài chính, đã có những cảnh báo từ các cơ quan nhà nước phụ trách. Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ là rất lớn. Áp lực nợ xấu ngân hàng đang gia tăng đúng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu.

Một điểm đáng mừng được đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu lên, đó là, Chính phủ vừa trình Quốc hội các biện pháp đặc biệt để chống dịch COVID-19. Cùng với đó là những kế hoạch dài hơi về tài chính công, nợ công, đầu tư công với những cân đối hướng tới mục tiêu tổng quát của cả 5 năm tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đến GDP bình quân vẫn được xác định khoảng 6,5-7% và tăng trưởng năm nay vẫn đang phấn đấu ở mức trên 6%.

Để đạt được mức tăng trưởng như vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế vẫn là công việc vô cùng quan trọng của Quốc hội.

Cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu tại hội trường

Bàn về tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, cho biết mức tăng trưởng 5,64% là chưa đạt được như kỳ vọng nhưng mà so với quốc tế, so với khu vực thì đây là một tỷ lệ rất cao. Kết quả này chưa được như kỳ vọng và thực trạng kinh tế ở thời điểm này, ở đầu quý III/2021 này còn xấu hơn rất nhiều. Đại biểu đề nghị cần phải tính toán cẩn trọng trong kế hoạch phát triển những tháng cuối năm.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng chỉ ra sự phân hóa rất lớn trong sự phát triển của các khu vực trong nền kinh tế. Trong khi khu vực kinh tế đối ngoại phục hồi rất mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, đến hơn 30% so với năm ngoái thì khu vực kinh tế trong nước lại rơi vào tình trạng trầm lắng do sức mua rất yếu và đây chính là vấn đề.

Số liệu được đại biểu đưa ra cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay gần như dậm chân tại chỗ so với cùng kỳ 2 năm trước. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng thấp của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Theo đại biểu, từ trước đến nay nông - lâm - ngư nghiệp luôn là khu vực tăng trưởng thấp nhất và dịch vụ bao giờ cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất nhưng 6 tháng đầu năm nay tốc độ 2 khu vực này là tương đương và tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thì kém xa, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng. "Đây là những tín hiệu rất là đáng lo ngại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của dịch vụ, và đó là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam", đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm.

Cũng theo đại biểu, nguyên nhân của những khó khăn nêu trên là do kết quả của dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp giãn cách xã hội đang được tăng cường. Đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang chết dần, chết mòn và khả năng nhiều doanh nghiệp trong khu vực này sẽ không có khả năng vực dậy sau đại dịch, nếu không có những biện pháp để hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này.

Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, việc sản xuất trong tâm dịch gặp muôn vàn khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp. Chủ trương "3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 điểm đến" là một nỗ lực quyết liệt không ngừng nghỉ của Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất, hoạt động kinh doanh tiếp tục được diễn ra trong tình hình dịch bệnh.

"Với việc hạn chế hoạt động kinh doanh đối với địa phương bị dịch, địa phương này cách ly với địa phương khác, việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu sản xuất vô cùng khó khăn thì chúng ta phải đảm bảo thực hiện mục tiêu kép như thế nào", đại biểu Phạm Trọng Nhân băn khoăn.

Do vậy, đại biểu đề nghị từ những bài học rút ra tại Bình Dương và Thư kêu gọi của TP. Hồ Chí Minh trong liên kết vùng hay sản xuất, kinh doanh giữa tâm dịch, thì: Hệ thống sản xuất các khu công nghiệp cần một sự liên kết nhằm tạo cơ chế thuận lợi, dễ dàng hơn trong trung chuyển, cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu từ địa phương này đến địa phương khác, để tiếp tục duy trì mạch sống của nền kinh tế.

Tìm giải pháp căn cơ thúc đẩy kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội những tháng cuối năm, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị trước hết là đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin, đặc biệt là khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế để vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy nguồn cung, đây là giải pháp căn cơ. Đồng thời chuẩn bị điều kiện và lộ trình để mở cửa nền kinh tế, tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin của người dân.

"Thời điểm hiện nay, khi doanh thu của các doanh nghiệp không nhiều thì hỗ trợ của Nhà nước sẽ có hiệu quả hơn nếu tăng chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu cho các đối tượng yếu thế để vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội. Cần đẩy nhanh áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” cho toàn dân, tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể phục hồi", đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị.

Về các biện pháp cải cách thể chế, đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá cao Chính phủ đã tập trung rà soát những điểm bất hợp lý để kiến nghị với Quốc hội, thành lập các tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy, hỗ trợ triển khai cho các dự án FDI và các dự án tư nhân để đẩy nhanh các thủ tục hành chính, đưa các dự án vào sản xuất kinh doanh. Đây là biện pháp rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị 5 giải pháp, gồm: Thứ nhất, cần huy động mọi nguồn lực và ưu tiên để phòng, chống dịch COVID-19, khống chế dịch lây lan ra cộng đồng, đảm bảo hiệu quả nhất; Thứ hai, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tài chính sách linh hoạt, hợp lý, có trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh; Thứ ba, tâp trung nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh; Thứ tư, tập trung rà soát và khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo môi trường thông thoáng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài; Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ đầu tư giải ngân vốn đầu tư và tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ đúng và đủ đối tượng, đồng thời quản lý, kiểm soát thu chi chặt chẽ ngân sách nhà nước và mua sắm tài sản công bằng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Để đạt được mục tiêu kép, đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị những tỉnh, thành trọng điểm trong phát triển kinh tế, thu ngân sách nhà nước cần phải được quan tâm bảo vệ và một cơ chế ưu tiên để lựa chọn trong điều phối, tiếp cận mọi nguồn lực từ phòng, chống dịch đến nguồn lực kinh tế để bên cạnh công tác dập dịch còn phải tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô của đất nước. Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh đến vai trò của một bộ phận tham mưu giúp Chính phủ để điều phối tất cả các nguồn lực cả nước trong tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc. Nếu Nhà nước nắm giữ được dữ liệu tổng nguồn lực từ trung ương đến địa phương để điều phối kịp thời, hợp lý thì không cần đến các công văn kêu gọi sự chi viện hay thư ngỏ mà các tỉnh thành đang, đã và sẽ làm trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO