Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930–15/10/2020): Chặng đường công tác dân vận từ năm 1930 đến năm 1975

P.V| 14/10/2020 08:43
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhân Kỷ niệm 90 năm ngày Truyền thống công tác Dân vận (CTDV) của Đảng (15/10/1930-15/10/2020), 71 năm ngày Bác Hồ viết bài báo Dân vận (15/10/1949-15/10/2020) và 21 năm ngày Dân vận cả nước (15/10/1999-15/10/2020), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đăng tải bài viết điểm lại những dấu mốc lịch sử của công tác dân vận của Đảng kể từ khi thành lập đến nay.

Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản. 

Các văn kiện được thông qua tại Hội nghị (Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ cách mạng và định hướng cho công tác vận động quần chúng nhằm vào mục tiêu chung của dân tộc. Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động". Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận. Trải qua 90 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)

Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột, trong đó Người nhấn mạnh “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng" để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng đề ra. Đảng nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng đã tổ chức cho đảng viên đi vào các giai tầng xã hội, tuyên truyền, vận động, tổ chức và tập hợp, huấn luyện quần chúng đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi hỏi dân sinh, dân chủ ở nhiều nơi. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên đã không quản gian lao, thực hiện chủ trương "vô sản hóa", "ba cùng" với  nhân dân, tuyên truyền, giác ngộ và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo đường lối "Đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Sau cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ 1936 - 1939, phong trào Phản đế 1939 - 1941 và phong trào Mặt trận Việt Minh 1941-1945, với chủ trương mở rộng chính sách đại đoàn kết toàn dân và công tác mặt trận, Đảng đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, bao gồm nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và cả ngoại kiều… các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp đã tạo nên bước phát triển mới trong xây dựng lực lượng chính trị quần chúng. Trước những biến động lớn của tình hình thế giới và trong nước, Đảng đã phát động cao trào chống Nhật - Pháp. Tại Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát-xít Pháp - Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh đã ra đời ngày 19/5/1941. Với khí thế của cả dân tộc, thực hiện phương châm kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát triển từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, Cách mạng Tháng Tám đã thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh tính đúng đắn Cương lĩnh chính trị đầu tiên, đồng thời, là thắng lợi công tác dân vận của Đảng, chỉ với khoảng 3.000 đảng viên, nhưng Đảng đã tin vào dân, gắn bó với dân, hiểu dân, dựa vào sức mạnh của dân; tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập, tự do, giành quyền sống; tổ chức tập hợp nhân dân vào mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hình thức tổ chức khác một cách linh hoạt; hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, khởi nghĩa đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ, mang tính chất Nhân dân sâu sắc, làm tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Công tác dân vận trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975)

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), sau khi thành lập Nước, đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách của “thù trong, giặc ngoài”, Đảng đã xác định những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, từ đó đề ra chủ trương phải huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa xây dựng thực lực mọi mặt cho Nhà nước Dân chủ Cộng hòa.

Phát động cuộc chiến tranh nhân dân, Trung ương Đảng chủ trương giáo dục, động viên và hướng dẫn toàn thể đồng bào đồng lòng, quyết tâm đánh thắng giặc, mỗi người dân đều trở thành một chiến sĩ. Niềm tin ở sức mạnh to lớn của toàn dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay từ khi chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc: "20 triệu người Việt Nam kiên quyết chống lại 10 vạn thực dân Pháp, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi".

Vận động nhân dân tham gia kháng chiến trên mọi mặt trận, vừa huy động, vừa bồi dưỡng sức dân, Đảng thực hiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh, tiến hành giảm tô, giảm tức, giải quyết một phần quan trọng yêu cầu ruộng đất cho nông dân, nâng cao dân trí. Các hình thức và biện pháp đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng hơn với sự thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên - Việt) vào 29/5/1946, thu hút thêm các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, sắc tộc, xu hướng chính trị. Đảng thực hiện chủ trương tăng cường đoàn kết dân tộc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng thêm bền chặt khi thống nhất tổ chức Việt Minh, Liên Việt thành Mặt trận Liên - Việt (03/3/1951). Phong trào thi đua ái quốc là hình thức tập hợp toàn dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, nhanh chóng được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng sâu rộng, tạo thành sức mạnh cho cuộc kháng chiến kiến quốc.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, đảng bộ và các cấp chính quyền, đoàn thể bằng nhiều cách thức, phương pháp vận động khác nhau đã đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, cổ vũ nhân dân thi đua sản xuất, nỗ lực chiến đấu, ngày đêm đem sức người, sức của ủng hộ chiến sĩ nơi tiền tuyến; khơi dậy trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tinh thần dũng cảm, ý chí cách mạng, nhiệt huyết phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Sức mạnh của công tác dân vận đã vận động toàn quân, toàn dân quyết tâm chiến đấu, lao động, sản xuất, đồng thời, tăng cường công tác địch vận, làm tan rã hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền, chống địch lập tề; động viên thanh niên viết đơn xung phong ra chiến trường, hàng chục ngàn dân công đi tiền tuyến vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ các chiến dịch, cao điểm là thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ tạo nên sức mạnh, tiền đề vững chắc để kế thừa, phát huy trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, bước vào con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhiều nhiệm vụ nặng nề, đó là củng cố chính quyền, khôi phục đất nước, ổn định kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, an ninh trật tự, đoàn kết dân tộc...sau chiến tranh. Miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong điều kiện khó khăn, phải xây dựng thế và lực cho cách mạng; chống các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa; tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền, Đảng ta luôn quan tâm củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Mặt trận và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời, tăng cường đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, động viên đồng bào, chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và hết lòng đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Tại miền Nam, ngày 20/12/1960,Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam họp tại vùng căn cứ Tây Ninh quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhờ chú trọng đổi mới nội dung và phương thức, công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; góp phần động viên đến mức cao nhất sức người, sức của  hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam và làm hậu thuẫn vững chắc cho quân và dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, nước ta đã bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Kỳ tới: Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (từ năm 1975 đến nay)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930–15/10/2020): Chặng đường công tác dân vận từ năm 1930 đến năm 1975
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO