Tin tức

Kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2024: Hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023

Minh Ngọc 02/03/2024 20:49

Chiều ngày 2/3, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 cùng một số nội dung quan trọng khác. Buổi họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì.

img1750-17093723733521489432987.jpg
Quang cảnh họp báo. Nguồn: VGP

Kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực

Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, tạo động lực mới, khí thế mới và đà phát triển thời gian tới. Nổi bật là:

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: (i) Nông nghiệp phát triển ổn định; (ii) Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%); (iii) Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%, khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68,7%.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm (tháng 1 đạt 50,3 điểm), thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2% (khu vực trong nước tăng 33,3%, cao hơn nhiều khu vực FDI (14,7%); nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỷ USD.

Thu NSNN 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo 2 tháng đạt 912.000 tấn, kim ngạch 639 triệu USD); bảo đảm được cân đối cung cầu lao động.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (6,97%). Thu hút FDI đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tăng lên.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Trong 2 tháng đầu năm có trên 22.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%; nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên hơn 41 .000 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Trong tháng 2, có 94,2% số hộ gia đình được đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2023 (93,9%).

Nhân dân cả nước, mọi người, mọi nhà đều vui Xuân đón Tết. Tổng số tiền hỗ trợ nhân dân đón Tết đạt gần 20.000 tỷ đồng; trong đó đã xuất gạo dự trữ 17.700 tấn gạo cho 693.000 nhân khẩu dịp Tết, giáp hạt; tặng quà Tết cho người có công khoảng 2.745 tỷ đồng; tặng quà Tết cho 13,9 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 7,8 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương trong công tác chăm lo, hỗ trợ nhân dân đón Tết khi điều kiện còn nhiều khó khăn.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được tập trung đẩy mạnh, hiệu quả, thiết thực; uy tín và vị thế đất nước tiếp tục được nâng lên.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả chỉ đạo điều hành và triển vọng của kinh tế Việt Nam, trong đó IMF dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.

2-17093711420821507445069.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin tới báo chí. Nguồn: VGP

10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là: (1) Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao; (2) Tình hình sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn; (3) Khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng còn chậm; (4) Nợ xấu có xu hướng tăng; mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng còn cao; (5) An ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm, nhưng tại một số địa bàn còn diễn biến phức tạp…

Trên cở sở nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đúc kết và từ quan điểm, định hướng điều hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSNN.

Tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng. Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Thứ hai, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Cụ thể: (1) Về đầu tư, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư toàn xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI. (2) Về xuất khẩu, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; thực hiện hiệu quả các FTA. (3) Về tiêu dùng, đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; có giải pháp mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới: (1) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật; (2) Thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế - xã hội; (3) Tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực; (4) Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đề án 06 và các cơ sở dữ liệu quốc gia; (5) Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Hydrogen.

Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG); đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch còn lại và 5 quy hoạch vùng.

Thứ tư, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Tập trung triển khai thực hiện Đề án 06.

Thứ năm, tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu: (1) Về công nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; (2) Về nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, phát triển công nghiệp chế biến nông sản; khẩn trương khắc phục "thẻ vàng" (IUU); (3) Về dịch vụ, du lịch, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm; thúc đẩy kinh tế di sản.

Thứ sáu, tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài.

Thứ bảy, chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân. Chủ động rà soát, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân, hỗ trợ gạo kịp thời trong dịp giáp hạt. Chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền về CTMTQG phát triển văn hóa; chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa...

Thứ tám, tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chuẩn bị tốt công tác chức tốt Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; kỷ niệm Đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước.

Thứ chín, triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao.

Thứ mười, tăng cường hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2024: Hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO