Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Ba người thầy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Văn Toàn| 19/11/2022 12:59
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 5/6/1911, với việc làm phụ bếp trên tàu L'Admiral Latouche Trévill, Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) khi đó mới 21 tuổi (lúc đó Người lấy tên Văn Ba) đã rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Để có được hoài bão vĩ đại này, vai trò của thầy Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929), thầy Vương Thúc Qúy (1862-1907), thầy Lê Văn Miến (1874-1943) đối với Người rất quan trọng.

Thầy Nguyễn Sinh Sắc

Người thầy đầu tiên của Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) chính là người Cha Nguyễn Sinh Sắc.

Tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc ở Thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 tại làng Kim Liên, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1883, ông lấy bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) và lần lượt hạ sinh bốn người con: Nguyễn Thị Thanh (1884-1954), Nguyễn Sinh Khiêm (1888-1950), Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Xin (1900-1901).

Năm 1894, Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân. Năm 1898, ông về làng Dương Nỗ ở Huế mở lớp dạy học. Trong lớp học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ông dạy cho chữ nghĩa, đạo đức, lối sống. Bởi như trong sách “Ấu học ngũ ngôn thi” đã chỉ ra rằng: “Di từ kim mãn doanh hà như giáo nhất kinh” (Dịch nghĩa: “Để cho con hòm vàng đầy, không bằng dạy con một quyển sách”).

Năm 1901, Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng. Tài nghị luận của ông thể hiện trong văn quyển rất xuất sắc, nhưng ông vẫn có ý phê phán triều đình thiếu chăm lo cho dân nên triều đình chỉ cho ông đậu học vị Phó bảng. Ông nhận ra: “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (Dịch nghĩa: Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ lại càng nô lệ hơn). Với lý do bị bệnh và để tang vợ, ông từ chối làm quan và ở nhà dạy học để có cơ hội giao lưu với các sĩ phu yêu nước.

Khi làm tri huyện Bình Khê (Bình Định), Nguyễn Sinh Sắc xử hòa tất cả những vụ kiện nông dân với nhau. Ông nói: “Nước mất không lo, lo giành nhau cái bờ ruộng”. Với các tù chính trị, ông đều cho thả tự do. Khi quan trên thúc thuế còn thiếu, ông trả lời dân quá nghèo không có tiền để nộp. Khi Pháp bắt đi phu, ông trình công văn nói dân đói quá không còn sức mà đi phu. Ông thường bỏ huyện đường đi thăm dân và không xét xử các vụ kiện cáo, tranh chấp của bọn cường hào, ác bá địa phương.

Tháng 5/1909, trong thời gian Nguyễn Sinh Sắc làm quan Tri huyện Bình Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm. Khi thấy con trai đến, ông đã khuyên con nên tìm cách cứu nước cứu dân. Nghe lời cha, trong thời gian ở Bình Định, Người đã học thêm tiếng Pháp và văn hóa tại nhà thầy Phạm Ngọc Thọ (1884-1922) để chuẩn bị xuất dương sang Pháp tìm đường cứu nước.

Khoảng tháng 8/1910, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bình Định vào Bình Thuận. Người cầm thư giới thiệu của cha và được nhận vào dạy tại trường Dục Thanh. Tại ngôi trường này, Người cũng đã hun đúc tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.

Sau cuộc gặp với con không lâu, ông Nguyễn Sinh Sắc từ bỏ quan trường và vào Nam sống bằng nghề bốc thuốc, dạy học và gặp gỡ những người yêu nước.

Năm 1926, gặp đồng chí Lê Mạnh Trinh (1896-1983) đang ở Sài Gòn đang chuẩn bị lên đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham dự lớp học của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập năm 1925, ông đã nhờ nhắn cho con trai rằng: “Cháu gặp thì nói bác vẫn khỏe, đừng lo, cứ cố gắng làm việc, trung với nước tức là hiếu với bác”.

Thầy Vương Thúc Qúy

Năm 1901, Chủ tịch Hồ Chí Minh được cha là Nguyễn Sinh Sắc cho theo học với thầy Vương Thúc Quý tại quê nội ở làng Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Vương Thúc Quý là con trai của Vương Thúc Mậu (1822-1886), một thủ lĩnh phong trào Cần Vương. Vương Thúc Quý cũng có quê ở làng Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Thầy đã từng tham gia Đội sĩ tử Cần Vương. Thầy Vương Thúc Quý có lòng yêu nước sâu sắc. Học trò của thầy không đông nhưng đều là những thanh niên ưu tú. Thầy không dạy theo lối sách vở, tầm chương, trích cú, mà mượn những đoạn văn tích cực để dạy cho học trò về đạo lý làm người, biết sống ích nước lợi dân, ca ngợi nghĩa khí của các bậc anh hùng đã xả thân vì nghĩa lớn.

Với vai trò người thầy, Vương Thúc Quý đã dạy cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời. Nhà ông cũng là nơi các sĩ phu yêu nước thường lui tới, trong đó có các ông Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân… Nhờ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh được nghe nhiều chuyện qua các buổi luận bàn thời cuộc của các sĩ phu yêu nước.

Thầy Lê Văn Miến

Năm 1906, để cho các con có thể tiếp cận nền tân học thực hiện con đường cứu nước cứu dân sau này, Nguyễn Sinh Sắc chấp nhận nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ. Theo cha vào Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh được học ở trường Pháp - Việt Đông Ba và Trường Quốc học Huế để có thể tìm trong đó những tư tưởng tiến bộ.

Tại Trường Quốc học Huế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được theo học thầy Lê Văn Miến.

Thầy Lê Văn Miến quê ở làng Ông La, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông từng học Trường thuộc địa ở Paris (1888-1892). Viên Tổng trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại, khi đến thăm trường đã trực tiếp hỏi Lê Văn Miến: “Anh có yêu nước Pháp không?”. Ông đã trả lời: “Với văn hóa Pháp tôi rất thích, còn việc người Pháp đi xâm lược nước khác, tôi không chịu”. Sau đó, ông tiếp tục học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris (1892-1895). Về nước, ông không chịu làm quan cho Pháp mà chỉ thích đi dạy. Từ năm 1907 đến năm 1913, ông làm giáo viên dạy Pháp văn và mỹ thuật ở Trường Quốc học Huế.

Giáo sư Lê Thước (1891-1975), một học trò của thầy Miến nhớ lại: “Cụ Miến không chỉ dạy chữ, dạy bài học về lòng yêu nước, về nghĩa khí của một kẻ sĩ, mà cụ Miến còn là tấm gương cho bao thế hệ học trò trong việc hình thành nhân cách của họ”.

Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Trường Quốc học Huế đi vào Nam tìm đường cứu nước, nhà văn Sơn Tùng (1928-2021) miêu tả trong tác phẩm “Búp sen xanh”, thầy Miến đến chia sẻ tâm sự với người học trò yêu quý: “Con hãy đi theo tiếng gọi của lòng con”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Ba người thầy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO